Khoản vay tài trợ có thời hạn 15 năm này sẽ được dùng để hỗ trợ vận hành dự án điện gió quy mô 88MW tại tỉnh Ninh Thuận. Theo ước tính, dự án sẽ giảm phát thải 215.000 tấn khí CO2 mỗi năm, góp phần giúp Việt Nam đạt mục tiêu cam kết về chống biến đổi khí hậu và giảm phát thải ròng.
Theo hợp đồng ký kết giữa BIM Group và ADB, khoản tài chính này bao gồm 25 triệu USD từ Quỹ nguồn vốn vay thông thường (OCR) của ADB và 82 triệu USD do ADB thu xếp từ khoản cho vay đối ứng (parallel loan). Khoản cho vay đối ứng gồm 25 triệu USD từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), 13 triệu USD từ Hong Kong Mortgage Corporation Limited (HKMC), 18 triệu USD từ Ngân hàng ING, 17 triệu USD từ Tập đoàn Ngân hàng Sumitomo Mitsui và 9 triệu USD từ Ngân hàng Cathay United Bank.
Ông Đoàn Quốc Huy, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn BIM Group chia sẻ, việc nhận nguồn vốn từ các định chế tài chính hàng đầu ở châu Á và các ngân hàng thương mại quốc tế khẳng định hiệu quả của chiến lược phát triển bền vững và khả năng thực thi của Tập đoàn BIM Group. Thời gian qua, tập đoàn đã tích cực làm việc cùng với ADB và các bên để đáp ứng tốt các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe, đặc biệt về môi trường và xã hội.
"Sự kiện này càng có ý nghĩa khi đặt trong bối cảnh tính đến nay, có rất ít các khoản vay tài trợ dự án từ các tổ chức tài chính quốc tế cho các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam", Phó chủ tịch BIM Group nói.
Ông Huy cũng cho rằng Việt Nam đang đối mặt với thách thức kép của việc đáp ứng nhu cầu năng lượng tăng nhanh, đồng thời với quá trình phi carbon hóa. Nhu cầu năng lượng của Việt Nam liên tục tăng với tốc độ cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, cường độ carbon của Việt Nam đang cao hơn so với các nước khác trong hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Ông cũng nhấn mạnh, tập đoàn sẽ tiếp tục góp phần vào chiến lược phát triển bền vững của đất nước.
Ông Jackie B. Surtani, Trưởng ban Tài chính hạ tầng Đông Nam Á, Đông Á và Thái Bình Dương thuộc Vụ Nghiệp vụ khu vực tư nhân của ADB nhận định, nhu cầu năng lượng tại Việt Nam đã tăng nhanh chóng ngay cả trong đại dịch Covid-19.
"Dự án Điện gió của BIM Group sẽ phát huy hơn nữa tiềm năng tự nhiên về năng lượng tái tạo. Đây sẽ là bước tiến quan trọng nhằm tiến tới hiện thực hóa mục tiêu cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 của Việt Nam", ông Jackie bày tỏ.
Ngoài khoản tài trợ tài chính 107 triệu USD, dự án điện gió BIM cũng sẽ nhận được khoản hỗ trợ không hoàn lại trị giá 5 triệu USD từ Quỹ Phát triển và Đổi mới khí hậu do Goldman Sachs và Bloomberg Philanthropies tài trợ, ADB phụ trách quản lý.
Dự án điện gió BIM là liên doanh giữa Tập đoàn BIM Group thông qua công ty con là Tập đoàn Năng lượng BIM (chiếm 70%) và công ty ACEN Vietnam Investments Pte. Ltd. (ACEN) (chiếm 30%). Để thực hiện những cam kết về phát triển xanh và bền vững, dự án điện gió BIM đã cam kết sẽ tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, chính sách về an toàn môi trường và xã hội theo tiêu chuẩn quốc tế.
Thành lập năm 1994, BIM Group hiện là tập đoàn kinh tế đa ngành, với 4 lĩnh vực trụ cột gồm: Năng lượng tái tạo; nông nghiệp và thực phẩm; phát triển, vận hành và kinh doanh bất động sản; dịch vụ - tiêu dùng. Tháng 9/2021, BIM Group đã đưa vào vận hành thương mại dự án điện gió đầu tiên, hoàn thành giai đoạn đầu của tổ hợp kinh tế xanh sản xuất muối sạch kết hợp năng lượng sạch tại thôn Quán Thẻ, tỉnh Ninh Thuận. Tổ hợp được thực hiện tại khu vực đồng muối đất đai khô cằn, không chủ động được nguồn nước tưới. Trong đó, khu vực trên cao là nhà máy điện gió BIM công suất 88MW, bên dưới là các nhà máy điện mặt trời quy mô 405MWp và cánh đồng muối của dự án Khu kinh tế muối công nghiệp và xuất khẩu Quán Thẻ sản lượng hàng năm đạt 350 nghìn tấn.
ADB là thể chế tài chính đa phương được thành lập năm 1966, gồm 68 thành viên, trong đó có 49 thành viên thuộc châu Á. Ngân hàng này cung cấp các khoản tín dụng, hỗ trợ kỹ thuật giúp các nước Châu Á xóa bỏ tình trạng nghèo đói, hướng tới ổn định và bền vững.
Trong chiến lược đối tác quốc gia (CPS - Country Partnership Strategies) đối với Việt Nam giai đoạn 2023–2026, ADB tập trung thúc đẩy tăng trưởng xanh, đồng đều do khu vực tư nhân dẫn dắt, xây dựng nền tảng để đạt được mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao vào năm 2030. Chiến lược này có hai trụ cột chính: hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, tập trung khai thác khu vực tư nhân và thúc đẩy công bằng xã hội.