Cả thế giới xót xa khi hay tin Nữ hoàng Anh Elizabeth II - một trong những vị quân chủ trị vì lâu nhất thế giới - đã tạ thế vào ngày 8/9/2022 (giờ Anh), hưởng thọ 96 tuổi. Với giới mộ điệu thời trang, không có mất mát nào to lớn hơn sự ra đi của bà - biểu tượng định nghĩa cho quyền lực phái đẹp trong hai thế kỷ 20 và 21.
"Ta cần phải được nhìn thấy để được tin tưởng", Nữ hoàng Anh từng giải thích về gu thời trang độc đáo của mình. Đó là điều mà bà luôn tâm niệm mỗi khi khoác lên mình bất kỳ trang phục nào, từ lúc kế vị ngai vàng ở tuổi 25 đến khi qua đời ở tuổi 96.
Nữ hoàng Anh khi còn là Công chúa Elizabeth vào năm 1946 - 7 năm trước lễ đăng quang, với dáng vẻ thướt tha và dịu dàng. Phong cách của bà luôn toát lên vẻ trang nhã với những chiếc váy kín đáo thắt eo nhẹ. Bà không bao giờ mặc váy dài trên gối. (Ảnh: Lisa Sheridan/Getty Images)
Vào ngày kết hôn với Vương tế Philip tại Tu viện Westminster, bà mặc váy cưới và đội khăn voan được thiết kế bởi Norman Hartnell - thợ may cao cấp chuyên làm ra những chiếc váy sở hữu vẻ đẹp vĩnh cửu cho các nhân vật hoàng gia Anh. Với thiết kế cổ tim trang nhã cùng chất liệu lụa màu ngà, chiếc váy được hoàn thành qua đôi tay của 350 nữ nhân suốt 7 tuần lễ. Đặc biệt, chiếc váy cưới rất nặng do được đính tới 1.000 viên pha lê. (Ảnh: Popperfoto/Getty Images)
Trung bình, Nữ hoàng Anh phải tham gia tới 300 sự kiện/năm. Bà hiểu hình ảnh của mình rất có trọng lượng trong mắt công chúng. Bà mặc không chỉ để thể hiện bản thân, mà còn để truyền đạt lại với hậu thế.
Nữ hoàng Anh đã chứng minh mình là một nhà ngoại giao lão luyện như thế nào chỉ bằng những bộ cánh mặc hàng ngày.
Bà đã ý thức được việc hợp tác với các nhà thiết kế và thương hiệu nổi tiếng để tạo dựng tình bạn xuyên biên giới, mở đường cho Michelle Obama hay Công nương Kate sau này. Trước Brigitte Macron hay Jill Biden, bà đã biết sử dụng vị trí của mình để ủng hộ ngành công nghiệp thời trang quê nhà.
Nữ hoàng Anh chụp cùng cún cưng của mình tại Lâu đài Balmoral vào năm 1952. Khi trở thành người kế vị, bà bắt đầu diện những bộ vest kèm chân váy xếp ly dài khá nền nã nhưng màu sắc nổi bật. (Ảnh: Lisa Sheridan/Getty Images)
Elizabeth II trở thành Nữ hoàng Anh ở tuổi 25. Một trong những chi tiết đáng nhớ nhất của lễ đăng quang chính là chiếc váy đầy uy quyền do NTK Norman Hartnell sáng tạo. Trang phục này mất 9 tuần để thực hiện, được thêu bằng sợi vàng và bạc trên nền lụa màu vàng nhạt có hình dáng cổ điển. Các họa tiết trên chiếc váy lịch sử chính là biểu tượng cho các quốc gia nằm trong Khối Thịnh vượng chung như hình lá phong đại diện cho Canada; dương xỉ bạc tượng trưng cho New Zealand hay hoa sen đến từ Ấn Độ. (Ảnh: Getty Images)
Có thể nói, Nữ hoàng Anh là bậc thầy về "thời trang cho công chúng ngắm". Bà là người khởi nguồn cho phong trào mặc suit sáng màu, vừa để tạo sự gần gũi với mọi người, vừa khiến bản thân thêm nổi bật hơn. Bí quyết này đã được nhiều nữ chính trị gia nổi tiếng sau này học hỏi, chẳng hạn như Hillary Clinton, Angela Merkel và Nancy Pelosi.
Nữ hoàng Anh đã thành công trong việc xây dựng hình tượng của riêng mình: một người phụ nữ nhỏ bé đội mũ kiểu cách và xách túi đồng điệu. Dù đứng từ xa, công chúng vẫn có thể nhận ra bà chỉ bằng hình bóng. Đó là lý do mà các nữ minh tinh diễn Nữ hoàng Anh đều có thể dễ dàng nhập vai, dù họ là Helen Mirren, Emma Thompson hay Imelda Staunton.
Một trong những trang phục đặc trưng của Nữ hoàng Anh: áo khoác ton-sur-ton cùng mũ kiểu cách. (Ảnh: Fox Photos /Getty Images)
Những chiếc mũ đội đầu luôn là phụ kiện mang tính biểu tượng của Hoàng gia Anh. Chiếc mũ xanh đính hoa độc đáo mà Nữ hoàng Elizabeth II diện đến một buổi đấu polo được thiết kế bởi Simone Mirman - một NTK mũ nổi tiếng xứ sở sương mù. (Ảnh: Tim Graham/Getty Images)
Robert Hardman, đại diện của Nữ hoàng Anh cho biết: "Bà không bao giờ mặc màu be vì đám đông cần nhìn thấy bà". (Ảnh: Anwar Hussein/Getty Images)
Nữ hoàng Anh còn được mệnh danh là "Nữ hoàng cầu vồng", bởi bà luôn lựa chọn màu sắc trang phục "chói lòa" nhất có thể: xanh chuối, đỏ hoa hồng, tím lilac,... Trong chuyến công du tới Canada năm 1984, bà đã diện một bộ váy và mũ màu vàng nghệ. (Ảnh: Getty Images)
Khi phong trào nữ quyền trỗi dậy mạnh mẽ vào những năm 2010, bà thường chọn những bộ váy suit, đường cắt gọn gàng cùng gam màu rực rỡ mỗi khi xuất hiện trước công chúng.
Dù vậy, Nữ hoàng Anh không phải lúc nào cũng duy trì nguyên tắc thời trang của mình một cách cứng nhắc. Thỉnh thoảng, bà cũng khiến công chúng bất ngờ với những trang phục và phụ kiện độc đáo ngoài sức tưởng tượng mà có lẽ chỉ mình bà "cân" được.
Trong suốt thời gian trị vì, Nữ hoàng Anh thường xuyên gây ấn tượng với những trang phục đơn sắc rực rỡ. Thế nhưng, bà từng một lần "phá cách" khi diện chiếc váy hồng họa tiết hoa cùng chiếc mũ vô cùng ton-sur-ton trong chuyến công du Ấn Độ năm 1961. Bà không quên đeo thêm chiếc trâm cài đầu yêu thích của mình, Cullinan V Brooch, do Garrard thiết kế vào năm 1911.(Ảnh: Popperfoto/Getty Images)
Trong chuyến công du Mexico năm 1975, Nữ hoàng Anh chứng tỏ độ sành điệu và cuốn hút của mình bằng chiếc váy xếp ly in hoa cúc và chiếc turban cùng kiểu. Các loại phụ kiện như túi, găng tay, thắt lưng và vòng ngọc trai đều có tông trắng, rất hợp với họa tiết trên váy. (Ảnh: Getty Images)
Năm 1990, nữ hoàng (trái) xuất hiện với trang phục hoa sặc sỡ. Đây là một trong những lần hiếm hoi bà chọn họa tiết màu nổi. (Ảnh Getty Images)
Khăn trùm đầu cũng là một vật bất ly thân của Nữ hoàng Anh. Bà từng đội một chiếc khăn trùm có họa tiết hình in, kết hợp với trang phục cưỡi ngựa đầy mạnh mẽ trong Triển lãm Đua ngựa Hoàng gia Windsor năm 1988.(Ảnh: Getty Images)
Phụ kiện này được Nữ hoàng Anh tận dụng mọi lúc mọi nơi, dù là khi ăn mặc sang trọng hay đời thường. Những chiếc khăn trùm đầu này đều có họa tiết hết sức nổi bật (Ảnh: Getty Images)
Không còn dáng vẻ của một người phụ nữ quyền lực, Nữ hoàng Anh trông giống như một người bà hết sức gần gũi (Ảnh: Getty Images)
Ngoài những chiếc áo khoác váy quen thuộc, Nữ hoàng Anh cũng thu hút ánh nhìn trong nhiều bữa tiệc cao cấp với những bộ cánh dạ hội lộng lẫy, trang trọng, nhưng không kèm phấn đặc trưng của mình.
Vào thập niên 80-90, Nữ hoàng Anh không ngại thử nghiệm những chiếc đầm dạ hội mới mẻ mang tính thử nghiệm. Một trong số đó là chiếc váy "Harlequin" màu vàng kẻ chevron kết hợp phần thân áo đính sequin và kim cương, được bà mặc tại buổi biểu diễn của hoàng gia ở Birmingham.
Năm 1993, Nữ hoàng dịu dàng trong thiết kế hồng đầy bồng bềnh khi tham dự một bữa tiệc ở Budapest cùng với chồng là Vương tế Philip.
Vào những ngày cuối tuần hay dịp nghỉ lễ, Nữ hoàng Anh thường lui về Lâu đài Balmoral, Scotland. Đây là nơi bà dành phần lớn thời gian sống cùng Vương tế Philip, cùng nhau nuôi dạy con cái như một gia đình bình thường.
Lâu đài Balmoral cũng là nơi mà Nữ hoàng Anh được trút bỏ những bộ cánh sang trọng và cầu kỳ của một bậc quân vương. Tại đây, bà chỉ là người vợ, người mẹ Lilibet trong trang phục đời thường đầy giản dị làm từ vải tartan Scotland và vải tweed Anh.
Nữ hoàng Anh băng qua khu đất thuộc Lâu đài Balmoral ở Scotland vào năm 1967. (Ảnh: Central Press/Getty Images)
Không còn những bộ cánh ton-sur-ton, Nữ hoàng Anh đời thường sẽ mặc váy, đeo túi và đi giày riêng biệt. (Ảnh: Tim Graham Photo Library/Getty Images)
Nữ hoàng Anh tại Lâu đài Balmoral vào năm 2017 (Ảnh: Andrew Milligan)
Là "kẻ ngoại đạo" trong giới thời trang nhưng Nữ hoàng Anh lại cho mọi người thấy, bà có một con mắt thú vị đến nhường nào. Đằng sau những bộ cánh trang trọng tưởng chừng như nhàm chán, những trang phục độc đáo tưởng như không hợp thời lại là tư duy thời trang đầy tính chiến thuật. Có thế nói, bà là bậc thầy trong việc xây dựng phong cách đĩnh đạc phá cách.
Dù Nữ hoàng Anh đã ra đi nhưng bộ sưu tập trang phục đồ sộ của bà sẽ vẫn được lưu trữ trong bảo tàng hoàng gia, nhằm phục vụ cho mục đích nghiên cứu trong tương lai. Chúng không chỉ là dấu ấn của một triều đại thịnh vượng, mà còn là công cụ đặc biệt của chính sách ngoại giao thực dụng.
- Tham khảo thêm