Trong báo cáo gửi Quốc hội về tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ đã cập nhật tiến độ tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
Theo đó, đối với Vietcombank, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang tổ chức lấy ý kiến các Bộ liên quan về Dự thảo Tờ trình Chính phủ và dự thảo Tờ trình Quốc hội về đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021 (20.695 tỷ đồng).
Như vậy, kế hoạch dự kiến được trình lên Chính phủ và Quốc hội thấp hơn so với kế hoạch tăng vốn khoảng gần 27.700 tỷ đồng đã được ĐHĐCĐ bất thường năm 2023 thông qua.
Ngoài dự định tăng vốn trên, Vietcombank cũng có kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu cho 21.680 tỷ đồng lợi nhuận còn lại của năm 2022 và 24.987 tỷ đồng (chưa rõ bằng tiền mặt hay cổ phiếu) lợi nhuận còn lại năm 2023.
Đồng thời, tại ĐHĐCĐ năm nay, ông lớn này cũng tiết lộ sẽ triển khai kế hoạch phát hành riêng lẻ tỷ lệ 6,5% sau khi chia xong cổ tức năm 2022.
“Tùy điều kiện thị trường, ngân hàng sẽ tổ chức hội nghị giới thiệu với nhà đầu tư, cổ đông trong và ngoài nước. Chúng tôi dự kiến sẽ thực hiện việc này trong năm 2024 và phát hành thành công 6,5% cổ phần riêng lẻ có thể từ nay đến 2025 là hoàn thành”, ông Đỗ Việt Hùng, Thành viên HĐQT Vietcombank cho biết.
Ngoài Vietcombank, NHNN cũng đang lấy ý kiến cho Dự thảo Tờ trình Thủ tướng Chính phủ và dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước vào Vietinbank thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận còn lại giai đoạn 2009 - 2016 và năm 2021 (7.948 tỷ đồng).
Trong khi đó, kế hoạch tăng vốn từ nguồn lợi nhuận còn lại giai đoạn 2009 - 2016 và năm 2021 từng được ĐHĐCĐ của VietinBank thông qua có quy mô lên đến 12.330 tỷ đồng.
Tại ĐHĐCĐ năm nay, Chủ tịch Trần Minh Bình cho biết hiện tại VietinBank đã nhận được ý kiến của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ Tài chính cho phép giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2022 (11.678 tỷ đồng) để tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Tại Đại hội, ban lãnh đạo VietinBank tiếp tục trình tới các cổ đông phương án sử dụng toàn bộ lợi nhuận sau khi trích lập các quỹ của năm 2023 để chia cổ tức, tăng vốn điều lệ (13.927 tỷ đồng).
Với Agribank, Quốc hội đã chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ tối đa 17.100 tỷ đồng. Cụ thể, 6.753 tỷ đồng từ dự toán ngân sách trung ương năm 2023 và 10.437 tỷ đồng từ dự toán chi đầu tư phát triển ngân sách trung ương năm 2024.
Đến nay, Chính phủ đã ban hành quyết định số 1584/QĐ-TTg vào tháng 12/2023 về việc giao bổ sung 6.753 tỷ đồng cho Agribank. Hiện vốn điều lệ của ông lớn này đã lên 41.000 tỷ đồng.
Còn với BIDV, báo cáo gửi Quốc hội thông tin rằng ngày 25/9/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước vào BIDV thông qua phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021.
NHNN đã chỉ đạo Người đại diện phần vốn nhà nước tại BIDV tổ chức việc thực hiện tăng vốn điều lệ theo đúng trình tự, thủ tục của pháp luật hiện hành. Hiện vốn điều lệ của BIDV đang ở mức 57.004 tỷ đồng, dẫn đầu trong nhóm Big4 và cao thứ hai ngành ngân hàng.