Sáng 25/4, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp cùng Ban Kinh tế Trung ương, Ủy Ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia để đánh giá kinh tế Việt Nam năm 2021 và triển vọng năm 2022, đồng thời công bố ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2021 của Trường.
Tại hội thảo, PGS.TS Tô Trung Thành - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân trình bày nội dung Ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2021: Ổn định kinh tế vĩ mô và lành mạnh tài chính trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Theo nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2022 có thể gặp một số thách thức.
Thứ nhất, đại dịch COVID-19 với biến chủng Delta có tốc độ lây nhiễm mạnh, bất ổn chính trị thế giới leo thang cùng giá dầu tăng mạnh có thể khiến con đường hồi phục toàn cầu và của các nước bạn hàng lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc bị đe dọa, ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư tại Việt Nam.
Thách thức tiếp theo, việc chính phủ và ngân hàng trung ương của các quốc gia lớn, đặc biệt là Mỹ, có động thái thắt chặt tiền tệ do lo ngại lạm phát, sẽ có tác động đến kinh tế, tài chính thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Với Việt Nam, dư địa các chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ hồi phục kinh tế sẽ bị thu hẹp hơn.
Ngoài ra, những rủi ro bất ổn vẫn còn hiện hữu như tăng trưởng nóng trên thị trường bất động sản và chứng khoán cũng là một thách thức. Cụ thể, dòng vốn tín dụng chưa đi vào khu vực sản xuất và đổ vào thị trường tài sản gây rủi ro tài chính; hệ thống ngân hàng còn nhiều chỉ tiêu chưa lành mạnh như chất lượng tín dụng giảm và nợ xấu gia tăng; sức ép lạm phát gia tăng.
Những rủi ro này có thể tác động ngược trở lại đến khu vực kinh tế thực, ảnh hưởng đến tốc độ và chất lượng tăng trưởng.
Dự báo về tăng trưởng kinh tế năm nay, ông Thành cho biết Việt Nam khả năng cao đạt mức 6,5%, tuy nhiên mục tiêu lạm phát dưới 4% khó có khả năng đạt được.
Nhóm nghiên cứu nhận định xu hướng tăng giá hàng hóa cơ bản và giá xăng dầu, căng thẳng Nga – Ukraine leo thang, đã khiến giá năng lượng tăng cao kỷ lục, từ đó ảnh hưởng lớn đến chi phí sản xuất trong nước, gây sức ép lớn đến lạm phát trong năm nay.
Ông Thành cũng đề cập đến việc lạm phát toàn cầu đang gia tăng ảnh hưởng đến áp lực lạm phát trong nước. Trong khi đó, tỷ lệ cung tiền M2/GDP và tín dụng/GDP của Việt Nam đang ở mức rất cao so với các nước trong khu vực, trong khi tăng trưởng kinh tế đang dưới sâu so với mức sản lượng tiềm năng. Những yếu tố này làm gia tăng rủi ro lạm phát.
Báo cáo của nhóm nghiên cứu cho rằng diễn biến giá dầu tăng cao trong những tháng đầu năm 2022 đặt thêm thách thức lớn cho kinh tế. Cho đến ngày 11/3, trung bình giá xăng dầu tăng 45,2% so với năm năm 2021, và nếu theo Dự thảo giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu được thực hiện thì giá xăng dầu tăng 41%.
Nếu giá xăng dầu tăng 45,2%, ảnh hưởng trực tiếp tức thời đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,6%, chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng khoảng 2,34%. Trong trường hợp Dự thảo được thực hiện, giá xăng dầu tăng so với bình quân năm 2021 khoảng 41%, ảnh hưởng trực tiếp đến giá tiêu dùng tăng 0,5%; chỉ số giá sản xuất tăng 2,2%.
Về động lực tăng trưởng kinh tế, nhóm nghiên cứu cho rằng vẫn đến từ khu vực kinh tế đối ngoại, đóng góp lớn đến sản xuất sản phẩm chế biến chế tạo và xuất khẩu.
Ngoài ra, đầu tư công được tăng cường sẽ đóng góp lớn vào tăng trưởng của năm 2022 trong khi bù đắp cho đầu tư khu vực tư nhân còn khó khăn, chưa thể hồi phục nhanh do tác động của đại dịch.
Về phía sản xuất, ngành dịch vụ có cơ hội hồi phục mạnh mẽ trong năm 2022 với sự mở cửa trở lại của nền kinh tế. Đây là ngành có vai trò lớn trong đóng góp vào tăng trưởng trong những năm gần đây.
Ngoài ra, chất lượng tăng trưởng năm 2022 cũng được dự báo ở mức cao hơn, thông qua dự báo tăng trưởng TFP và năng suất lao động được cải thiện.