Lý do
Trước đây, trung bình mỗi ngày, Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Bình Dương chỉ có khoảng 500 người đến thực hiện các thủ tục đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, đăng ký tìm việc làm, hồ sơ bảo lưu. Tuy nhiên, ngày 12/4 có tới 1.500 người cùng đến làm hồ sơ trong buổi sáng khiến nơi đây quá tải.
Về lý do đăng ký rút tiền BHXH một lần, anh Trần Tấn Đ. (công nhân làm việc tại TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương) chia sẻ: “Tôi tham gia BHXH năm 23 tuổi, đến nay cũng hơn 15 năm. Tôi tính đóng đủ 20 năm để hưởng hưu. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu, tôi muốn rút tiền ra, bởi vì nếu muốn được hưởng hưu, tôi phải chờ thêm đến 17 năm nữa mới đủ 60 tuổi theo quy định. Làm sao tôi chờ được đến khi đó”.
Chị Nguyễn Thị Lan (quê Thanh Hóa, làm việc tại TP Thuận An, Bình Dương) cũng muốn rút BHXH một lần. “Đây là việc ngoài ý muốn. Trước khi dịch bệnh bùng phát, nhiều người nghĩ khác. Sau khi kinh tế bị ảnh hưởng trực tiếp, công việc bấp bênh, nhiều người phải thay đổi kế hoạch. Thật sự đây là điều đáng buồn nhưng không có lựa chọn nào khác tốt hơn”, chị nói.
"Người lao động đến với Trung tâm khai báo tình trạng thất nghiệp, chúng tôi tư vấn cụ thể công việc mới phù hợp với vị trí việc làm. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã giới thiệu được hơn 2.000 lao động cho doanh nghiệp".
Ông Nguyễn Thanh Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Bình Dương
Tuy nhiên, không phải ai đi làm thủ tục nhận BHTN và BHXH một lần cũng vì khó khăn, đường cùng. Không ít người mang tâm lý “có nhiêu xài nhiêu, tới đâu hay đó”. Trong lúc chờ đến lượt, anh M.V.T (quê Đồng Tháp) cho biết, đang làm thủ tục nhận tiền BHTN. “Thấy công việc ở công ty cũ không phù hợp nên tôi mới xin nghỉ nhưng chưa muốn tìm việc làm mới. Tôi đăng ký nhận BHTN để trả tiền phòng trọ rồi tính tiếp”, anh nói. Trong khi đó, chị Trần Thu Lan (quê Vĩnh Long) chia sẻ: “Tôi tạm thời nghỉ việc, hiện đang bán hàng online. Tôi tranh thủ đến Trung tâm để khai báo BHTN, đây là quyền lợi chính đáng nên phải làm”.
Lợi bất cập hại
Đại diện lãnh đạo BHXH Bình Dương thông tin, năm 2021, do ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, có khoảng 60.000 người nộp hồ sơ nhận BHXH một lần, trong đó có tháng số người đăng ký vượt 7.000. Con số này có tăng, nhưng không phải đột biến so với số lượng lớn người lao động kết thúc hợp đồng lao động sau đợt dịch thứ 4 vừa qua.
“Thời gian qua, đơn vị đã tuyên truyền để người lao động hiểu những thiệt thòi về lâu dài khi rút BHXH một lần. Việc rút BHXH một lần giúp lao động giải quyết khó khăn trước mắt, song về lâu dài, nhất là khi đến tuổi già không có lương hưu sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống”, bà Lê Minh Lý, Giám đốc BHXH Bình Dương, nói.
Một người lao động xem lại hồ sơ sau khi hoàn thành thủ tục. Ảnh: H.C |
|
Theo bà Lý, người lao động sẽ thiệt hại nhiều khi rút BHXH một lần. Việc rút tiền BHXH sẽ đồng nghĩa người lao động tự đưa mình ra khỏi hệ thống an sinh xã hội. Trong đại dịch COVID-19 vừa qua, nhiều người đã rút sổ BHXH, do đó khi Nghị quyết 116 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp được thông qua, họ không còn được hưởng chế độ BHXH.
“Thực tế đợt cứu trợ xã hội vừa qua của Chính phủ cũng căn cứ từ số năm đóng BHXH, không cần căn cứ vào mức đóng của từng cá nhân. Ví dụ, Nghị quyết 116 của Chính phủ chia làm 6 mức hưởng trợ cấp, cơ quan BHXH căn cứ vào mức thời gian đóng để đưa ra các mức từ 1,8-3,7 triệu đồng/người lao động. Quỹ BHXH không bao giờ bị vỡ bởi có sự bảo trợ của Nhà nước, do đó người dân cần an tâm không nên rút sổ BHXH một lần”, đại diện BHXH Bình Dương nói.
Đại diện Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Bình Dương cho biết, nhu cầu việc làm ở Bình Dương dồi dào nên người lao động có nhiều lựa chọn. Một số công nhân “đứng núi này trông núi nọ” nên hay thay đổi nơi làm việc. Đó cũng là một trong những nguyên nhân nhiều người đăng ký nhận tiền BHTN. Điều này không có lợi cho người lao động bởi sẽ ảnh hưởng đến các chính sách và chế độ thâm niên tại công ty.