Thống kê từ báo cáo tài chính của 10 doanh nghiệp bất động sản niêm yết, chủ yếu là nhóm phát triển mảng nhà ở cho thấy, tổng giá trị tồn kho tại thời điểm cuối tháng 3 hơn 286.000 tỷ đồng (tương đương khoảng hơn 11,4 tỷ USD), tăng gần 4% so với cuối năm 2023 (hơn 276.000 tỷ đồng).
Trong đó, tồn kho của Novaland tăng nhẹ lên gần 141.000 tỷ đồng chủ yếu ở các đại dự án như NovaWorld Phan Thiet, NovaWorld Ho Tram và Aqua City. Giá trị hàng tồn kho này đã được Novaland dùng làm tài sản bảo đảm cho khoản vay là 57.798 tỷ đồng.
Công ty Khang Điền hàng tồn kho tương ứng 20.491 tỷ đồng (tăng 9%), trong đó các dự án đang xây dựng chiếm giá trị tồn kho lớn gồm: Khang Phúc - Khu dân cư Tân Tạo (gần 6.700 tỷ); Đoàn Nguyên - Bình Trưng Đông (3.427 tỷ); Bình Trưng - Bình Trưng Đông (3.744 tỷ); Khang Phúc - Khu định cư Phong Phú 2 (1.664 tỷ); Khang Phúc - An Dương Vương (1.368 tỷ); Khang Phúc - Khu dân cư Bình Hưng 11A (1.425 tỷ)…
Công ty Nam Long ghi nhận hàng tồn kho chiếm gần 18.051 tỷ tăng nhẹ 4%. Trong đó, Izumi là dự án ghi nhận giá trị tồn kho lớn nhất với khoảng 8.565 tỷ đồng, tiếp đến là Waterpoint giai đoạn 1 (3.769 tỷ đồng), Akari (1.910 tỷ đồng), Waterpoint giai đoạn 2 (1.700 tỷ đồng), Cần Thơ (1.378 tỷ đồng). Trong đó, dự án Cần Thơ đã hoàn tất bán hàng và đang chờ hoàn tất thủ tục cuối cùng để đủ điều kiện ghi nhận doanh thu ngay trong năm nay.
Công ty Phát Đạt ghi nhận 12.300 tỷ đồng giá trị hàng tồn kho. Đây chủ yếu là chi phí xây dựng dở dang tại các dự án như The EverRich 2 (hay còn gọi là River City, gần 3.598 tỷ), Thuận An 1 và Thuận An 2 (2.423 tỷ), Tropicana Bến Thành Long Hải (1.994 tỷ), Phước Hải (1.526 tỷ), The EverRich 3 (877 tỷ)…
Hàng tồn kho của Văn Phú - Invest tăng nhẹ lên 3.746 tỷ đồng, chiếm 31% tổng tài sản, chủ yếu là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tại các dự án: The Terra Bắc Giang (1.508 tỷ đồng), Vlasta Thủy Nguyên (1.765 tỷ đồng), Song Khê - Nội Hoàng (206 tỷ đồng)… Tồn kho bất động sản thành phẩm không đáng kể, chủ yếu tại dự án Vlasta Sầm Sơn (hơn 64 tỷ).
Theo các chuyên gia, việc tồn kho bất động sản lớn là hệ lụy của tình trạng vướng mắc pháp lý của dự án và khủng hoảng nguồn vốn của nhóm doanh nghiệp bất động sản.
Theo Bộ Xây dựng, để giải quyết hàng tồn kho trước hết, các địa phương cần khẩn trương lập, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm và hàng năm để làm cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án phát triển nhà ở, tăng nguồn cung cho thị trường. Mặt khác, tổ chức hoạt động hiệu quả tổ công tác đặc biệt ở địa phương để tháo gỡ ngay vướng mắc cho doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM - cho rằng với nhóm hàng tồn kho bất động sản bán thành sản phẩm, là nhóm đã triển khai nhiều năm nhưng chưa hoàn thiện, các đơn vị quản lý Nhà nước cần tập trung xem xét, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ gỡ vướng cho những dự án này nhằm khơi thông nguồn lực.
Mặc dù khó khăn nhưng theo ông Châu, khi Luật Đất đai (sửa đổi), cùng với Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) có hiệu lực đồng thời từ 1/8/2024 sẽ đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.