Theo tờ Space, các nhà nghiên cứu từ Viện GLOBE của Đại học Copenhagen (Đan Mạch) và Bảo tàng lịch sử tự nhiên Thụy Điển đã phát hiện ra cấu trúc mà họ nghi ngờ hố va chạm khổng lồ bên dưới lớp băng dày Hiawatha của Greenland.
Nhóm tử Đan Mạch đã lấy mẫu cát từ miệng hố Hiawatha và đun nóng nó, sử dụng khí argon thoát ra từ các hạt để xác định sự kiện va chạm. Trong khi đó, nhóm từ Thụy Điển lấy mẫu đá trong một cuộc khảo sát độc lập khác để xác định niên đại dựa vào dấu vết uranium của khoáng vật zircon.
Khu vực có hố va chạm Hiawatha - Ảnh: NASA
2 cuộc khảo sát đều chỉ ra thời điểm va chạm xảy ra là 58 triệu năm về trước.
Nghiên cứu cũng cho thấy vào thời điểm xảy ra thảm họa, Greenland không phải đảo băng mà là một khu rừng mưa ôn đới. Vật thể bí ẩn mà họ tin là một tiểu hành tinh đã dội vào Trái Đất với một lực mạnh hơn bom nguyên tử vài triệu lần, để lại hố khổng lồ, hủy diệt một phần Greenland và gây ra tác động khí hậu toàn cầu.
Các nhà khoa học cho biết họ đang có kế hoạch tiếp tục nghiên cứu để xác định chính xác những thiệt hại từ vụ va chạm. Nhưng ước tính đó sẽ là một cú sốc nặng nề cho Trái Đất vừa phục hồi sau thảm họa Chicxulub giết chết loài khủng long.
Họ cũng chưa trực tiếp xác định được các vật chất từ kẻ tấn công ngoài hành tinh còn vướng lại ở hố va chạm, hoặc bao nhiêu phần của tiểu hành tinh có thể còn chôn giấu dưới băng. Đó cũng là những mục tiêu mà các cuộc nghiên cứu tiếp theo hướng tới.
Nghiên cứu sơ bộ vừa công bố trên tạp chí Science.