Kinh tế Nga
Nền kinh tế Nga hoàn toàn sụp đổ trong thập niên 1990 khi tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm trung bình 7%/năm trong 7 năm liên tiếp. Những người dân Nga đã từng sống qua thời kì này vẫn còn nhớ như in những kí ức này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mang lại một nền kinh tế ổn định và khôi phục niềm tự hào dân tộc của Nga. Tuy nhiên, giờ đây, cuộc chiến ở Ukraine có thể "đánh bay" các thành tựu của 15 năm tăng trưởng và đẩy nền kinh tế Nga trở lại những ngày đen tối như thời kỳ sau khi Liên Xô sụp đổ - tờ Business Insider nhận định.
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ và các đồng minh đã làm suy yếu khả năng tiếp cận hệ thống tài chính toàn cầu của Moscow, khi ngân hàng trung ương nước này chỉ còn quyền tiếp cận chưa tới một nửa kho dự trữ ngoại hối trị giá 640 tỷ USD của nước này.
Các doanh nghiệp phương Tây, từ McDonald's đến Coca-Cola đến Shell đều đột ngột thông báo rút khỏi thị trường Nga. Giá trị đồng rúp đang liên tục chao đảo trong những ngày qua. Lạm phát đang tăng vọt.
Nền kinh tế suy giảm đáng kể
Viện nghiên cứu tài chính quốc tế (IIF) ước tính tổng sản phẩm quốc nội của Nga (GDP) - thước đo phổ biến nhất về quy mô nền kinh tế - sẽ có mức giảm "khủng" tới 15% vào năm 2022.
Cùng với mức giảm 3% vào năm 2023, nó sẽ quét sạch thành tựu của 15 năm tăng trưởng kinh tế. Goldman Sachs cho rằng nền kinh tế sẽ giảm 10% trong năm nay, trước đó tập đoàn này đã dự đoán Moscow sẽ tăng trưởng 2% còn Capital Economics dự báo tỉ lệ này giảm 12%.
“Tác động tiêu cựu đối với nền kinh tế Nga sẽ đến từ hầu hết mọi lĩnh vực," Liam Peach, nhà kinh tế về thị trường mới nổi tại Capital Economics, nói với hãng tin Insider. Tổ chức này cũng dự đoán tỷ lệ thất nghiệp tại nước này sẽ tăng từ 4,1%-8% vào cuối năm nay.
Ông Peach cho biết động thái của các chính phủ phương Tây nhằm loại bỏ một số ngân hàng Nga khỏi Swift, một hệ thống nhắn tin thanh toán toàn cầu quan trọng, sẽ ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động xuất khẩu phi năng lượng.
Trong khi đó, Mỹ đã cấm nhập khẩu dầu của Nga và Anh cũng áp dụng lệnh cấm tương tự. Goldman Sachs cho rằng các lệnh trừng phạt và việc tự rút lui của các công ty phương Tây sẽ khiến nhập khẩu giảm 20% và xuất khẩu giảm 10% trong năm nay.
Lạm phát dự kiến sẽ tăng lên 20%
Các nước phương Tây đang hoảng sợ khi đối mặt với tỷ lệ lạm phát tăng cao từ 5- 8%. Theo các nhà kinh tế, người Nga có khả năng đối mặt với lạm phát từ 20% trở lên vào cuối năm.
Đồng rúp mất giá sẽ khiến giá hàng nhập khẩu lên cao, trong khi các lệnh trừng phạt và việc các doanh nghiệp phương Tây rút lui có khả năng làm giảm nguồn cung hàng hóa và dịch vụ. “Cú sốc từ nguồn cung sẽ vô cùng khủng khiếp," Madina Khrustaleva, nhà phân tích người Nga tại công ty tư vấn TS Lombard, nói với hãng tin Insider.
Người dân Nga trả tiền mua hàng tại một ngôi chợ ở thành phố Omsk, Nga vào ngày 29/20/2021. Nguồn: Reuters
Ngân hàng trung ương Nga đã tăng lãi suất lên 20% để hạn chế việc người dân rút tiền từ các ngân hàng trong nước. Tuy nhiên, động thái này đối với lãi suất cũng khiến giảm mạnh hoạt động vay tiền và đầu tư.
Bà Khrustaleva cho biết việc các công ty nước ngoài nhanh chóng rút vốn đầu tư và rút khỏi thị trường có thể sẽ gây ra những thay đổi lớn trong nền kinh tế. Chính phủ sẽ đóng một vai trò lớn hơn nhiều và sản xuất hàng hóa trở nên quan trọng hơn.
"Quay trở lại những năm 1990, chúng tôi hiểu rằng sự chuyển dịch cơ cấu này sẽ dẫn đến năng suất tăng lên," bà Khrustaleva nói. "Bây giờ, Nga đối mặt với tình hình giống những năm 90 nhưng lại đi theo chiều ngược lại. Đó là việc năng suất giảm mạnh"
Hàng hóa và đồng rúp tăng giá giúp giảm bớt thiệt hại cho nền kinh tế
Niềm hy vọng duy nhất đối với Nga là cuộc chiến ở Ukraine sẽ khiến giá hàng hóa toàn cầu tăng mạnh. Nga là nhà sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới và cung cấp cho châu Âu 1/3 lượng khí đốt tự nhiên. Các nhà kinh tế của Goldman Sachs cho rằng Nga vẫn xuất siêu lớn vào năm 2022, thu được nhiều ngoại tệ và giảm bớt phần nào những thiệt hại cho hệ thống tài chính trong nước.
Trong khi đó, đồng rúp đã tăng giá mạnh trong những ngày gần đây khi các cuộc đàm phán hòa bình ngày càng căng thẳng.
Các nhà đầu tư hy vọng chiến tranh kết thúc có thể giúp Nga ít nhất tái hội nhập một phần vào nền kinh tế thế giới. Nhưng mọi thứ cũng có thể trở nên tồi tệ hơn.
Ông Peach từ Capital Economics cho biết một động thái hạn chế nhập khẩu năng lượng của EU sẽ gây ra tác động rất lớn và có thể tạo ra "làn sóng vỡ nợ của các doanh nghiệp".
Triển vọng khá u ám và rất không chắc chắn. Nền kinh tế Nga hơn bao giờ hết đang phụ thuộc hoàn toàn vào người đứng đầu điện Kremlin.