Người đàn ông 40 tuổi chưa kịp phản ứng, chị Tú Phương (vợ anh) yêu cầu chồng ngồi tại chỗ, cô đi xe mang lá bùa tới tận nơi. Tiếng Phương trong điện thoại to đến nỗi đồng nghiệp ngồi cạnh ai cũng nghe thấy, khiến anh Toàn đỏ mặt vì xấu hổ.
Trước khi lấy nhau, Phương đã theo một thầy tướng số, người được cô đánh giá "phán đại sự luôn đúng". Đi đâu Phương cũng khoe, chính thầy là người phán ngày giờ cô gặp và lấy được chồng, đoán chính xác giới tính hai đứa con. Mười ba năm qua, cứ sau Tết, cô lại đến nhờ thầy xem giúp vận hạn gia đình cả năm để phòng tránh.
Năm nay, thầy phán vợ chồng Phương làm gì cũng phải cẩn thận, còn nói cụ thể tháng nào trong năm gặp hạn khiến chị lo sốt vó. Để "giảm thiểu tai ương", thầy đưa cho cô ba lá bùa, yêu cầu một cái chôn góc nhà, hai chiếc còn lại vợ chồng mang theo mình 24/24h.
"Thế mà chồng tôi không tin, bỏ ngoài tai. Mấy ngày nay vì chuyện này mà cả hai lời qua tiếng lại, đến mệt mỏi", người phụ nữ 39 tuổi ở Hà Nội than thở.
Không theo thầy ruột như Phương, ba năm trước, Mai Linh, sống ở Nam Định được bạn thân rủ xem bói bài về tình duyên. Vì tò mò, cô gái 25 tuổi "đi xem thử".
Vừa bước chân vào nhà, Linh đã thấy ngộp thở bởi khói hương nghi ngút. Sau chục lần tráo bài, thầy bói hỏi cô tuổi tác, nghề nghiệp rồi yêu cầu bốc một lá bất kỳ. Quân bài vừa mở ra, người này phán: "Tuổi cô và người yêu hiện tại lấy nhau dễ âm dương cách biệt".
Lời phán như sét đánh ngang tai. Về nhà, Linh như người mất hồn, không ăn không ngủ được, một tuần sụt mất 2 kg. Người yêu gặng hỏi nhưng cô lảng tránh, bắt đầu đối xử lạnh nhạt với anh. Một lần kiếm cớ gây sự, cô đòi chia tay, rồi còn chặn mọi loại liên lạc. Bị trách nhẫn tâm, Linh giải thích: "Đau đớn nhưng vẫn phải bỏ để tránh họa cho cả hai sau này". Dù vậy, hậu chia tay cô không nguôi nhớ về người yêu cũ và chưa thể mở lòng thêm với bất cứ chàng trai nào.
Một khảo sát gần đây của VnExpress cho thấy, 22% trong số 700 độc giả được hỏi đã từng đi xem bói. Trong số này, 79% chỉ xem cho vui, 13% nhà có việc mới tìm đến bói toán và 8% còn lại là được người thân, bạn bè rủ rê.
Trên mạng xã hội hiện có hàng trăm hội nhóm về xem bói, đa dạng các hình thức khác nhau từ bói bài, xem chỉ tay, xem ngày sinh cho đến xem qua lá trầu, quả cau. Chủ để để xem cũng khá đa dạng nhưng chủ yếu tập trung vào công danh sự nghiệp, tình duyên, vận hạn. Các bài giới thiệu địa chỉ xem bói hoặc hỏi "chỗ xem uy tín" liên tục được chia sẻ vào dịp đầu năm. Đơn cử, một hội nhóm xem bói trên mạng xã hội với gần 171.000 người tham gia, trung bình mỗi ngày có gần 100 bài viết mới. Dưới mỗi bài đăng có cả trăm bình luận thắc mắc về chỗ xem bói, hoặc để lại ngày sinh, hình ảnh chụp bàn tay nhờ các "thầy" luận giải. Các quẻ xem có thể phải trả phí hoặc không.
Nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Đình Hải (Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người) cho hay, bói toán ban đầu là dự đoán sự việc từ kinh nghiệm cũng như trực giác của bản thân. Người bói sẽ không dựa vào các yếu tố, hình thức ngẫu nhiên mà dựa trên sự chiêm nghiệm của chính họ, như một sự quan sát và đối chiếu với kinh nghiệm thực tiễn.
"Về bản chất, lời thầy bói phán giống như dự báo trước những điều sẽ gặp trong tương lai để con người chuẩn bị tâm lý cũng như lập kế hoạch phù hợp hơn", ông Hải chia sẻ. Bởi vậy, thầy bói nguyên thủy trước mỗi lần xem phải ăn chay, nằm ngủ dưới đất để bản thân có tính thuần nhất, không bị ảnh hưởng bởi ý chí cá nhân.
Nói về nhiều người thích xem bói, đặc biệt dịp đầu năm, tiến sĩ văn hóa Nguyễn Ánh Hồng cho rằng đây là nhu cầu có thực, bởi dịp này nhiều người mong muốn dự đoán tương lai, có thể làm chủ được số phận của mình. "Khoa học hiện nay chưa thể lý giải mọi hiện tượng nên có lúc cũng phải viện dẫn đến niềm tin để làm cơ sở", bà Hồng nói.
Trong tâm lý học có một khái niệm về "cảm giác kiểm soát", nghĩa là tránh những điều không chắc chắn. Những người tìm đến bói toán thực chất là đang đối phó với áp lực cuộc sống. Áp lực càng lớn họ càng tin vào kết quả bói toán. Một số khác lại lo lắng cho tương lai của mình. Khi gặp sự cố, họ mong ai đó đưa ra lời khuyên không chỉ để tham khảo mà còn bấu víu, thậm chí như chiếc phao cứu sinh. Theo tiến sĩ Hồng, đây chính là cơ hội để một số thầy bói lợi dụng, truyền bá mê tín dị đoan với mục đích trục lợi.
Như Tú Phương, để lấy được ba chiếc bùa "giải hạn" cho hai vợ chồng, cô đã chi cả chục triệu đồng làm lễ. Còn với Mai Linh, sau khi chia tay người yêu cũ, thầy phán cô cao số, nên làm lễ cắt tiền duyên mới mong tìm được người phù hợp hơn.
Từ hai trường hợp trên, bà Hồng cho rằng, sau khi xem bói, nhiều người sẽ rơi vào trạng thái cực đoan, thậm chí "chấp mê bất ngộ" (giữ sự mê muội mà không tỉnh ngộ). "Bói toán chính xác hay không còn đến từ nhận thức chủ quan. Con người không nên chỉ dựa vào những suy đoán bên ngoài để sống", nữ tiến sỹ khẳng định.
Cùng quan điểm, theo ông Đình Hải thầy bói có thể suy đoán được phần nào tính cách, trạng thái của đối phương thông qua nét mặt, cử chỉ... dựa trên khả năng quan sát, kinh nghiệm sống trong quá trình hành nghề. Họ có thể dùng những câu hỏi mở, khai thác những mạch ngầm rồi moi dần thông tin của đối tượng. "Đôi khi chúng ta cung cấp những dữ liệu để người ta nắm bắt được thông tin chính xác. Rơi vào tình huống này nhiều người sẽ có niềm tin tuyệt đối vào thầy bói", ông Hải nói.
Không có niềm tin tuyệt đối vào bói toán, Hồng Khanh, 25 tuổi, ở Sài Gòn chỉ coi đây như một kênh tham khảo, nhằm giải tỏa áp lực và lấy lại sự tự tin.
Đầu năm ngoái, trước khi bước vào cuộc phỏng vấn quan trọng ở hai công ty, cô tìm đến bói toán. Điều khiến Khanh thấy hài lòng là thầy nào cũng nói "Chắc chắn đỗ", khiến tâm trạng cô tích cực hơn. Đến khi cả hai công ty đều gọi đi làm, Khanh lại bối rối và hy vọng ai đó có thể giúp mình lựa chọn. Lần này, cô tiếp tục tìm đến bói toán để nhờ thầy phân tích ưu nhược điểm của hai công việc. Sau nhiều lần cân nhắc, cô đã chọn việc yêu thích thay vì việc lương cao hơn.
Với cô gái này, bói toán không có hại, chỉ giống như một điểm tựa để động viên tâm lý ngay cả khi nó không chính xác. "Xem bói đôi khi là cách né tránh thực tại. Bản chất con người là muốn tìm kiếm niềm vui và trốn tránh đau khổ", Khanh nói. Khi gặp rắc rối trong cuộc sống thực mà không tìm ra cách giải quyết, cô lại dùng bói toán để giải tỏa cảm xúc.
Từ quan điểm của Khanh, bà Ánh Hồng cho hay bói toán cũng giống như một loại gia vị của cuộc sống, nếu quá đà sẽ gây nguy hiểm. Điều quan trọng nhất của mỗi người là nhận thức được bản thân mình muốn gì, có nhu cầu gì và xác định được năng lực đến đâu. "Nếu không đủ sức tin vào bản thân mà lại tin vào bói toán, điều đó rất dở", bà khẳng định.
Chuyên gia văn hóa Phạm Đình Hải cũng trích dẫn câu nói "Nhân định thắng thiên, đức năng thắng số" nhằm nêu bật đạo đức của con người sẽ vượt qua mọi trở ngại để đạt được kỳ vọng tốt đẹp. Theo ông không nên quá tin lời thầy bói mà bỏ mất những cơ hội tốt đẹp bản thân xứng đáng có được.
"Từng có một cặp đôi bị mẹ phản đối kết hôn vì nghe lời thầy bói là không hợp tuổi. Tôi thử khuyên cặp đôi đó đến tác động vào thầy bói, quả thực họ đã lấy được nhau. Hai mươi năm rồi giờ vẫn sống hạnh phúc", ông Hải chia sẻ.