Làm sầu riêng 15.000 đồng/kg, bán giá nào cũng lời
Chia sẻ với cổ đông chuyện đầu tư sầu riêng, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - HAG) nói tập đoàn đã có 1.500 ha sầu riêng trồng tại Lào, và đang phát triển thêm 500 ha nữa, để cuối năm 2024 đạt 2.000 ha. Trong năm nay có 300-400 ha cho thu hoạch sẽ đem lại doanh thu lớn cho HAGL. Và 2025 sẽ là "điểm rơi", khi một diện tích sầu riêng lớn được đưa vào khai thác.
Đặc biệt theo bầu Đức, diện tích trồng sầu riêng tại Lào thu hoạch hoàn toàn trái vụ, tức bắt đầu chín vào tháng 9, là thời điểm sầu riêng Việt Nam, sầu riêng Thái Lan đã thu hoạch xong. Như thế thì HAGL "một mình một chợ", không lo cạnh tranh gì trong khi giá trái cây vụ nghịch rất cao.
Điểm đáng chú ý trong câu chuyện đầu tư sầu riêng mà bầu Đức chia sẻ là giá loại trái cây này. Ông nói thị trường đang định giá sầu riêng "hơi quá" với giá trị thực. Thỉnh thoảng thấy thông tin nông dân bán sầu riêng tới 130.000-150.000 đồng/kg, nếu xuống còn cỡ 100.000 đồng/kg thì người ta kêu than là sầu riêng rớt giá, lo nông dân thua lỗ, đó hoàn toàn không đúng.
" Tôi dám nói với mọi người, sầu riêng nhà vườn làm ra hiện nay giá thành cao lắm cũng chỉ 20.000 đồng/kg. Còn HAGL làm sầu riêng giá thành chỉ 13.000- 15.000 đồng/kg. Mọi người có thể ttìm hiểu công khai tại các vùng trồng sầu riêng miền Tây, miền Đông, Tây Nguyên, xem có đúng giá thành như thế không. Có nghĩa là sầu riêng làm ra mình bán giá nào cũng lời, 30.000 đồng/kg hay 50.000 đồng/kg đã quá sướng rồi. Nếu nhà vườn đòi cả trăm ngàn đồng/kg là quá nhiều ", bầu Đức nói.
Chủ tịch HAGL nói là cần phải "nói lại" chuyện giá sầu riêng, không có chuyện kêu cứu nếu giá trái cây này đi xuống thấp hơn giá hiện tại. " Làm với giá 20.000 đồng, bán cả mấy chục ngàn, cả trăm ngàn một kg sầu riêng mà kêu cái gì. Tôi khẳng định các mức giá sầu riêng đang bán ngoài thị trường là lời rồi ", bầu Đức nói thêm.
Cũng vì vậy mà Chủ tịch HAGL nói mình rất kỳ vọng vào sầu riêng sẽ mang lại doanh thu rất lớn cho tập đoàn, nhất là từ 2025, khi diện tích cho khai thác lên hàng ngàn ha.
Thu hàng trăm ngàn tấn chuối, bầu Đức bán ở đâu?
Cùng với sầu riêng, chuối là cây trồng chủ lực và có diện tích lớn nhất của HAGL. Hiện công ty bầu Đức đang có 7.000 ha chuối và tiếp tục trồng thêm 2.000 ha chuối trong năm nay, để nâng diện tích chuối cuối 2024 lên 9.000 ha.
Bầu Đức cho biết HAGL không có kế hoạch bán lẻ mà chỉ ưu tiên vào xuất khẩu. Hiện mỗi ngày tập đoàn xuất khẩu trung bình 20-25 container chuối. Khách hàng chủ lực là Trung Quốc, chiếm khoảng 55-60%. Con số 35-40% còn lại là xuất đi Nhật và Hàn Quốc.
Sau Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đang là 2 thị trường tiêu thụ chuối lớn của HAGL. Bầu Đức cho biết tập đoàn đặt chỉ tiêu năm 2024 xuất khẩu chuối vào Hàn Quốc và Nhật Bản tăng gần gấp đôi năm 2023, và cố gắng nâng sản lượng xuất vào 2 thị trường này chiếm 50% tổng lượng chuối của HAGL làm ra.
Lý do là làm ăn với hai thị trường này an toàn, đối tác mua chuối quanh năm và giá được tính một lần cho cả năm, rất ổn định, độ rủi ro hiếm xảy ra. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc rất lớn, đang tiêu thụ chủ lực chuối của HAGL nhưng thiếu ổn định, việc chào giá, chốt giá tính theo tuần buộc phải thích nghi theo độ rủi ro của thị trường.
Để đưa chuối vào thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản ban đầu là không dễ dàng. Bầu Đức kể vào năm 2018, khi mới bắt đầu xúc tiến đưa chuối vào Nhật và Hàn, mỗi tuần HAGL chỉ đưa 2 container nhưng cũng chật vật. Nhưng từng bước đến 2019-2020, mỗi tuần đã nâng lên 5-7 container, bây giờ thì mỗi tuần đã xuất 60-70 container.
" Chúng tôi đang muốn nâng lên mỗi tuần khoảng 100 container, và việc này cũng trong tầm tay thôi. Vì khách hàng đã quen, năng lực tiêu thụ của 2 thị trường lớn. Khách hàng lớn nhất đang mua chuối HAGL tại Hàn Quốc là Lotte. Tất cả các siêu thị Lotte tại Hàn Quốc đều có chuối của HAGL. Tương tự như vậy với Nhật".
Bầu Đức khẳng định HAGL tự hào là doanh nghiệp xuất khẩu số 1 về chuối sang 2 thị trường Nhật và Hàn. Nhưng nói gì thì nói, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ lớn.
Trong nước, chuối của HAGL cũng đang bán tại hệ thống siêu thị Lotte và một số cửa hàng tiện lợi ở TP.HCM. Tuy nhiên theo ông Đức, việc tổ chức hệ thống phân phối bán lẻ không đơn giản, nên HAGL bán trái cây trong nước chỉ gọi là cho vui, có sản phẩm cho người dân thưởng thức, biết là sản phẩm do doanh nghiệp Việt mình làm ra chứ không chú trọng, vì HAGL là tập đoàn sản xuất nông nghiệp, không phải kinh doanh thương mại.
Bầu Đức nói HAGL sẽ không đầu tư dàn trải nữa, trung thành với “2 cây 1 con” là nuôi heo, trồng chuối và sầu riêng. Năm 2024, Hoàng Anh Gia Lai đặt mục tiêu doanh thu đến 7.750 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2023. Tuy nhiên, chỉ tiêu lãi sau thuế lại giảm mạnh 26% so với kết quả năm trước, chỉ có 1.320 tỷ đồng.
Theo định hướng kinh doanh giai đoạn 2024-2030, HAGL muốn trở thành công ty công nghiệp thuộc nhóm dẫn đầu Việt Nam với quy mô 30.000 ha, vươn tầm thành nhà cung ứng sản phẩm nông nghiệp ra nhiều nước ở khu vực châu Á.
Tập đoàn cũng đang tuyển dụng gấp 500 nhân sự, chủ yếu là kỹ sư nông nghiệp và tài chính kế toán, chủ lực là sinh viên mới ra trường để đào tạo, thay thế cho lớp nhân sự đã làm việc lâu năm, lớn tuổi.