Thời sự

Biển số ô tô đấu giá khởi điểm từ 40 triệu đồng, được giữ tối đa 12 tháng trước khi đăng ký

Sáng 14/10 đã diễn ra Phiên họp toàn thể lần thứ 3 của Uỷ ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) để thẩm tra Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá. 

Trình bày Tờ trình tóm tắt dự thảo Nghị quyết, Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông cho biết, việc ban hành dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số xe ô tô thông qua đấu giá nhằm tiếp tục thực hiện, thể chế hóa đầy đủ, cụ thể chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về quản lý, sử dụng tài sản công.

Luật quy định biển số xe ô tô là tài sản công, tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về đấu giá biển số xe ô tô, nguyên tắc xác định giá khởi điểm; quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá biển số, người nhận chuyển nhượng biển số trúng đấu giá,... 

Việc ban hành Nghị quyết sẽ đáp ứng nhu cầu của người dân trong việc lựa chọn, sử dụng biển số theo nhu cầu; bảo đảm công tác quản lý nhà nước trong đăng ký, quản lý xe và đảm bảo an ninh, an toàn cơ sở dữ liệu Hệ thống đăng ký trong quá trình đấu giá; tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước (NSNN), có kinh phí đầu tư hệ thống cơ sở vật chất cho công tác đăng ký, cấp biển số phục vụ công tác quản lý nhà nước.

Ngoài ra, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, một số nước thực hiện cấp biển số bằng hình thức cho người dân tự chọn biển số theo sở thích và phải trả một khoản phí cao hơn lệ phí đã quy định (Mỹ, Nhật Bản, Myanmar) hoặc tổ chức đấu giá (Thái Lan, Malaysia, Singapore). 

Thống nhất giá khởi điểm 40 triệu đồng trên toàn quốc 

Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long khẳng định, quan điểm của Ban soạn thảo là không có biển xấu hay đẹp, mà chỉ có những biển thoả mãn mong muốn đối với những người có nhu cầu sử dụng. Đồng thời, biển đưa ra đấu giá là tất cả biển số đưa ra công khai để những người có nhu cầu lựa chọn và tham gia đấu giá. Không có cơ quan nào lựa chọn biển xấu, biển đẹp.

"Ví dụ, quý IV/2022 chúng tôi chuẩn bị cấp cho Hà Nội 10.000 đầu số thì trước đó chúng tôi sẽ công bố 10.000 đầu số ấy trên các phương tiện thông tin như dự thảo Nghị quyết đưa, những người có nhu cầu đấu giá thì đăng ký. Những số có người đăng ký sẽ đưa ra đấu giá, những số không có người đăng ký thì chuyển vào kho số của Bộ Công an để chuyển về Hà Nội bấm ngẫu nhiên", đồng chí Thứ trưởng dẫn chứng.

Về giá khởi điểm, lúc đầu Cơ quan soạn thảo tính toán tỉnh nào đấu giá tỉnh đó, đối với Hà Nội, TP HCM giá khởi điểm 40 triệu đồng, bằng 2 lần mức lệ phí đăng ký ô tô tại hai thành phố này, tương đương 5% giá xe ô tô trung bình ở nước ta hiện nay.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Long cho rằng, phải chọn giá đó vì đây là khâu then chốt trong việc có mang được tài sản ra đấu giá hay không. Theo quy định về đấu thầu, đấu giá, trước khi đấu giá tài sản đó phải được định giá, sau đó có cơ quan thẩm định giá, phê duyệt giá rồi mới mang ra đấu giá.

Về quyền chuyển tiếp, sau 12 tháng người trúng đấu giá không đăng ký thì có trả lại tiền hay không, dự thảo quy định chỉ khi người đó chết mới trả lại tiền, còn các trường hợp bất khả kháng khác rất khó khăn. Tuy nhiên, Ban soạn thảo cũng sẽ nghiên cứu kỹ, tính toán sao cho phù hợp nhất. Thứ trưởng Nguyễn Văn Long khẳng định sẽ tiếp thu các ý kiến đại biểu, phối hợp UBQPAN rà soát lại câu chữ, bố cục... để thiết kế Nghị quyết bảo đảm chặt chẽ, hợp lý. 

Đấu giá biển số sẽ được giữ 12 tháng trước khi đăng ký

Nêu vấn đề về thời gian được giữ biển số trước khi đăng ký, Ủy viên UBQPAN Nguyễn Thị Kim Bé băn khoăn, quy định người trúng đấu giá phải có nghĩa vụ đăng ký xe trong thời hạn 12 tháng, bởi giả sử trong thời gian đó người dân gặp sự cố, không kịp mua xe thì cần quy định như thế nào để vẫn đảm bảo quyền của người tham gia đấu giá?

Uỷ viên chuyên trách UBQPAN Trịnh Xuân An thì cho rằng, nên quy định đấu giá xong thì đăng ký ngay để hạn chế mua bán, tặng cho. "Đấu giá xong là phải gắn vào xe để đi chứ không phải giữ khư khư biển số đó. Như thế mới chặt chẽ, không tạo ra câu chuyện đầu cơ. Quan điểm của tôi là để 90 ngày, khoảng 3 tháng là phù hợp", đại biểu Trịnh Xuân An nói.

Về vấn đề này, Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm UBQPAN cũng nhất trí, tâm lý những người trúng đấu giá là muốn gắn biển đi ra đường ngay, do đó cần tính toán chỉ 6 tháng, nếu để 12 tháng thì lâu quá. Đồng thời ông lưu ý, chủ xe trong 12 tháng có nhiều vấn đề phát sinh xảy ra, bất khả kháng thì Ban soạn thảo cũng cần tính toán phương án để đỡ rắc rối trong quá trình thực thi.

Lý giải vấn đề này tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long cho biết, lúc đầu Ban soạn thảo định quy định 03 tháng, cùng lắm là 06 hoặc 09 tháng. "Tuy nhiên qua thảo luận với các bộ, ngành đề nghị nhiều, những người tham gia đấu giá thường mua xe sang, có thể lên đến 60 - 70 tỷ đồng, không phải có tiền là mua được ngay mà có thể đặt rồi 1 năm mới có xe. Qua tìm hiểu, chúng tôi nghĩ rằng thời gian 12 tháng cũng rất phù hợp, vì xe sang về Việt Nam qua làm thủ tục thuế, hải quan, nhập khẩu các kiểu mới đăng ký được", đồng chí Thứ trưởng cho hay.

 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm