Đây là sự mở rộng các biện pháp chống bán phá giá (CBPG) mà chính phủ Thái Lan đang áp dụng đối với thép cuộn cán nóng của Trung Quốc.
Trước đó, DFT đã mở một cuộc điều tra chống lẩn tránh đối với thép cuộn cán nóng hợp kim từ 17 nhà sản xuất ở Trung Quốc từ ngày 16/9/2023. Bộ đang điều tra liệu các sản phẩm này có lẩn tránh các mức thuế CBPG hiện có bằng cách thêm hợp kim vào các sản phẩm thép cuộn cán nóng và nhập khẩu dưới các mã HS khác nhau hay không.
Ngày 1/8 vừa qua, Bộ Thương mại nước ngoài Thái Lan đã đưa ra kết luận xác định các biện pháp chống bán phá giá 30,91% cũng sẽ được áp dụng đối với thép cuộn cán nóng hợp kim từ Trung Quốc như một "biện pháp mở rộng". Các mức thuế chống bán phá giá sẽ được truy thu từ tháng 9 năm ngoái trở đi và sẽ được rà soát vào khoảng tháng 7/2028, theo quan chức của DFT.
Các mức thuế mới nhất được áp dụng đối với thép cuộn cán nóng có thêm 0,03% titan từ Trung Quốc, một thương nhân Thái Lan cho biết. Các nhà xuất khẩu đã thêm titan vào thép cuộn cán nóng để lẩn tránh các mức thuế chống bán phá giá hiện có đối với thép cuộn cán nóng carbon không hợp kim và nhập khẩu thép cuộn cán nóng có thêm Bo.
Theo Hiệp hội sắt thép Đông Nam Á (SEAISI), sản lượng sản xuất thép cuộn cán nóng của Thái Lan năm 2022 đạt 2,3 triệu tấn, đáp ứng 40% tổng nhu cầu tiêu thụ (5,4 triệu tấn), còn lại phải nhập khẩu. Dù vậy, từ năm 2021, Thái Lan vẫn áp thuế CBPG với thép cuộn cán nóng không hợp kim nhập khẩu từ 18 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó mức thuế áp dụng với HRC Trung Quốc là 30,91% để bảo vệ ngành sản xuất thép trong nước.
Ngoài thuế CBPG, Thái Lan còn áp dụng thuế tối huệ quốc (MFN) và một số hàng rào, tiêu chuẩn kỹ thuật khác để quản lý lượng thép cuộn cán nóng nhập khẩu và bảo vệ nền sản xuất trong nước.