Tài chính

Bloomberg: Hãy quên "mùa xuân" lãi suất sẽ được cắt giảm đi, điều tồi tệ nhất vẫn còn ở phía trước

Những đợt tăng lãi suất vẫn chưa kết thúc

Chỉ vài tuần trước, các trader vẫn mong đợi rằng hầu hết NHTW ở các quốc gia phát triển sẽ cắt giảm lãi suất chuẩn trong vòng 1 năm, được thể hiện qua diễn biến trên thị trường giao dịch các hợp đồng hoán đổi.

Giờ đây, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy lãi suất sẽ đạt đỉnh trong năm tới và chỉ có 2 NHTW lớn là Fed và Riksbank của Thụy Điển dự kiến hạ lãi suất vào khoảng thời gian từ tháng 9/2023 đến tháng 3/2024.

Có thể thấy, Chủ tịch Fed Jerome Powell và một số người đồng cấp của ông cần nỗ lực cứng rắn hơn nữa để ngăn chặn lạm phát đang ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ. Các NHTW lại chứng kiến việc thị trường lao động ở Mỹ vẫn tăng trưởng mạnh, Trung Quốc mở cửa sau đại dịch và thời tiết giá rét ở châu Âu khiến áp lực giá cả tiếp tục tăng lên.

Catherine Yeung – giám đốc đầu tư tại Fidelity International Hồng Kông, cho biết: "Dường như ở thời điểm này, nhiều NHTW vẫn chưa kiểm soát được tình hình và còn rất nhiều việc phải làm."

Trong 2 ngày điều trần trước Quốc hội Mỹ vào tuần này, ông Powell cũng cảnh báo rằng số liệu kinh tế mạnh mẽ cho thấy khả năng Fed sẽ nâng lãi suất cao hơn mức mà giới chức dự kiến hồi tháng 12. Ông cũng cho biết ông và các quan chức NHTW có thể cần phải đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất tại cuộc họp ngày 21-22/3 lên mức 50 điểm cơ bản.

Bloomberg: Hãy quên mùa xuân lãi suất sẽ được cắt giảm đi, điều tồi tệ nhất vẫn còn ở phía trước - Ảnh 1.

Các trader cắt giảm dự đoán về khả năng các NHTW hạ lãi suất.

Các nhà kinh tế cũng nhanh chóng chia sẻ nhận định của mình. Goldman Sachs dự đoán phạm vi lãi suất sẽ tăng 0,25% lên 5,5% - 5,75%, cao hơn 1 điểm phần trăm so với mục tiêu hiện tại của NHTW. Còn Citigroup dự đoán mức điều chỉnh trong cuộc họp sắp tới là 0,5% và dự báo tương tự với Goldman về mức lãi suất tối đa (terminal rate).

Các nhà đầu tư cũng đặt cược xem NHTW châu Âu (ECB) sẽ phải tăng chi phí đi vay thêm bao nhiêu. Ngày càng có nhiều nhà kinh tế dự đoán mức lãi suất tiền gửi của ECB đạt 4%, từ mức 2,5% hiện tại.

Thành viên HĐQT của ECB – Robert Holzmann, có lẽ là thành viên có quan điểm cứng rắn nhất trong hội đồng, thậm chí còn đề xuất 4 đợt tăng 0,5% trong thời gian sắp tới và đưa lãi suất ở eurozone lên 4,5%.

Trong khi đó, ngày 8/3, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm của Đức đạt mức cao nhất kể từ năm 2008. Trên thị trường trái phiếu kho bạc, đường cong lợi suất đảo ngược ở mức chưa từng có kể từ cuộc khủng hoảng năm 1980 ở Mỹ, khi lợi suất trái phiếu 2 năm cao hơn lợi suất trái phiếu 10 năm hơn 1 điểm phần trăm. Điều này làm thị trường nhớ lại sự kiện Volcker.

Kit Juckes, chiến lược gia trưởng về tiền tệ tại Societe Generale, cho biết thị trường đang phản ánh nỗi lo ngại rằng "lạm phát càng khó để kiểm soát, thì nền kinh tế càng chịu thiệt hại lớn."

Các NHTW còn nhiều nhiệm vụ phía trước

Điều mà cả các nhà đầu tư và nhà kinh tế chú ý là các cuộc tranh luận nội bộ ở các NHTW về việc lãi suất cao sẽ được duy trì ở mức nào hoặc nên giảm quy mô kích thích như thế nào như ở trường hợp của Nhật Bản.

Giám đốc NHTW Ý Ignazio Visco đã công khai chỉ trích việc công bố những bình luận quá rõ ràng về lộ trình chính sách.

Trong khi đó, sự chia rẽ cũng ngày càng sâu sắc tại NHTW Anh (BOE), nơi Thống đốc Andrew Bailey khẳng định rằng kinh tế Anh đang "tăng trưởng khả quan như mong đợi" bất chấp những dấu hiệu yếu kém được thể hiện qua những số liệu gần đây. Ông phát biểu hồi đầu tháng này: "Tôi sẽ thận trọng khi đề xuất về việc điều chỉnh tăng lãi suất ở mức nào hay việc khẳng định sẽ cần hành động nhiều hơn nữa."

Những người đồng cấp của ông là Silvana Tenreyro và Swati Dhingra đề cập đến việc làm giảm áp lực tiền lương và nhấn mạnh sự cần thiết của việc phải tính đến những tác động sẽ xuất hiện từ đợt thắt chặt trước đó. Song, những quan chức thuộc "phe diều hâu" như Catherine Mann lại lo ngại rằng lạm phát sẽ buộc BOE phải tăng lãi suất mạnh hơn nữa.

Bloomberg: Hãy quên mùa xuân lãi suất sẽ được cắt giảm đi, điều tồi tệ nhất vẫn còn ở phía trước - Ảnh 2.

Lạm phát ở Mỹ, Eurozone, Anh, Nhật Bản; PCE của Mỹ; CPI lõi của Eurzone.

Các trader đang dự đoán về những đợt tăng lãi suất trong tương lai của Anh và cho rằng lãi suất sẽ tăng thêm 100 điểm cơ bản, lên mức cao nhất là 5% trong năm nay.

Tuy nhiên, không phải toàn bộ các NHTW đều đi theo hướng "diều hâu" hơn. Mới đây, NHTW Canada (BOC) đã giữ nguyên lãi suất lần đầu tiên sau 9 cuộc họp, song vẫn để ngỏ khả năng tăng lãi suất thêm nữa. Các quan chức nhắc lại rằng họ sẵn sàng tăng chi phí đi vay nếu cần thiết.

Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) cũng báo hiệu sẽ sớm tạm dừng lộ trình thắt chặt. Dẫu vậy, RBA đã quyết định nâng lãi suất thêm 0,25% vào tuần này và phát tín hiệu về việc cần phải cứng rắn hơn nữa.

Tại Thụy Điển, nhà đầu tư dự đoán Riksbank sẽ duy trì mức lãi suất hiện tại trong năm nay. Nền kinh tế của quốc gia này được cho là có thành tích kém nhất ở EU trong năm nay, khi EC dự báo đây là nền kinh tế duy nhất sụt giảm trong cả năm khi thị trường bất động sản suy thoái.

Một số nền kinh tế mới nổi đang ở vị thế thuận lợi để ứng phó với những tác động của việc Fed "diều hâu" hơn trong tương lai. Dẫu vậy, triển vọng tăng trưởng ảm đạm vẫn là mối rủi ro khác: kinh tế Ấn Độ giảm tốc trong quý IV, Brazil sụt giảm và Mexico hạ dự báo tăng trưởng.

NHTW ở các thị trường mới nổi đã nỗ lực đạt được sự cân bằng và phần lớn vẫn đang tìm cơ hội để tạm dừng đợt thắt chặt. Tuy nhiên, đối với các NHTW Mỹ và châu Âu, cách duy nhất là tiếp tục cứng rắn.

Luigi Speranza – nhà kinh tế trưởng của BNP Paribas, cho biết: "Chúng tôi nghĩ rằng các NHTW còn nhiều nhiệm vụ phía trước và việc hạ lãi suất của các NHTW lớn vẫn là điều chưa thể trong phần còn lại của năm."

Tham khảo Bloomberg

Cùng chuyên mục

Đọc thêm