Đại diện Bộ Tài chính cho biết đã giao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu xây dựng quy chế quản lý tiền ảo , tài sản ảo.
Đến nay, UBCKNN đã lấy ý kiến của nhiều bộ, ngành.
Bộ Tài chính lý giải, tiền ảo, tài sản ảo là lĩnh vực mới tại Việt Nam và tương đối nhạy cảm. Vì vậy, phương pháp nghiên cứu phải hết sức thận trọng. Bộ Tài chính cũng đề xuất Chính phủ cho phép thành lập tổ công tác liên ngành để xây dựng đề án quản lý tài sản ảo, tiền ảo.
“Chúng tôi báo cáo Chính phủ về kết quả lấy ý kiến của các bộ, ngành và cách triển khai tiếp theo. Phạm vi nghiên cứu của Bộ Tài chính rất khó xây dựng được khung pháp luật đảm bảo tròn trịa các góc cạnh của vấn đề. Việc xác định phạm vi, nội hàm của tiền ảo, tài sản ảo chưa có khái niệm chính thức”, đại diện Bộ Tài chính cho biết.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, khung pháp lý cho tài sản ảo, tiền ảo là vấn đề khó, có nhiều rủi ro. Một số nước trên thế giới đã công nhận tiền ảo, tài sản ảo và cho giao dịch. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam chưa công nhận tiền ảo là tài sản. Muốn được giao dịch, tiền ảo phải được công nhận (tài sản), để lập sàn giao dịch, tổ chức giao dịch, đưa ra các quy định pháp lý.
Đại diện Bộ Tài chính cũng chỉ ra thực trạng thời gian qua nhiều trường hợp tham gia đầu tư tiền ảo dẫn đến rủi ro. Cơ quan quản lý nhà nước trong đó có Bộ Tài chính, UBCKNN đã cảnh báo nhiều lần về vấn đề này.
Trước đó, tại Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 23/2/2024 ban hành kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu, xây dựng khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh tài sản ảo trong tháng 5/2025.
Các loại tiền ảo phổ biến hiện nay như Bitcoin , Ethereum... Chính phủ từng giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, thí điểm tiền ảo, nhằm ngăn ngừa rủi ro rửa tiền, hệ thống ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước nhận định, tiền ảo, tài sản ảo (hay còn gọi là tiền thuật toán) như bitcoin, không phải là đồng tiền pháp định do ngân hàng Trung ương các nước phát hành mà do tổ chức, cá nhân tạo ra bằng thuật toán trên mạng máy tính.
Ngày 1/3, Bitcoin đã vượt ngưỡng 63.000 USD/BTC (tương đương 1,56 tỷ đồng/BTC). Hiện nay, có 11 quỹ đầu tư bitcoin được thành lập, sở hữu hơn 300.000 bitcoin. Mỗi quốc gia có cách quản lý khác nhau với tiền ảo như bitcoin. Có nước coi tiền ảo như một tài sản để thu thuế, cấp phép giao dịch.