Đổi mới phương thức lãnh đạo gắn với từng việc cụ thể
Thưa Bí thư Thành uỷ Hà Nội , ông luôn đề cao yếu tố đổi mới và vai trò của người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Xin ông cho biết những điểm nhấn về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị mà thành phố đã triển khai thời gian qua?
Đối với công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, Hà Nội luôn quán triệt lời dạy của Bác Hồ và Nghị quyết của Bộ Chính trị - lúc nào cũng phải gương mẫu, đi đầu, phấn đấu xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh, có sức chiến đấu cao. Thành uỷ Hà Nội đã quán triệt nghiêm túc các Nghị quyết của T.Ư, đặc biệt là Nghị quyết T.Ư 4 khoá XI, XII, XIII; Nghị quyết Hội nghị T.Ư 5, 6 khoá XIII, cụ thể hoá bằng nhiều quy định, chương trình hành động, kế hoạch.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng. Ảnh: PV
Đặc biệt, thời gian qua, Thường trực, Ban Thường vụ Thành uỷ đã tiến hành chuẩn hoá, hệ thống hoá các quy định, quy chế trong Đảng và hệ thống chính trị sửa đổi từ Quy chế làm việc đến các quy định về công tác cán bộ với phương châm vừa thực hiện nghiêm, thực hiện đúng quy định của T.Ư, vừa phù hợp với thực tiễn Thủ đô, làm sao phát huy được năng lực, sở trường của đội ngũ cán bộ, nhưng đồng thời khắc phục hạn chế tồn tại trong công tác cán bộ.
Trong đó, chúng tôi không ngừng tìm tòi, đổi mới để thực hiện đúng yêu cầu của Trung ương là phải gương mẫu, đi đầu trong công tác cán bộ, do đó Thành uỷ đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về công tác cán bộ, trên cơ sở đó tiến hành đổi mới các khâu của công tác cán bộ; bước đầu đã tiến hành luân chuyển hàng loạt vị trí lãnh đạo chủ chốt, triển khai thi tuyển lãnh đạo cấp phòng, ban hành đề án đổi mới sinh hoạt chi bộ, nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên, quản lý, sàng lọc đảng viên; “số hoá” công tác đánh giá cán bộ, triển khai “sổ tay đảng viên điện tử” gắn với phần mềm “quản lý đảng viên”...
Chúng tôi còn quyết liệt đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo; nhằm phát huy vai trò của cấp uỷ tổ chức Đảng, người đứng đầu cấp uỷ nhất là trước những việc lớn, việc khó; làm sao phải huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân.Ví dụ như khi thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô , đích thân tôi là Bí thư Thành uỷ phải tham gia, trực tiếp làm Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện.
Trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị thì tinh thần là phải vừa toàn diện, vừa rất cụ thể, không thể chung chung; nhưng phải tránh lấn sân, lấn quyền; thực hiện đúng như lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “đúng vai, thuộc bài”. Đây là việc rất khó, nhưng chúng tôi đã triển khai đúng hướng, bước đầu thực hiện được, đã phát huy được vai trò của cả cấp uỷ, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể và sự ủng hộ của nhân dân.
Ngay sau khi Quốc hội thông qua chủ trương Dự án Vành đai 4 – Vùng Thủ đô, chúng tôi có ngay Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội, yêu cầu cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp, đặc biệt là các quận, huyện có đường Vành đai 4 đi qua phải vào cuộc thực chất, làm quyết liệt. Đặc biệt ở xã, phường, tổ dân phố, thôn, làng, các tổ chức chính trị vào cuộc rất nhanh.
Khi đối thoại với đại biểu phụ nữ, tôi cũng nói Hội phụ nữ các quận, huyện phải vào cuộc tuyên truyền về dự án. Đối với những việc liên quan đến tâm linh như di dời mồ mả, chúng tôi còn huy động sự tham gia của cả Giáo hội Phật giáo các địa phương, vừa tuyên truyền, vận động, vừa thực hiện những nghi lễ cần thiết để người dân yên tâm...
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng kiểm tra tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ dự án Vành đai 4 - Vùng thủ đô trên địa bàn huyện Thường Tín. Ảnh: PV
Ai cũng biết là việc di dời mồ mả trong giải phóng mặt bằng là việc rất khó khăn. Mà theo thống kê, Hà Nội phải di dời hơn 15.000 ngôi mộ để phục vụ Dự án Vành đai 4; Bắc Ninh và Hưng Yên mỗi tỉnh di chuyển khoảng 3.000 ngôi.
Theo tiến độ, đến tháng 6/2023 phải bàn giao 70% mặt bằng để khởi công dự án. Vì thế, không thể việc nào cũng làm tuần tự theo quy trình được. Riêng với Hà Nội, hơn 15.000 ngôi mộ, nếu làm một nghĩa trang mới, từ lập dự án, khảo sát, giải phóng mặt bằng… có chắc xong trước 30/6/2023 không? Do đó, song song với biện pháp tuyên truyền vận động, chúng tôi đề xuất với Thủ tướng cho phép chỉ chỉnh trang và mở rộng các nghĩa trang đã có tại các khu vực lân cận để phục vụ di chuyển mồ mả. Và để nhanh hơn nữa thì kiến nghị cho phép vừa thiết kế vừa thi công. Sau khi được phép, chúng tôi đã làm như vậy. Nhờ đó, bà con rất phấn khởi, ủng hộ. Nhờ đó, ngay trong năm 2022, chúng tôi đã di chuyển được khoảng 10.000 ngôi mộ. Đã có 2 huyện hoàn thành di chuyển toàn bộ mồ mả, sẵn sàng bàn giao mặt bằng là Mê Linh và Sóc Sơn.
Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng rất quan trọng. Mình ở địa phương phải gắn với công tác cụ thể. Tôi nhận với Thủ tướng làm Trưởng Ban chỉ đạo dự án Vành đai 4 trên địa bàn 3 tỉnh, thì đổi mới phương thức lãnh đạo làm sao phải nhằm đạt được yêu cầu nhiệm vụ; phải tạo chuyển biến bằng công việc, sản phẩm cụ thể và không phụ lòng tin tưởng của T.Ư. Nên tôi cùng lãnh đạo 3 địa phương thời gian qua đã cùng bàn và triển khai nhiệm vụ, nhìn chung đến nay là rất tốt, bài bản.
Ba địa phương và các quận, huyện của ba địa phương đã ký kết giao ước thi đua về tiến độ, thống nhất với nhau về cách làm, tiếp tục đôn đốc theo tinh thần như thế.
Tôi nghĩ rằng, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng không thể nghĩ là cái gì đó xa vời được, mà phải gắn với từng việc cụ thể, từng địa phương cụ thể. Đổi mới phương thức lãnh đạo phải gắn với kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm. Nên, tôi chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát, đưa Uỷ ban Kiểm tra, cả giám sát của MTTQ tham gia ngay từ đầu để tránh thất thoát, lãng phí, tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra sau này. UBND cũng phải giao thanh tra, HĐND thành phố cũng phải tham gia giám sát. Thậm chí, chúng tôi cũng mời Kiểm toán nhà nước vào làm theo từng năm một...
Chọn những việc “căn cơ”, tạo thế và lực cho Thủ đô
Thủ đô cũng đang triển khai nhiều công việc lớn, vậy làm cách nào để thành phố vượt qua được các lực cản, rào cản, thưa ông?
Đúng là Hà Nội đã, đang và sẽ triển khai nhiều việc lớn, bởi chúng tôi có quyết tâm, có khát vọng đổi mới và phát triển Thủ đô. Đây vừa là nhiệm vụ chính trị mà T.Ư và nhân dân giao cho, vừa là tâm huyết, tình yêu đối với Hà Nội.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, năm 2023, thành phố sẽ quyết liệt trong cải tạo chung cư cũ. Ảnh: PV
Chúng ta đều thấy, Hà Nội có tiềm năng rất to lớn, nhưng chưa phát triển tương xứng. Do đó, chúng tôi xác định phải làm những việc căn cơ cho Thủ đô, còn sự vụ thường xuyên là việc đương nhiên phải làm, không cần bàn. Phải nghĩ đến những việc cho Thủ đô phát triển lâu dài theo đúng tinh thần của Bộ Chính trị yêu cầu là “văn hiến, văn minh, hiện đại”, đưa Thủ đô phát triển xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế.
Từ năm 2021, cùng với phòng, chống dịch là công việc thường xuyên, Thủ đô đã làm nhiều việc có tính dài hơi, trong đó việc đầu tiên là tổng kết Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị khoá XI về phương hướng phát triển Thủ đô giai đoạn 2011 – 2020 và kiến nghị Bộ Chính trị ra Nghị quyết 15 (đã ban hành – PV) về phương hướng phát triển Thủ đô đến năm 2030 và định hướng đến 2045 .
Một việc nữa là tổng kết luật Thủ đô và đề xuất hướng sửa đổi. Nhiều vấn đề, ý tưởng trong Luật Thủ đô 2012 rất tốt, vẫn còn nguyên giá trị, vẫn được kế thừa trong tinh thần Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị, nhưng tại sao 10 năm qua chúng ta vẫn chưa thực hiện được như mong muốn.
Ví dụ, Luật Thủ đô yêu cầu phải di dời các cơ sở trường học, bệnh viện, cơ sở ô nhiễm ra khỏi nội đô; tư tưởng quy hoạch chung là giảm dân cư trong nội đô, nhưng đến nay chúng ta đã di dời được bao nhiêu cơ sở. Rồi sau di dời phải ưu tiên xây dựng các công trình công cộng, nhưng làm được bao nhiêu cái?
Đó là một bài toán rất đau đầu. Mình không thể bước tiếp như thế nữa. Tới đây luật Thủ đô phải cụ thể hoá hơn. Trong các nhóm giải pháp, đề xuất trong sửa đổi luật phải cụ thể hoá, trong đó có giải pháp tạo nguồn lực cho Thủ đô.
Một điều nữa là hai quy hoạch của Thủ đô đang thực hiện rất quan trọng, gồm: Quy hoạch Thủ đô đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến 2030, tầm nhìn đến 2050. Thủ đô ta nghìn năm văn hiến, nếu quy hoạch không khéo là mất hết văn hiến.
Tôi nhớ khi mới về làm Bí thư Hà Nội, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore sang Việt Nam có gặp tôi. Khi gặp, ông ấy nói, đã sang Việt Nam nhiều lần, thấy thành phố rất phát triển, nhưng mỗi lần sang, những gì xa xưa của Hà Nội cứ mất dần đi. Từ những câu nói đó của bạn khiến mình phải suy nghĩ, phải làm những gì căn cơ hơn.
Với hai quy hoạch, tôi nói anh em muốn làm thế nào thì làm, nhưng dứt khoát phải bảo đảm xây dựng Hà Nội với đặc trưng “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại” như Bộ Chính trị đã yêu cầu, trong đó phải giữ cho được những giá trị văn hoá, văn hiến, anh hùng, hoà bình, hữu nghị làm nên cốt cách, tinh thần Thăng Long – Hà Nội; đồng thời phải giữ được làng xã của nông thôn Hà Nội, làng xã của đồng bằng sông Hồng - tiêu biểu của nền văn minh lúa nước .
Nông thôn Hà Nội có nhiều thứ gắn với lịch sử, văn hoá. Bao nhiêu làng nghề, lễ hội, đình chùa, miếu mạo gắn với các giá trị phi vật thể nằm ở đây hết. Hôm trước tôi xem một phóng sự trên truyền hình về 3 – 4 hộ gia đình ở Phú Xuyên khôi phục nghề đóng cối xay lúa. Khách nước ngoài đến xem. Rất hay. Việc nhỏ thôi, nhưng giữ được văn hoá truyền thống, nên rất đáng trân trọng, cần khuyến khích. Nông thôn Hà Nội hay lắm, còn nhiều nét văn hoá cần phải gìn giữ. Nên phải tính ngay từ quy hoạch, không là mất hết.
Hà Nội xác định phát triển bền vững, trong đó có phát huy nguồn lực từ tiềm năng văn hóa. Ảnh: PV
Cùng với đó, những việc tồn đọng lâu nay mình phải bắt tay vào làm. Như vừa rồi đưa ra HĐND thành phố tái chất vấn về xử lý dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn. Lúc đầu có 400 dự án thôi, nhưng chúng tôi chỉ đạo sát sao, yêu cầu rà soát kỹ, con số lên tới hơn 700 dự án, chủ yếu từ thời trước khi Hà Nội hợp nhất.
Vừa rồi thành phố đã huỷ bỏ được hơn 100 dự án. Những dự án khác sẽ đánh giá lại từng cái một. Dự án giải phóng mặt bằng rồi, đầu tư xây dựng rồi thì phải tìm cách tháo gỡ. Chúng tôi cũng tham mưu đưa vào Nghị quyết 15 về việc có cơ chế đặc thù để giải quyết những dự án tồn đọng của Thủ đô…
Thủ đô phải phát triển đồng đều
Bí thư có thể nói thêm về ý nghĩa kết nối vùng của dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội?
Lâu nay, trên một số diễn đàn của T.Ư, Chính phủ, Quốc hội đã chỉ ra tính kết nối vùng của đất nước ta còn yếu. Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô sẽ khắc phục điều này. Hà Nội làm Vành đai 4 với tinh thần “Hà Nội vì cả nước”, không chỉ cho riêng Hà Nội, mà còn cho cả Vùng.
Đối với Bắc Ninh, Hưng Yên nơi dự án đi qua thì lợi thế, tiềm năng phát triển đã rõ. Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc (nơi dự án không trực tiếp đi qua) trao đổi với tôi là tỉnh chỉ cần làm thêm mấy cây số kết nối vào đường song hành Vành đai 4 là có 1 nghìn ha đất làm đô thị và khu công nghiệp. Tỉnh Bắc Giang cũng vậy, chỉ cần làm cầu đường kết nối vào thôi là có điều kiện mở mang, phát triển...
Từ trước đây tôi đã thấy rất rõ rằng, Hà Nội nhất định phải làm đường Vành đai 4. Tại cuộc làm việc của Thủ tướng Chính phủ với Hà Nội (tháng 3/2021- PV), tôi có phát biểu, nếu muốn Thủ đô phát triển thì phải ủng hộ thành phố làm Vành đai 4 càng sớm càng tốt. Sau đó tôi được phân công về làm Bí thư Thành uỷ Hà Nội. Đúng lúc dịch cao điểm, nhưng tôi giao anh em tập trung chuẩn bị hồ sơ, thủ tục. Mất 1 năm, từ tháng 4/2021 để chuẩn bị thủ tục, xin ý kiến các cấp các ngành và đến tháng 6/2022 thì được thông qua. Đây cũng là kỷ lục về thời gian.
Phối cảnh đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Ảnh: PV
Với dự án Vành đai 4, ngoài ý nghĩa kết nối liên vùng, chúng tôi còn hướng tới sự phát triển đồng đều cho Thủ đô, thông qua hạ tầng giao thông vực dậy các huyện ở phía Tây. Hà Nội có 30 quận, huyện, thị xã sau khi sáp nhập Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã của huyện Lương Sơn (Hoà Bình) từ năm 2008, nhưng đến nay, đi vào các vùng phía Tây của Hà Nội, một số huyện thuộc Hà Tây cũ chưa phát triển tương xứng.
Thu nhập bình quân đầu người đến 2020 của Hà Nội là 5.325 đô la (khoảng 140 triệu đồng), nhưng vào một số huyện như Mỹ Đức, Phú Xuyên, Ứng Hoà, thu nhập trung bình mới đạt 53 – 54 triệu. Đây là vùng trũng của phát triển. Không những thu nhập thấp, mà đây lại là vùng xả lũ, rốn lũ, dân thiếu nước sản xuất. Nước sạch cho sinh hoạt cũng mới chỉ đạt 25 – 26%. Thực tế này làm tôi rất xót xa, trăn trở.
Phát triển đồng đều ở Thủ đô rất quan trọng. Mở đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô sẽ tạo không gian mới, tạo cơ hội để phát triển cho các huyện này, sau đó đến các địa phương thuộc Vùng Thủ đô . Ngày xưa địa điểm du lịch tâm linh trong vùng thì chùa Hương là số 1, kiểu gì cũng phải đi, nhưng ngày nay, nhiều người sẽ chọn đi Tam Chúc, Bái Đính, Tràng An.
Tôi vào kiểm tra thì thấy, cơ chế quản lý ở đây rất cũ. Ban Quản lý chùa Hương vẫn là của nhà nước, thu không đủ chi. Thời tôi làm Bí thư Tỉnh uỷ Ninh Bình, Ban Quản lý khu Tam Cốc cũng thế, tôi cho đấu thầu để thay đổi. Đến nay mỗi năm khu này nộp ngân sách vài chục tỷ.
Quan trọng là chất lượng dịch vụ được nâng lên, môi trường sạch đẹp, công nhân viên tự giác, ý thức du khách tăng lên. Trong khi đó, ở chùa Hương vẫn thu không đủ chi, phải cần nhiều giải pháp, trước mắt là giải pháp hạ tầng để tạo cơ hội phát triển đồng đều. Cùng với đó là đổi mới mô hình, cơ chế quản lý đồng bộ.
Một điều nữa là đội ngũ cán bộ phải đổi mới. Tư tưởng và quyết tâm làm có khi còn đang ở mức giữ mình. Thoả mãn với vị trí của mình là nguy hiểm; không khát vọng phát triển, vươn lên là nguy hiểm. Vừa rồi thành phố đã thay đổi một số vị trí cán bộ chủ chốt của một số huyện. Theo báo cáo, bước đầu đã tốt hơn...
Nên cùng với cơ hội mà Vành đai 4 tạo ra, thành phố cũng như các địa phương cũng phải tích cực đổi mới, sáng tạo để vừa khắc phục hạn chế, khó khăn, vừa tận dụng cơ hội này để mở mang, phát triển. Thành phố mong muốn, sẽ cố gắng tạo điều kiện để các huyện còn khó khăn vươn lên; nhưng đấy mới là điều kiện cần, điều kiện đủ là các huyện cũng phải cố gắng, phát huy nội lực, tinh thần tự lực tự cường, khát vọng phát triển... mới có thể vươn lên, mới giúp thành phố phát triển đồng đều được.
Thực hiện quy hoạch 2 thành phố trực thuộc Thủ đô
Theo đánh giá, kết quả năm 2022 của thành phố là khá toàn diện và rất đáng tự hào. Xin Bí thư Thành uỷ cho biết, thành phố đã chuẩn bị gì cho kế hoạch năm 2023 để tiếp đà phát triển của năm qua?
Năm 2022, mặc dù rất khó khăn bởi tác động tình hình quốc tế và trong nước, nhưng thành phố đạt được kết quả toàn diện. Các chỉ số đều cho thấy bức tranh kinh tế - xã hội Thủ đô có nhiều khởi sắc. Hà Nội đã hoàn thành 22/22 chỉ tiêu phát triển đã đề ra, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 8,89% (vượt kế hoạch đề ra là 7-7,5% và cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước - 8,02%). Quy mô kinh tế của Hà Nội đạt 1,2 triệu tỷ đồng (tương đương 50 tỷ USD). Lần đầu tiên Hà Nội thu ngân sách vượt 300 nghìn tỷ đồng, đạt hơn 332.000 tỷ đồng, vượt dự toán T.Ư giao; trong đó năm 2022 là năm thứ hai liên tiếp Hà Nội có số thu nội địa dẫn đầu cả nước, đạt 303 nghìn tỷ đồng; nghĩa là thu từ thuế, phí, là khoản thu có tính bền vững, rất quan trọng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 141,8 triệu đồng. Lượng khách quốc tế và tổng thu từ khách du lịch cùng tăng hơn 4-5 lần so với năm trước…
Thành phố Bắc sông Hồng gồm các huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn lấy sân bay Nội Bài làm trung tâm. Ảnh: PV |
|
Năm 2023 dự báo sẽ rất khó khăn, nhất là trước nguy cơ lạm phát cao, suy thoái kinh tế, diễn biến dịch bệnh, tình hình chính trị thế giới... Quan điểm chỉ đạo của Thành ủy là các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở phải phát huy những kết quả đạt được và kinh nghiệm đã có, tập trung chỉ đạo quyết liệt, sâu sát hơn nữa; tăng cường kiểm tra, giám sát, đổi mới phương thức lãnh đạo có trọng tâm, trọng điểm, đề cao trách nhiệm, sự gương mẫu của người đứng đầu các cấp; Chúng ta phải tiếp tục huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sự tham gia, ủng hộ của nhân dân trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, nhất là những nhiệm vụ lớn, nhiệm vụ mới, nhiệm vụ khó.
Thành ủy đã chỉ đạo các cấp, ngành và địa phương phải tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp dựa trên đổi mới công nghệ, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa theo Nghị quyết của Thành ủy gắn với phát triển thương mại - dịch vụ, đẩy mạnh xuất khẩu, quảng bá và phát triển du lịch. Đối với ngành Nông nghiệp, chúng ta sẽ tiếp tục tái cơ cấu và phát triển theo chiều sâu; khuyến khích ứng dụng công nghệ cao...
Thành phố phấn đấu hoàn thành 22/22 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, trong đó cố gắng GRDP tăng 7% trở lên; kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 4,5%... Chúng ta đồng thời phải tập trung thực hiện những nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa tạo sức bật mới cho sự phát triển của Thủ đô trước mắt và lâu dài. Đó là hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thành dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).
Trong đó, chúng ta sẽ quy hoạch 2 thành phố trực thuộc Thủ đô là: Thành phố Bắc sông Hồng gồm các huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn và thành phố phía Tây gồm khu vực Hòa Lạc - Xuân Mai . Đây phải là những cực tăng trưởng mới của thành phố, giúp kéo giãn mật độ dân cư khu vực nội đô và vực dậy kinh tế các huyện còn rất khó khăn, thậm chí là "vùng trũng" ở xung quanh lên.
Thành phố cũng sẽ tập trung quy hoạch và đầu tư đưa một số huyện thành quận, trước mắt trong năm 2023 phấn đấu đưa 2 huyện Đông Anh, Gia Lâm lên quận. Chúng ta đồng thời sẽ đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, các công trình trọng điểm; cố gắng sớm đưa vào vận hành thương mại đoạn trên cao Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội; Đặc biệt phải hoàn thành các thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng và khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô...; quy hoạch, ban hành quy định để triển khai cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ; rà soát, xử lý các dự án chậm tiến độ có sử dụng đất...