Xã hội

Bàn về quy hoạch TP.HCM mới trong bối cảnh sáp nhập tỉnh thành

Tóm tắt:
  • Sau sáp nhập, quy hoạch TP.HCM mới là bắt buộc để phát triển đồng bộ.
  • Các tỉnh trước đó có quy hoạch riêng, không phù hợp khi hợp nhất.
  • TP.HCM đặt mục tiêu trở thành trung tâm tài chính, công nghệ cao, đô thị thông minh.
  • Bình Dương tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao và đô thị thông minh.
  • Bà Rịa - Vũng Tàu hướng đến trung tâm logistics, cảng biển, kinh tế biển xanh.

Ngày 25.4, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức toạ đàm Bàn về quy hoạch TP.HCM mới trong bối cảnh sáp nhập tỉnh thành.

Nội dung buổi tọa đàm giới thiệu về chủ trương sáp nhập tỉnh thành, các quy hoạch của TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo luật Quy hoạch năm 2017. Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, hiện TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu đều có quy hoạch riêng, không đồng bộ.

So sánh quy hoạch 3 tỉnh TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu trước sáp nhập tỉnh thành 

Trong bối cảnh định hướng sáp nhập giữa 3 tỉnh thành, việc so sánh và đánh giá các quy hoạch tỉnh hiện hành là bước đi quan trọng nhằm xác định điểm chung, khác biệt cũng như thách thức trong việc hình thành một quy hoạch tổng thể thống nhất.

Theo quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, TP.HCM xác lập mục tiêu trở thành trung tâm tài chính - kinh tế quốc tế, đầu tàu phát triển công nghệ cao, đô thị thông minh và kinh tế số của cả nước và khu vực. Thành phố tập trung vào phát triển mô hình đô thị đa trung tâm, bền vững, với mạng lưới giao thông kết nối qua vành đai 3, vành đai 4 và các trục xuyên tâm, hướng đến không gian phát triển theo trục sông Sài Gòn và mở ra hướng biển. TP.HCM đặt mục tiêu GRDP bình quân đầu người đạt từ 13.000 - 14.000 USD vào năm 2030, tốc độ tăng trưởng GRDP hằng năm dao động khoảng 8 - 8,5%. Ngoài ra, TP.HCM cũng nhấn mạnh vào vai trò dẫn dắt về chuyển đổi số, cải cách hành chính và hệ thống logistics toàn diện.

Bàn về quy hoạch TP.HCM mới trong bối cảnh sáp nhập tỉnh thành- Ảnh 1.

Theo quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, TP.HCM xác lập mục tiêu trở thành trung tâm tài chính - kinh tế quốc tế

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Khác với TP.HCM, tỉnh Bình Dương xây dựng định hướng phát triển gắn chặt với trục công nghiệp và đô thị thông minh. Quy hoạch tỉnh xác định tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu trở thành thành phố thông minh hàng đầu khu vực Đông Nam bộ. Bình Dương ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ logistics và đô thị hóa nhanh theo các cực tăng trưởng trọng điểm như Dĩ An, Thuận An và Thủ Dầu Một.

Điểm nổi bật trong quy hoạch tỉnh là mục tiêu kinh tế số đóng góp ít nhất 30% vào GRDP vào năm 2030, cao hơn nhiều so với TP.HCM. GRDP bình quân đầu người cũng hướng đến ngưỡng 13.000 - 14.000 USD như TP.HCM. Tuy nhiên, Bình Dương có lợi thế về quỹ đất công nghiệp và tốc độ đô thị hóa nhanh, tạo động lực mạnh mẽ cho mô hình "vùng vệ tinh" kết nối với TP.HCM qua mạng lưới vành đai.

Còn Bà Rịa - Vũng Tàu lại có chiến lược quy hoạch mang màu sắc rất riêng, định vị là trung tâm logistics, cảng biển và công nghiệp xanh ven biển phía nam. Tỉnh tập trung phát triển trục cảng Cái Mép - Thị Vải, hướng đến chuỗi cung ứng toàn cầu và hệ sinh thái kinh tế biển hiện đại. Đồng thời, du lịch biển và năng lượng tái tạo cũng là hai trụ cột kinh tế quan trọng được đề cập trong quy hoạch.

Về chỉ tiêu kinh tế, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đặt mục tiêu GRDP bình quân đầu người năm 2030 đạt khoảng 14.000 USD, với tốc độ tăng trưởng 8 - 8,5%/năm, tương đương TP.HCM. Tuy nhiên, cơ cấu không gian phát triển của tỉnh chủ yếu trải dọc ven biển, hướng ra khu vực đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam bộ, ít phụ thuộc vào đô thị trung tâm như TP.HCM hay Bình Dương.

Hạ tầng kết nối là then chốt

Tại tọa đàm, các đại biểu đề xuất quan điểm, định hướng phát triển không gian lãnh thổ của TP.HCM mới. Đồng thời, các địa phương phải có lộ trình thực hiện các công việc (trước mắt, trung hạn và dài hạn) của sau khi chính thức sáp nhập liên quan đến quy hoạch tỉnh.

TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn triển khai Nghị quyết 98 năm 2023 của Quốc hội, nhận định, việc sáp nhập TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tạo thành một siêu đô thị nếu khai thác được hết tiềm năng.

"Việc nhập 3 tỉnh lại không phải là thực hiện phép cộng mà là phép nhân để phát triển siêu đô thị mà không phải nơi nào cũng có được. Chúng ta phải tính toán lại về lợi thế của địa phương, hệ thống không gian đô thị, hạ tầng kết nối… Mục tiêu lớn nhất mà Đảng, Nhà nước đang tập trung là phát triển 2 con số, do đó, tôi kiến nghị tiếp tục áp dụng Nghị quyết 98 đối với toàn bộ TP.HCM mới sau sáp nhập", ông Trần Du Lịch nói.

Bàn về quy hoạch TP.HCM mới trong bối cảnh sáp nhập tỉnh thành- Ảnh 2.

PGS-TS Nguyễn Hồng Thục (đứng), giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu tại tọa đàm

ẢNH: T.L

PGS-TS Nguyễn Hồng Thục, giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội, cũng đồng tình với ý kiến nếu kết nối đồng bộ được hạ tầng, phân định được lợi thế không gian phát triển đô thị và tạo ra những chuỗi logistic tốt thì sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho địa phương. Theo bà Thục, hạ tầng có thể nói là "yếu tố sống còn" của một thành phố.

Bà Thục nhìn nhận, sau sáp nhập tỉnh thành, chính quyền TP.HCM mới cần hoàn thiện công cụ quản lý quy hoạch, giữ được sự lưu thông của mô hình hiện hữu, đừng vội xáo trộn và phối hợp liên vùng để phát triển bền vững. Đồng thời, TP.HCM mới sau sáp nhập phải tạo ra "vùng xanh", "vùng đổi mới sáng tạo" để con người có thể ở tại chỗ mà vẫn tạo ra kinh tế chất lượng cao.

"Một vấn đề khác là quy hoạch đô thị, phải đưa phát triển đô thị làm đầu tàu kinh tế. Tôi cho rằng, việc nghiên cứu đầu tiên dành cho TP.HCM mới phải là bảo tồn và mở rộng khung tự nhiên. Đô thị muốn làm ra tiền phải là đô thị sinh thái, như thế mới thu hút đầu tư quốc tế", bà Thục nói.

Các tin khác

Hệ tiêu hóa ảnh hưởng đề kháng thế nào?

TS.BS Phạm Lê Duy, Giảng viên bộ môn Sinh lý - Sinh lý bệnh - Miễn dịch, Đại học Y Dược TPHCM cho biết, hệ tiêu hóa khỏe góp phần xây dựng hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh, trong đó có virus cúm.

Mua lô đất bỏ hoang suốt 2 thập kỷ, bán gấp 10 lần tưởng đã lãi to, ai ngờ chỉ trong 3 tháng sau giá lại tăng thêm 8 lần nữa khiến người bán tiếc ngẩn ngơ

Mua 2 lô đất Mê Linh từ thời giá chỉ hơn 3 triệu đồng/m2, chị H. chốt lời thành công với giá 32 triệu đồng/m2, tăng gấp 10 lần giá vốn chị bỏ ra. Nhưng điều khiến chị không khỏi tiếc nuối là chỉ sau vài tháng, chủ mới đã bán tiếp với giá 54 triệu đồng/m2, nâng mức tăng lên tới 18 lần.

Cổ phiếu SBS bị bán tháo sau khi Sacombank bác tin đồn thâu tóm

Trong phiên giao dịch sáng 25/4, cổ phiếu SBS bất ngờ giảm sàn sau khi Sacombank chính thức phủ nhận thông tin mua lại công ty chứng khoán này. Động thái dập tắt kỳ vọng của nhà đầu tư khiến mã chứng khoán từng tăng gần 35% trong ba phiên liên tiếp quay đầu lao dốc mạnh.