Lương y Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội, cho biết bắp cải chứa nhiều vitamin B, C, K, E và khoáng chất như canxi, kẽm, sắt, kali. Lượng vitamin C trong bắp cải cao gấp 4,5 lần so với cà rốt; hơn 3,6 lần so với khoai tây, hành tây.
Bắp cải vị ngọt, lợi tiểu tiện, hoạt tràng, có tác dụng lọc máu, giải độc, trị đau dạ dày, ho viêm họng khản tiếng, sâu bọ cắn. Bắp cải cũng có thể làm vị thuốc chữa khớp, thống phong, đau thần kinh hông, trị giun sán, mụn nhọt. Người châu Âu từ thời thượng cổ dùng cải bắp làm thuốc và mệnh danh nó là "thuốc của người nghèo".
Bắp cải giàu chất xơ, tốt cho hệ tiêu hóa, phù hợp với người đang giảm cân. Vitamin A và C trong bắp cải tím là chất chống oxy hóa tốt cho da, giúp da mịn màng. Vitamin C hỗ trợ chữa lành vết thương, cải thiện hệ thống miễn dịch, tăng hấp thụ sắt cho cơ thể.
Bài thuốc từ bắp cải
Ép bắp cải lấy nước uống trị bệnh viêm ruột, bệnh đường ruột, viêm họng, ho. Thông thường một kg bắp cải ép được 500-700 ml nước. Bạn có thể cho thêm muối, đường tùy khẩu vị. Nên chọn bắp cải không bị sâu úa, rửa sạch, chần sơ qua nước sôi, để ráo nước rồi ép lấy nước dùng trong ngày. Mỗi ngày uống chừng một lít, mỗi đợt uống hai tháng, không nên cất trong tủ lạnh.
Luộc bắp cải ăn, uống nước chữa đi tiểu buốt, tiểu rắt, táo bón, lỵ. Lá bắp cải luộc đắp lên vết thương chữa bỏng hoặc sưng.
Lưu ý, bắp cải nhiều axit oxalic, mát và có tính lợi tiểu nên người bị bệnh thận, đang chạy thận nhân tạo nên hạn chế. Ngoài ra, bắp cải chứa lượng nhỏ goitrin làm bướu cổ to lên, tuyến giáp phình ra. Do đó chỉ nên ăn một lượng vừa phải, cắt từng lá, ngâm rửa rồi thái nhỏ, sau khoảng 10-15 phút mới chế biến để goitrin bị phân hủy hết.
Ăn bắp cải sống dễ sinh đầy bụng, nhất là với người bị đau dạ dày.