Vào 1 giờ sáng nay (10/10), tâm áp thấp nhiệt đới, trên vùng biển phía Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39-49km/h), giật cấp 8, di chuyển theo hướng Tây Nam với tốc độ khoảng 15km/h.
Dự báo trong ngày hôm nay, áp thấp nhiệt đới tiếp tục tương tác với khối không khí lạnh từ phương Bắc và suy yếu nhanh.
Đến khoảng 13 giờ chiều nay, khi tiến về đảo Hải Nam của Trung Quốc, áp thấp nhiệt đới sẽ suy yếu thành một vùng áp thấp ngay trên đảo với cường độ còn dưới cấp 6.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, sau đó là vùng áp thấp, trong ngày hôm nay, vùng biển phía Tây Bắc của khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8, biển động.
Khu vực Bắc Biển Đông hôm nay sóng cao 1-2m, vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới sóng cao 2-3m. Từ sáng 10/10, ở vịnh Bắc Bộ sóng cao 2-3m. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên các khu vực này đều chịu tác động của gió mạnh và sóng lớn.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, từ gần sáng ngày 10/10, vùng biển vịnh Bắc Bộ có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8, biển động.
Bão số 4 hình thành từ một áp thấp nhiệt đới ngoài khơi Philippines, mạnh lên thành bão vào sáng 30/9, có tên quốc tế là KOINU. Trước khi vào Biển Đông, bão KOINU từng đạt sức mạnh trên cấp 15, giật trên cấp 17, tiệm cận một siêu bão.
Các nhận định ban đầu cho thấy, sau khi vào Biển Đông, bão sẽ tương tác với không khí lạnh và suy yếu rất nhanh. Tuy nhiên, từ chiều 6/10, bão có diễn biến bất ngờ khi tăng cấp trở lại, duy trì cường độ của một cơn bão rất mạnh. Từ ngày 8/10, bão số 4 mới bắt đầu suy yếu dần.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ nay đến hết năm 2023, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng 2-4 cơn bão/ATNĐ, trong đó khoảng 1 hoặc 2 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Đề phòng những cơn bão có diễn biến phức tạp cả về quỹ đạo cũng như cường độ.