Ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe sinh sản và tâm lý
Bác sĩ Phạm Quang Nhật, Phó trưởng khoa Kế hoạch gia đình, Bệnh viện Từ Dũ, cho biết việc trẻ vị thành niên mang thai chắc chắn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả sức khỏe tâm lý, thể chất và đời sống xã hội của trẻ.
Về thể chất, bác sĩ Nhật lý giải rằng cơ thể trẻ vị thành niên chưa phát triển toàn diện, nên khi mang thai dễ gặp phải nhiều biến chứng như mệt mỏi kéo dài, thiếu máu, mất nhiều máu khi sinh, thậm chí có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản về sau hoặc dẫn đến nguy cơ vô sinh. Trong trường hợp phá thai, các em cũng dễ gặp những biến chứng như dính buồng tử cung.
Không chỉ vậy, đa phần các em gái mang thai ở tuổi vị thành niên đều chưa sẵn sàng về mặt tâm lý để làm mẹ. Khi biết mình mang thai, các em thường rơi vào trạng thái hoang mang, lo lắng tột độ. Nhiều em lên mạng tìm thông tin trong vô vọng, trong khi bản thân phải đối diện với áp lực từ gia đình, sự xa lánh hoặc chế giễu từ bạn bè, cảm giác xấu hổ, tội lỗi và nỗi sợ hãi về tương lai bị dang dở.
Bác sĩ Nhật chia sẻ, có những em đến bệnh viện trong trạng thái như trầm cảm, gần như không nói gì, im lặng hoàn toàn. Có em vì quá hoảng loạn, có em bị ảnh hưởng tâm lý do bị người thân đi cùng trách móc, làm tổn thương.
Một điều đáng buồn, theo bác sĩ Nhật, phần lớn các em không nhận được sự hỗ trợ từ bạn trai hay gia đình. Nhiều trường hợp, bạn trai từ chối trách nhiệm, thậm chí nghi ngờ cái thai, đặt ra những câu hỏi như: “Phải con của anh không?” hay “Chắc gì là con của tôi?”. Những tình huống tưởng như chỉ thấy trong phim nhưng lại rất phổ biến ngoài đời thực.
Trong khi đó, nhiều gia đình lại không đủ điều kiện kinh tế, các em không được tiếp cận với dịch vụ y tế an toàn hoặc thiếu sự tư vấn, hỗ trợ kịp thời. Điều này khiến các em càng trở nên dễ bị tổn thương cả về thể chất lẫn tinh thần.

Trẻ vị thành niên mang thai gặp vấn đề tâm lý và sức khỏe sinh sản trầm trọng
ẢNH MINH HỌA
Theo ông Trần Công Bình, chuyên gia bảo vệ trẻ em, Phó chủ tịch Hội Khoa học tâm lý - giáo dục TP.HCM, việc mang thai quá sớm khiến trẻ em gái có nguy cơ gặp nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như tiền sản giật, sinh non hoặc khó sinh.
Thêm vào đó, quan hệ tình dục không an toàn còn khiến các em có nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục như giang mai, sùi mào gà, HIV, viêm gan B hoặc nhiễm virus HPV.
Bên cạnh đó, do điều kiện sống và dinh dưỡng kém, nhiều em không có đủ dưỡng chất và năng lượng cần thiết, ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi cả về thể chất và trí tuệ. Trẻ sơ sinh của các bà mẹ vị thành niên thường nhẹ cân, dễ mắc bệnh và có nguy cơ tử vong trong năm đầu đời cao hơn bình thường.
Không chỉ vậy, mối quan hệ trong gia đình cũng có thể bị ảnh hưởng nặng nề. Khi bị cha mẹ trách móc, không thông cảm hoặc không chấp nhận, các em dễ cảm thấy bị cô lập, tổn thương và mất kết nối với chính gia đình của mình. Điều này khiến các em ngày càng thu mình lại, cô đơn giữa nơi lẽ ra phải là chỗ dựa vững chắc nhất.
Tương lai trắc trở khi phải làm cha mẹ quá sớm
Ông Phạm Đình Nghinh, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, cho biết về mặt tâm lý và xã hội, mang thai sớm có thể làm gián đoạn quá trình phát triển bình thường của trẻ.
Các em có thể phải nghỉ học giữa chừng, mất đi cơ hội học tập, không còn thời gian để vui chơi, giao lưu hay xây dựng mối quan hệ bạn bè.
Từ đó, các em đánh mất nhiều trải nghiệm quan trọng trong quá trình trưởng thành, ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách và khả năng hòa nhập xã hội.
Không ít em còn bị bạn bè hoặc cộng đồng kỳ thị, xa lánh khiến các em rơi vào cảm giác bị cô lập, không được chấp nhận. Về lâu dài, mang thai ở độ tuổi còn quá trẻ cũng để lại hệ lụy cho tương lai của các em.
Việc học bị gián đoạn khiến con đường nghề nghiệp trở nên khó khăn hơn, kéo theo đó là khả năng tự lập, kiếm sống và nuôi dạy con cái cũng bị ảnh hưởng. Khi bản thân vẫn còn là một đứa trẻ, nếu không có sự chuẩn bị đầy đủ về tài chính và kỹ năng làm cha mẹ, các em sẽ phải đối mặt với gánh nặng kinh tế lớn và cuộc sống dễ rơi vào vòng luẩn quẩn của khó khăn, thiếu thốn và lệ thuộc.

Sau khi Báo Thanh Niên điều tra, vạch trần nạn bạo hành, trẻ sơ sinh ở Mái ấm Hoa Hồng đang được chăm sóc tận tình tại Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp
ẢNH: NGUYỄN ANH
Hồi tháng 9.2024, Báo Thanh Niên đã đăng tải loạt điều tra về tội ác bạo hành ở Mái ấm Hoa Hồng (Q.12, TP.HCM). Sau đó, các em sống tại mái ấm được đưa về các cơ sở xã hội của Sở LĐ-TB-XH TP.HCM nuôi dưỡng, chăm sóc.
Trong vụ việc này, cơ quan chức năng bước đầu ghi nhận được hoàn cảnh của các trẻ sơ sinh. Theo đó, chỉ tính riêng 15 trẻ sơ sinh được đưa về Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp thì có 10 em có mẹ là học sinh. Đây là một thực trạng cho thấy hệ lụy của việc “trẻ vị thành niên sinh con”, tức trẻ sinh con rồi đưa con mình vào sống ở mái ấm.
Vào thời điểm này, các chuyên gia về công tác trẻ em rất quan ngại về thực trạng này, bởi những đứa trẻ mới 13 - 14 tuổi đã phải đối diện với việc mang thai và sinh con. Việc này đặt ra nhiều thách thức không chỉ về vấn đề sức khỏe mà còn về việc các em sẽ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau ra sao.