Tài chính

Bất ngờ công nghệ ‘cổ lỗ sĩ" năm 1990 giúp ngân hàng Việt 110 nghìn tỷ giảm nhanh hóa đơn tiền điện

Tháng 10/2023, ACB, ngân hàng hiện có giá trị vốn hóa gần 110 nghìn tỷ đồng, lần đầu tiên công bố báo cáo riêng về Phát triển Bền vững (PTBV). Nhờ đó, ACB là đơn vị đầu tiên của ngành ngân hàng tại Việt Nam công bố loại báo cáo này.

Trước ACB, Việt Nam có chưa đến 20 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau công bố báo cáo riêng tương tự, chẳng hạn như Vinamilk, Bảo Việt, Petrolimex, Dược Hậu Giang…

So với những nội dung về PTBV, nhìn chung là sơ lược và được tích hợp vào các báo cáo tài chính của đa số doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam hiện nay, Báo cáo riêng về PTBV của ACB tuân thủ chặt chẽ hệ tiêu chuẩn GRI - phổ biến nhất thế giới, và công bố rõ ràng cả 3 khía cạnh E (Entertainment - Môi trường), S (Social - Xã hội), G (Govermence - Quản trị). Trong đó, yếu tố môi trường của ACB được dư luận đánh giá là cực kỳ nổi bật, có tính trách nhiệm cao đặt trong bối cảnh nỗ lực rất lớn của Chính phủ Việt Nam cam kết với thế giới đưa phát thải ròng CO2 bằng 0 vào năm 2050.

Trong báo cáo này, có một chi tiết khá đặc biệt có thể không phải ai nhận ra: ACB đang “thay áo” các tòa văn phòng, chuyển dần loại kính đơn của các tòa nhà thành kính hộp.

Kính hộp là gì, có tác dụng gì?

Theo Research Gate, công nghệ kính hộp được phát minh đầu tiên bởi Đại học Sydney vào những năm 1990.

Kính hộp (tên tiếng anh là Insulating glass/Double glazing) là thuật ngữ dùng để chỉ một loại kính được cấu tạo từ hai hoặc nhiều lớp kính đơn. Các lớp kính này được ghép lại với nhau bằng những thanh đệm nhôm và được bịt kín lại bằng lớp keo đặc hiệu. Phía bên trong các thanh đệm nhôm là lớp khí trơ. Lớp khí trơ này được ví là bức tường hiệu quả để giúp ngăn cản sự truyền nhiệt và truyền âm.

Các lớp kính có độ dày từ 3mm đến 10mm tùy loại. Nhiều loại kính cường lực, kính low-e, hay kính dán an toàn… cũng có thể được sử dụng làm thành một hay nhiều lớp kính trong một sản phẩm kính hộp.

Trong các trường hợp muốn giảm âm hoặc lo ngại về vấn đề an toàn, có thể thay đổi các lớp kính bằng cách kết hợp nhiều dải độ dày khác nhau trong cùng một lớp kính hộp. Ví dụ: ghép 1 tấm kính dán + 1 tấm kính cường lực, ghép 2 tấm kính cường lực hoặc 2 tấm kính dán.... Riêng với những tấm kính hộp có diện tích >= 1.8m2 thì nên ghép một hoặc hai tấm kính cường lực, kính dán để đảm bảo độ an toàn.

Vì cấu tạo như trên, ưu điểm của kính hộp là siêu cách âm và siêu cách nhiệt, bên trong tòa nhà được giảm ồn tối đa, luôn mát về mùa hè và ấm áp về mùa đông, giảm đáng kể nhu cầu điều hoà không khí để làm mát hoặc sưởi ấm.

Kính hộp cũng có khả năng ngăn chặn tối đa các tia bức xạ, tia cực tím từ ánh nắng mặt trời, ngăn chặn bụi mịn, mà vẫn cho phép ánh sáng tự nhiên truyền qua để lấy đủ ánh sáng, giảm dùng đèn.

Bất ngờ công nghệ ‘cổ lỗ sĩ' năm 1990 giúp ngân hàng Việt 110 nghìn tỷ giảm nhanh hóa đơn tiền điện- Ảnh 1.

Nếu các tòa nhà được thay thế kính đơn bằng kính hộp, hiệu suất chống nóng (mùa hè) và giữ ấm (mùa đông) tăng lên đáng kể, qua đó cắt giảm năng lượng cho các hệ thống điều hòa nhiệt độ. Ảnh minh họa.

Nhược điểm lớn nhất của kính hộp là giá thành cao hơn kính đơn thông thường, do yêu cầu về công nghệ và nhiều chi tiết. Kính hộp thường nặng ít nhất gấp đôi kính thường, cần hệ khung và bản lề chịu lực cao hơn, do đó chi phí thi công cũng cao hơn nhiều.

Hiện nay, theo thống kê có tới 14 nhà máy sản xuất kính hộp lớn nhất rải rác trên ba lục địa Á – Âu – Mỹ, và rất nhiều quốc gia đang sử dụng kính hộp để thay thế cho kính thông thường.

Kính hộp “góp” hơn 50% lượng CO2 giảm phát thải một năm của ACB

Tại Việt Nam, ACB sử dụng kính hộp như một công cụ giúp đơn vị này trở thành tiên phong trong việc giảm phát thải CO2 của ngành tài chính ngân hàng.

Bất ngờ công nghệ ‘cổ lỗ sĩ' năm 1990 giúp ngân hàng Việt 110 nghìn tỷ giảm nhanh hóa đơn tiền điện- Ảnh 2.

Kết quả chủ đạo về thực hành phát triển bền vững ở khía cạnh Môi trường của ACB năm 2022. Nguồn: Báo cáo PTBV ACB.

Sự chủ động tiết kiệm giấy trong quy trình và giảm rác thải nhựa trong vận động thay đổi lối sống của nhân viên là những dấu ấn đáng nể của ACB, khi mà ý thức chủ động hành động vì môi trường ở giới doanh nghiệp Việt còn chưa nhiều. Dù vậy, tiết kiệm điện mới là khâu chủ chốt để ACB giảm phát thải CO2 tương đương. Theo báo cáo, đây là phương pháp chủ lực trong 3 năm qua của ACB để giảm điện năng tiêu thụ tại các tòa nhà văn phòng.

Cụ thể, thông qua việc sử dụng kính hộp có hiệu suất làm mát hoặc làm ấm văn phòng cao hơn rất nhiều việc sử dụng kính trắng đơn lớp như các tòa văn phòng thông thường, lượng điện tương đương tiết kiệm được hàng năm của ACB giảm liên tục trong 3 năm 2020, 2021 và 2022.

Năm 2020, ACB đã thay thế được 2.963 mét vuông kính hộp, năm 2021 thay thế đạt 3.232 mét vuông và năm 2022 là đã thay thế tổng cộng 4.253 mét vuông kính hộp.

Dựa theo các công thức quy đổi tiêu chuẩn về hiệu suất tiết kiệm điện của kính hộp, theo tính toán của ACB, diện tích kính hộp nêu trên mỗi năm giúp giảm tương ứng là 0,58 TJ (Têrajun), 0,64 TJ và 0,94 TJ, hoặc tương đương 160.000 kWh - 178.000 kWh - 261.000 kWh.

Dựa theo thang độ chuẩn quốc tế theo giao thức GHG Protocol, trong 3 năm này ACB đã cắt giảm tương ứng là 109 tấn CO2, 120 tấn CO2 và 176 tấn CO2, chỉ từ giải pháp thay thế dần kính đơn bằng kính hộp.

Đối chiếu với tổng lượng CO2 tương đương giảm phát thải của tất cả các giải pháp do ACB tiến hành năm 2022, có thể thấy việc sử dụng kính hộp đã đóng góp hơn 50% vào thành quả này.

Bất ngờ công nghệ ‘cổ lỗ sĩ' năm 1990 giúp ngân hàng Việt 110 nghìn tỷ giảm nhanh hóa đơn tiền điện- Ảnh 3.

Biểu đồ thể hiện quá trình sử dụng kính hộp thay thế kính trắng đơn lớp của ACB giúp cắt giảm CO2 qua các năm.

GHG Protocol là một bộ công cụ hướng dẫn do Viện Tài nguyên thế giới (WRI) và Hội đồng Doanh nghiệp Thế giới về Phát triển bền vững (WBCSD) phát triển để giúp các công ty, tổ chức và chính phủ tính toán và quản lý lượng phát thải khí nhà kính của họ. (Theo BUREAU VERITAS Việt Nam)


Cùng chuyên mục

Đọc thêm