Chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi – Tăng tốc phát triển” diễn ra sáng 15/3, Tổng giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà cho biết, hiện khách du lịch quốc tế vẫn thấp nên hệ số sử dụng của các hãng hàng không Việt Nam trên các đường bay quốc tế chỉ đạt 60-64%.
Ông Hà cho hay, trong giai đoạn hậu COVID-19, hàng không Châu Á được đánh giá là vùng trũng, tức là tốc độ tăng trưởng chậm nhất so với các khu vực trên thế giới và thua lỗ. Năm 2022 thế giới lỗ 6,9 tỷ USD, khu vực Châu Á lỗ 8,9 tỷ USD. Năm 2023 thế giới dự kiến lãi 4,7 tỷ USD, khu vực châu Á lỗ 6,6 tỷ USD.
Với hàng không Việt Nam, trong hai tháng đầu năm vừa qua vận tải hàng không nội địa tăng 12,5% so với năm 2020, đây là chỉ số tốt, tiếp đà tăng trưởng năm 2022 vừa qua. Đây là kết quả tốt, tiếp tục phải quan tâm hạ tầng, cảng hàng không sân bay đảm bảo không quá tải đối với các ga hàng hóa nội địa.
Đối với cảng vận tải hàng không quốc tế, hai tháng đầu năm 2023 tốt hơn nhiều so với năm 2022, đã quay về 64% so với trước dịch.
Theo ông Hà, các hãng hàng không Việt Nam cũng như Vietnam Airlines đã theo sát chính sách mở cửa của chính phủ các nước, đặc biệt có chính sách phòng chống dịch bệnh và chính sách mở cửa theo Nghị quyết 128 của Chính phủ và đã kịp thời mở đường bay.
Đến nay, tất cả các hãng hàng không Việt Nam, trong đó có Vietnam Airlines đã mở lại tất cả các đường bay quốc tế, trong đó mở thêm hai khu vực thị trường mới trong giai đoạn dịch bệnh đó là thị trường Ấn Độ và thị trường Mỹ, mở thêm hai đường bay.
Tuy nhiên, hiện hệ số sử dụng ghế của các chuyến bay quốc tế mới chỉ đạt 60-64%, nếu không có khách du lịch, hàng không rất khó để "chuyển mình".
Hàng không khó chuyển mình nếu thiếu du lịch
Kiến nghị với Thủ tướng, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho rằng, Việt Nam cần chào đón khách du lịch bằng chính sách xuất nhập cảnh thông thoáng và các chương trình xúc tiến doanh nghiệp
Đề xuất này cũng nhận được sự đồng tình của nhiều doanh nghiệp hàng không, du lịch. Theo Phó Tổng Giám đốc Vietjet Đinh Việt Phương, khi thị trường quốc tế mở lại, phải tạo sự thông thoáng trong công tác nhập cảnh đối với du khách.
Kiến nghị thứ hai được các hãng hàng không đưa ra là Chính phủ cần tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp để quay lại đầu tư tập trung cho các hoạt động hàng không và du lịch để tăng chất lượng dịch vụ.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel đề nghị Thủ tướng nếu được thì tổ chức một cuộc họp riêng về hàng không. Nếu du lịch không phát triển thì hàng không thua lỗ, nếu như không bay, thì du lịch sẽ mất đi một nửa, ông Kỳ chia sẻ.
Nối lại đường bay Trung Quốc, mở quỹ slot cho Việt Nam
Với việc đón đầu cơ hội từ các thị trường mới mở cửa trở lại, đại diện Vietjet đề nghị Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao chủ động đàm phán các hiệp định hàng không quốc tế. Nhiều hiệp định đã được ký từ lâu và đến nay có hạn chế nhất định cho việc các hãng hàng không mở các đường bay đi và đến quốc tế.
Phó Tổng Giám đốc Vietjet cho hay, thị trường Trung Quốc đã mở cửa trở lại cho tour du lịch, tạo xung lực rất lớn cho ngành du lịch và ngành hàng không.
Tuy nhiên, để nắm bắt được những cơ hội từ thị trường này, cần chủ động đàm phán với các hãng hàng không của các quốc gia để mở quỹ slot dành cho Việt Nam.
"Nhiều hãng khác nhau cùng đổ đến thì lúc đó quỹ slot của Việt Nam bị hạn chế, do đó rất cần sự vào cuộc của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Ngoại giao thông qua các cơ quan đại diện của chúng ta ở nước ngoài", ông Phương nói.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Lê Đình Thọ cho biết, Bộ GTVT sẽ làm việc các đối tác để làm sao tăng được các chuyến bay lên và giữ được slot mà trước năm 2019 các hãng hàng không Việt Nam có.
Đồng thời, Bộ sẽ giao cho Cục Hàng không rà soát để bố trí ưu tiên những giờ cao điểm, những giờ đẹp cho những chuyến bay quốc tế.
Với thị trường Trung Quốc, Cục Hàng không đã chỉ đạo để có ngay một chuyến bay kết nối từ ngày 25/4 khi Trung Quốc cho phép bay và giữ điểm bay mà trước đây phía Việt Nam đã thực hiện.