Doanh nghiệp

Bắt thêm hai tổng giám đốc trong vụ án xảy ra tại Saigon Co.op

 Bắt tạm giam hai tổng giám đốc trong vụ án xảy ra tại Saigon Co.op. (Ảnh: Báo Thanh tra).

Liên quan vụ án “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” do Diệp Dũng thực hiện xảy ra tại Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), ngày 1/7/2022, Cơ quan An ninh điều tra - Công an TP HCM đã phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân TP HCM tiến hành bắt bị can để tạm giam và khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với Võ Thành Trung, Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Phát triển Đô Thị Mới và Tôn Thất Hào, Tổng Giám đốc CTCP Địa ốc Đại Á để tiếp tục điều tra làm rõ những sai phạm xảy ra tại Saigon Co.op.

Trước đó, ngày 15/12/2020, Cơ quan An ninh điều tra - Công an TP HCM đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Diệp Dũng, Nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Saigon Co.op để điều tra về tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” quy định tại Điều 357 Bộ Luật hình sự.

Hiện vụ án đang thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. 

Được thành lập từ năm 1989, Saigon Co.op có tiền thân là Ban quản lý Hợp tác xã mua bán thành phố, sau đó được UBND TP HCM tái cơ cấu thành Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP với 26 HTX thành viên đến từ các quận huyện.

Saigon Co.op là tổ chức kinh tế HTX theo nguyên tắc xác lập sở hữu tập thể, hoạt động sản xuất kinh doanh tự chủ và tự chịu trách nhiệm. Theo mô hình hoạt động của Saigon Co.op, Đại hội thành viên là tổ chức có quyền quyết định cao nhất.

Năm 2020, tại kết luận thanh tra về việc chấp hành quy định pháp luật tại Saigon Co.op, Thanh tra TP HCM đã chỉ ra các dấu hiệu thâu tóm, chiếm đoạt vốn, tài sản tại đơn vị này. 

Trong đó, sai phạm lớn nhất được chỉ ra là bất thường trong việc gấp rút thực hiện tăng vốn điều lệ năm 2020 khi chưa được cơ quan cấp phép kinh doanh chấp thuận. Thông qua các hợp tác xã (HTX) thành viên, lãnh đạo Saigon Co.op đã cho phép nhà đầu tư sở hữu vốn góp tại Saigon Co.op, dẫn đến nguy cơ Saigon Co.op bị thâu tóm. 

Cụ thể, cuối tháng 1/2020, Đại hội thành viên bất thường lần 1 của Saigon Co.op được tổ chức để thống nhất việc huy động vốn, mặc dù trước đó HĐQT của Saigon Co.op chưa xây dựng phương án huy động vốn, mục đích cụ thể của việc tăng vốn là gì.

Dù vậy, Đại hội thành viên bất thường đã đưa ra Nghị quyết thống nhất tăng vốn điều lệ từ 3.200 tỷ đồng lên 6.797 tỷ đồng. Kết quả, 20 trong tổng số 26 HTX thành viên tham gia góp vốn với số tiền hơn 3.597 tỉ đồng, tương đương khoảng 50% vốn sở hữu. Đơn vị góp nhiều nhất là hơn 952 tỷ đồng và đơn vị ít nhất là 50 triệu đồng.

Tuy nhiên, điểm bất thường trong góp vốn được kết luận thanh tra chỉ ra, đó là trong giai đoạn 2018 - 2019, có một số HTX hoạt động ở mức lợi nhuận sau thuế từ 5-6 tỷ đồng nhưng không tham gia góp vốn.

Trong khi đó, các HTX chỉ đạt mức lợi nhuận từ 24 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng lại tham gia góp vốn với số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng. Trong đó, có 11 HTX góp vốn trên 200 tỷ đồng trong đợt này.

Đơn cử, HTX Linh Tây có vốn điều lệ chưa tới 600 triệu đồng, lỗ 49 triệu đồng nhưng số vốn góp vào lại lên đến 952 tỷ đồng. Hay như HTX thương mại Thị Nghè lỗ 163 triệu đồng nhưng góp vốn hơn 244 tỷ đồng; HTX thương mại Đô Thành lỗ hơn 721 triệu đồng nhưng góp vốn hơn 247 tỷ đồng.

Trong quá trình thanh tra, Thanh tra TP HCM xác định các thành viên đã huy động vốn từ các thành viên bên ngoài, thậm chí còn có trường hợp kí hợp đồng hợp tác kinh doanh với các cá nhân bên ngoài HTX. Điều này cho thấy đã có các tổ chức, cá nhân thông qua HTX thành viên để tham gia đầu tư vốn vào Saigon Co.op, kết luận thanh tra TP HCM nêu rõ. 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm