Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Anh Đức, chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, tại hội thảo khu vực của Liên minh Hợp tác xã quốc tế năm 2024, diễn ra từ ngày 21 đến 23-5 tại TP.HCM.
Hội thảo do Saigon Co.op phối hợp Ủy ban Tiêu dùng và Ủy ban Kinh doanh mậu dịch trực thuộc Liên minh Hợp tác xã quốc tế tổ chức. Hội thảo có sự tham dự của các đại biểu đến từ Nhật Bản, Ấn Độ, Indonesia, Iran, Hàn Quốc, Malaysia, Myanmar, Philippines...
Chia sẻ với các thành viên Liên minh Hợp tác xã quốc tế, ông Nguyễn Anh Đức cho biết thị trường bán lẻ Việt Nam đang trải qua sự tăng trưởng nhanh chóng, đặc biệt là bán lẻ hiện đại. Tuy vậy, so với các nước khác về mức độ thâm nhập thị trường, bán lẻ hiện đại Việt Nam vẫn bị đánh giá tụt hậu.
Trong 10 năm qua, quy mô bán lẻ hiện đại của Việt Nam tăng gấp 10 lần, từ 2,6 tỉ USD lên 26 tỉ USD. Tuy vậy, thị phần bán lẻ hiện đại chỉ chiếm khoảng 20% tổng thị phần, tỉ lệ này ở Singapore là 90%, Thái Lan là 65%, Malaysia là 40% và Ấn Độ là khoảng 20%.
Dấu hiệu tích cực là các nhà bán lẻ Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để đổi mới, phát triển sản phẩm mới và tận dụng việc sử dụng thiết bị di động cao ở người tiêu dùng để đa dạng hóa cách bán hàng, tăng doanh thu.
"Bán lẻ hiện đại của Việt Nam vẫn đang phát triển nhưng vẫn tụt hậu so với các nước khác. Thị trường đang hình thành những xu hướng mới, như quy mô hộ gia đình đang giảm và các sản phẩm tập trung vào sức khỏe đang ngày càng phổ biến", ông Đức nhận định.
Một dư địa khác cho thị trường bán lẻ Việt Nam tăng doanh số là những sản phẩm, dịch vụ mới. Các báo cáo cho thấy 30% doanh thu của 500 công ty hàng đầu thế giới đến từ phát triển các sản phẩm mới, con số này ở châu Á là 20%, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam chỉ mới đạt được 10%.
Điều này có nghĩa tiềm năng tăng doanh thu từ phát triển sản phẩm mới của các doanh nghiệp trong nước còn rất lớn. Các hợp tác xã cần tận dụng giai đoạn này để phát triển thị phần, mở rộng kênh bán lẻ hiện đại.
Nhìn ở góc độ phát triển thị trường, ông Vũ Anh Khoa, chủ tịch hội đồng thành viên Saigon Co.op - cho biết phong trào kinh tế tập thể của khu vực và thế giới, tăng cường giao thương hàng hóa trong khối kinh tế tập thể của các nước đang ngày càng sôi động. Đây cũng là cơ hội để Saigon Co.op và các hợp tác xã Việt Nam gặp gỡ, trao đổi sáng kiến với các hợp tác xã quốc tế, góp phần thúc đẩy giao thương.
"Chúng tôi mong qua các hội thảo, hợp tác xã Việt Nam và các nước sẽ có nhiều cơ hội kết nối, tiêu thụ hàng hóa, đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng cao từ kinh tế tập thể. Chẳng hạn gần đây, Saigon Co.op đã hợp tác với một số hợp tác xã của Hàn Quốc để xuất khẩu bánh tráng và nhập khẩu mì gói" - ông Khoa thông tin.