Canaan, nhà sản xuất máy đào bitcoin lớn của Trung Quốc, dường như không gặp vấn đề gì với lệnh cấm của chính phủ nước này. Thực tế, hiệu suất tổng thể của công ty đã tăng đáng kể vào năm 2022, theo Cointelegraph.
Công ty chính thức công bố kết quả tài chính quý II/2022 vào hôm 18/8 với lợi nhuận gộp tăng 117% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo công ty, lợi nhuận quý II lên tới 930 triệu nhân dân tệ (CNY), tương đương gần 139 triệu USD. Thu nhập ròng quý II của công ty là 608 triệu CNY, tương đương 91 triệu USD, hay tăng 149% so với 425 triệu CNY trong cùng kỳ năm ngoái.
Canaan lưu ý rằng việc điều chỉnh quy đổi ngoại tệ trong quý II là một khoản thu nhập so với khoản lỗ trước đó do đồng USD tăng giá so với nhân dân tệ.
Mặc dù công bố lợi nhuận đáng kể, Canaan đã nhận thấy quý II là một giai đoạn đầy thách thức do giá bitcoin (BTC) giảm mạnh xuống dưới 20.000 USD hồi tháng 6. Giám đốc điều hành của công ty, ông Nangeng Zhang cho biết: “Các chính sách phong tỏa vì đại dịch COVID-19 ở các thành phố lớn ở Trung Quốc khiến hoạt động hàng ngày của chúng tôi bị gián đoạn nghiêm trọng và nhu cầu về chip AI tăng nhưng chưa thể đáp ứng”.
Bên cạnh đó, ông Zhang cũng đề cập rằng Canaan đã và đang mở rộng sự hiện diện trên toàn cầu, đặc biệt là thành lập các trụ sở quốc tế tại Singapore. Công ty đã và đang nỗ lực đẩy mạnh quy mô kinh doanh khai thác bitcoin, tiền ảo để tạo ra nhiều BTC hơn với nguồn cung cấp điện được cải thiện. Tính đến cuối tháng 6, Canaan đã nắm giữ tổng cộng 346,84 BTC, tương đương 8,1 triệu USD.
CEO của công ty bổ sung: “Chúng tôi hoàn toàn nhận thức được áp lực giảm từ giá bitcoin kể từ quý IV/2021 và kỳ vọng xu hướng sẽ mang lại những thay đổi đáng kể, tiếp tục duy trì hoạt động của chúng tôi trong tương lai gần. Ngoài ra, chúng tôi cũng rất tin tưởng vào giá trị độc đáo của bitcoin cùng với triển vọng dài hạn của đồng tiền kỹ thuật số này”.
Áp lực giá bitcoin tác động tới công ty khai thác và thợ đào
Giám đốc tài chính của Canaan, ông James Jin Cheng cũng lặp lại nhận xét của CEO, nói rằng công ty lo ngại rằng thị trường có thể khó khăn hơn và bitcoin sẽ giảm giá sâu hơn. Đồng thời, giá năng lượng tăng, những bất ổn về dịch bệnh và chính trị cũng là các nguy cơ tiềm năng.
Dù vậy, ông vẫn khẳng định: “Khi giá bitcoin tiếp tục giảm trong quý II vừa qua, chúng tôi đã hạ giá sản phẩm để bán giao ngay, san sẻ gánh nặng, áp lực với khách hàng của mình. Chúng tôi kỳ vọng tỷ suất lợi nhuận gộp sẽ giảm đáng kể trong nửa cuối năm nay”.
Mặc dù vậy, mùa đông tiền điện tử đang diễn ra không phải là mối quan tâm duy nhất của các công ty khai thác bitcoin, tiền ảo ở Trung Quốc.
Từ tháng 9/2021, Bắc Kinh đã công bố lệnh cấm toàn diện đối với tất cả các hoạt động tiền điện tử - bao gồm khai thác và giao dịch, khiến nhiều công ty buộc phải mở rộng hoạt động sang toàn cầu và chuyển sang các quốc gia khác. Trước khi có lệnh cấm, Trung Quốc cũng đã bắt đầu đóng cửa nhiều cơ sở khai thác tiền điện tử với lý do tiết kiệm năng lượng.
Rõ ràng, “lệnh cấm tuyệt đối về tiền điện tử của Trung Quốc” đã không ảnh hưởng quá nhiều đến những người đam mê tiền số. Trung Quốc cũng đã trở lại là quốc gia khai thác bitcoin lớn thứ 2 thế giới vào tháng 1/2022.
Theo dữ liệu từ Chỉ số tiêu thụ điện bitcoin của Cambridge, Trung Quốc vẫn chiếm tới 21% tổng tỷ lệ băm bitcoin của toàn cầu, chỉ sau Mỹ - quốc gia chịu trách nhiệm với “sản lượng” lên tới 38%.