Trên thực tế, không có quy định nào về việc sau 30 tuổi chúng ta sẽ phải sống ra sao, ai cũng có tốc độ phát triển của chính mình. Nhậm Chính Phi 43 tuổi mới thành lập Huawei còn cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama nghỉ hưu ở tuổi 55. Tự đặt ra giới hạn cho chính mình mới là lúc cuộc sống đi vào ngõ cụt. Sau 30 thực chất là lúc bạn phải hiểu bản thân nên làm gì và không nên làm gì.
Kinh nghiệm sống của "Bố già đầu tư", "Buffett của Trung Quốc" Trương Lôi có thể sẽ cho bạn câu trả lời. Trương Lôi khi còn nhỏ từng đi bán mì dạo, sau đó liên tiếp giành nhiều học bổng tại các trường đại học danh giá và trở thành nhà đầu tư hàng đầu, tỷ phú điều hành Hillhouse Capital. Doanh nghiệp này đã tăng tài sản lên gấp 3.000 lần trong 15 năm, trở thành công ty quản lý tài sản hàng đầu ở châu Á.
Chân dung Trương Lôi. Ảnh: ST
Trong cuốn sách của mình, Trương Lôi đề cập đến những người sau 30 tuổi sẽ trở nên giàu có nếu họ biết tập trung vào 3 điều sau.
1. Đánh bắt dài hạn để thu về con cá lớn
Tiếp xúc với các doanh nhân từ mọi tầng lớp xã hội, cả lớn cả nhỏ, Trương Lôi nhận thấy rằng những người có thể làm cho công ty của họ lớn mạnh đều có một đặc điểm chung. Đó là họ theo đuổi chủ nghĩa dài hạn, không bị đánh lừa bởi những khoản lợi nhỏ trước mắt.
Lưu ý rằng dài hạn không phải là độ dài của thời gian, mà là sự phát triển lâu dài của mục tiêu của bạn. Ví dụ nếu bạn muốn mức lương hàng tháng hơn 10.000 NDT, bạn có thể đạt được trong thời gian ngắn bằng những công việc giúp bạn nhận lương tốt ngay lập tức như giao đồ ăn, làm trong các nhà máy.
Nhưng người nhìn thấy lợi ích dài hạn sẽ chọn một vị trí có tiềm năng phát triển để học hỏi và củng cố kỹ năng. Lúc mới vào nghề lương tháng chỉ 7-8.000 NDT nhưng nếu kiên trì học hỏi, mức lương có thể vượt qua mức 10.000 NDT. Càng tích lũy nhiều năm kinh nghiệm lương càng cao. Nhưng nếu bạn chọn giao đồ ăn, làm nhà máy mà không trình độ không chút tiến bộ, bao nhiêu năm trôi qua bạn vẫn là bạn.
(Hình minh họa)
Tại Hillhouse Capital, Trương Lôi luôn tuân thủ nguyên tắc dài hạn, làm bạn với thời gian. Giá trị của công ty phải tích lũy trong một thời gian dài và cho thấy được sự ổn định. Trương Lôi từng chia sẻ ông rất cảnh giác với những người luôn phấn đấu cho vị trí đầu tiên. Bởi họ thường thích chạy nước rút thay vì chạy đường dài, dễ cạn kiệt sức lực, có lúc rất tích cực nhưng có lúc lại hoạt động không hiệu quả.
Vậy nên bạn không cần phải đột ngột vắt kiệt sức lực để thể hiện bản thân tại môi trường làm việc. Quan trọng nhất là hãy biết cách phân bổ năng lượng của bạn thật tốt để tạo ra kết quả, hiệu suất liên tục và ổn định. Những lãnh đạo trong công ty cũng vậy, họ có thể không thể hiện năng lực nổi trội chỉ trong 1 tháng, 3 tháng hay 1 năm mà phải chứng minh nó trong thời gian dài.
2. Xây dựng kỹ năng nghề nghiệp vững chắc
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều công ty sa thải nhân viên, cắt giảm lương, thậm chí phá sản. Vô số người mất việc chỉ sau một đêm, thu nhập giảm và cuộc sống rơi vào bế tắc. Nhưng trong nguy có cơ, làm việc tự do lại trở thành xu hướng.
Những gì giúp freelancer vượt qua giai đoạn khó khăn và làm giàu chính là năng lực và tư duy nghề nghiệp vững vàng. Khi kỹ năng của bạn không thể tạo ra giá trị, bạn không thể làm freelancer.
(Hình minh họa)
Theo Trương Lôi, khi bạn nắm vững những kỹ năng nghề nghiệp, không ngừng học hỏi và củng cố, dù ở độ tuổi nào bạn cũng không lo bị doanh nghiệp hay xã hội đào thải, bởi chính bạn đem lại giá trị to lớn.
Ông chủ Hillhouse Capital gợi ý bạn hãy nhìn nhận thật chân thực xem bản thân mình muốn trở thành người như thế nào, con đường sự nghiệp sẽ đi theo hướng nào. Sau đó tìm những người giống với hình mẫu ấy và kết bạn với họ. Cùng chí hướng, tất cả có thể học hỏi và tích lũy kinh nghiệm cùng nhau.
3. Học hỏi từ thất bại
Nhiều năm Trương Lôi đầu tư, không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, luôn có cả lãi và lỗ. Lãi nhiều hơn lỗ là thành công, nhưng bạn vẫn cần nhìn lại kinh nghiệm từ những lần mất mát đó.
"Khủng hoảng và thất bại không xấu. Chúng còn cho chúng ta cơ hội hiếm có để xem xét và rút kinh nghiệm", Trương Lôi từng nói.
Gặp phải thất bại không đáng sợ, đáng sợ là bạn luôn ở trong tình trạng chênh vênh không có cách nào vượt qua. Cách tốt nhất vẫn là tìm ra mình sai ở đâu, nhìn nhận lại tổng thể, sau đó tiến hành cải tiến và điều chỉnh để từng bước tiến về phía trước. Mọi sự trưởng thành của một người đều không thể tách rời khỏi trải nghiệm của những thất bại.
Đối với những người thông minh, không có cái gọi là nghịch cảnh. Mỗi khi gặp khó khăn là một cơ hội để họ hoàn thiện mình. Vậy nên đừng lãng phí bất kỳ kinh nghiệm thất bại nào, hãy để bản thân trở nên mạnh mẽ và không thể bị “quật ngã” dù trải qua nhiều gian nguy.