Anh Lê Minh Quốc, một môi giới bất động sản có nghề tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) bức xúc kể lại câu chuyện của mình sau khi chật vật dẫn nhiều khách hàng đến xem mua căn nhà trong một con ngõ ở đường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng) nhưng sau đó bị chủ nhà bất ngờ lật kèo không bán.
Theo anh Quốc, đầu tháng 2 vừa qua, chủ nhà nhờ văn phòng anh rao bán căn nhà đất diện tích 55m2, 5 tầng với giá 8,5 tỷ đồng.
“Đánh giá đây là căn nhà có vị trí đẹp, không lỗi phong thủy, mức giá hợp lý nên tôi đã lựa chọn tư vấn cho một số khách hàng có nhu cầu ở thực”, anh Quốc nói.
Trong gần 1 tháng, trong số hơn chục vị khách tới xem, một cặp vợ chồng ở Nam Định đồng ý trả 8,2 tỷ đồng mua nhà cho con trai đang học ở Hà Nội. Đây là mức giá cao nhất trong các khách hàng và cũng sát với mức giá chủ nhà đưa ra. Bên mua đồng ý đặt cọc 500 đồng triệu và sẽ hoàn tất việc thanh toán, thủ tục giấy tờ trong vòng 20 ngày.
Tuy nhiên, khi mọi việc gần đến lúc chốt thì chủ nhà bất ngờ thông báo không nhận cọc vì “muốn chờ thêm do giá nhà đất đang tăng cao".
“Chủ nhà thông báo, để bán ngay căn nhà này, giá phải 9,2 tỷ đồng, tức tăng 1 tỷ đồng so với giá đưa ra ban đầu. Khi chủ nhà đưa ra mức giá đó, không chỉ người mua ngã ngửa mà ngay cả những người làm môi giới như chúng tôi cũng thấy bất bình.
Chắc do lượng khách tới xem đông, lại chốt giá nhanh nên chủ nhà nuối tiếc. Họ cũng nghe ngóng thông tin thị trường đang khởi sắc dần nên muốn đẩy giá lên. Việc chủ nhà bất ngờ lật kèo khiến tôi liên tục phải xin lỗi khách, thậm chí còn bị nghi toa rập với chủ nhà", anh Quốc kể.
Cũng rơi tình cảnh tương tự, anh Nguyễn Thành Huy (Hà Nam) kể, từ đầu tháng 3/2022, chủ một lô đất diện tích 108m2 khu vực Bệnh viện Việt Đức 2 (thành phố Phủ Lý) nhờ môi giới rao bán.
“Lô đất hướng Nam, diện tích mặt tiền rộng 8m rất đẹp, giá mong muốn là 25 triệu đồng/m2 nhưng suốt hơn 2 năm đăng tải, chạy quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội...cũng không có người hỏi mua”, anh Huy nói.
Đầu tháng 3/2024 thị trường đất nền có dấu hiệu tích cực hơn, một số người hỏi mua, anh Huy đã nhiều lần điện thoại cho chủ đất và đồng ý chốt giá 22 triệu đồng/m2.
“Khách chốt giá, chủ đồng ý bán, văn phòng tôi đã chủ động thuê chuyến xe 7 chỗ đưa khách từ Phủ Lý lên Hà Nội gặp chủ đất để giao dịch đặt cọc. Khi các bên gặp nhau, chủ đất bất ngờ đổi giọng đòi tăng thêm 3 triệu đồng/m2. Mất công dẫn khách đi nửa ngày, lại bị lật kèo, tôi còn bị khách hàng trách mắng và phải bỏ tiền túi trả gần triệu bạc cho chuyến xe”, anh Huy nói.
Anh Trần Thanh Hải, chủ văn phòng môi giới ở Thanh Trì (Hà Nội) ngao ngán nói trường hợp chủ nhà, đất quay xe không bán nữa không phải hiếm thấy trong thời gian gần đây, nhất là từ đầu tháng 2 khi thị trường bất động sản ấm lên, còn lãi suất ngân hàng giảm sâu nên nhiều nhà đầu tư quay sang nhà đất.
Chính anh Hải từng bị rơi vào tình cảnh này. Cuối tháng 12/2023, văn phòng môi giới nhận được thông tin khách hàng cần bán gấp căn liền kề, giá thị trường thời điểm năm 2022 vào khoảng 15 tỷ đồng. Do chủ nhà cần tiền thanh khoản cho ngân hàng nên muốn cắt lỗ sâu còn 12 tỷ đồng.
“Mức giá 12 tỷ đồng dù không dễ dàng tìm được khách chốt mua nhưng cũng không phải quá khó bán. Sau 5 lần dẫn khách đến xem và chốt giá, đến công đoạn giao nhận tiền, hoàn thiện hồ sơ thủ tục thì chủ nhà bất ngờ thông báo không bán. Họ nói đã lo được tiền trả nợ nên muốn đợi thị trường sôi động trở lại, giá tăng mới bán. Bao nhiêu công sức dẫn mối của tôi đổ xuống sông, xuống biển”, anh Hải cay đắng nói.
Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường bất động sản đang có tín hiệu tích cực, giá không còn cắt lỗ quá sâu. Do vậy, hiện tượng chủ đất “quay xe” chờ tăng giá ở thời điểm này không phải hiếm.
“Khi thị trường có dấu hiệu phục hồi, nhà đầu tư cũng nghe ngóng để bán giá sát thị trường, không bị cắt lỗ sâu. Thế nên, có rất nhiều chủ nhà không bán với giá trước đó để bán với mức giá tốt hơn. Hoặc không bán nữa do đã xoay xở được dòng tiền”, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam giải thích.
Theo luật sư Nguyễn Doãn Hồng, Giám đốc Công ty Luật quốc tế Đà Nẵng, đây là tình huống phổ biến xảy ra trong giao dịch bất động sản.
Về mặt pháp lý trong trường hợp này không có phương án nào để xử lý vì việc giao dịch không có bất cứ một giấy tờ, cam kết nào. Trường hợp các bên đã nhận tiền, ký hợp đồng đặt cọc thì có thể xử lý hành chính và yêu cầu bồi thường % hoa hồng theo theo thỏa thuận hợp đồng, còn nói với nhau bằng miệng thì không có chế tài xử lý.
“Một sản phẩm đất, chủ đất có thể giao cho nhiều môi giới, văn phòng giao dịch BĐS phân phối. Do vậy, trước khi giao dịch, các văn phòng hoặc môi giới BĐS nên ký hợp đồng bán độc quyền với mức giá trong khoảng nào đó, thời gian mua bán nào đó. Khi có người mua, mức giá, thời gian trong hợp đồng thì dù chủ đất không bán vẫn có đủ căn cứ để khởi kiện”, luật sư Hồng tư vấn.