Đã có nhiều bạn trẻ gia nhập đường đua chứng khoán nhưng nhận về thất bại ê chề ở độ tuổi đôi mươi. Vậy họ vượt qua những lần bị “sóng cưỡi" như thế nào?
Câu chuyện của cô nàng Gen Z tên Trung Hoà (Hà Nội) có thể cho bạn nhiều cảm hứng để vực dậy khỏi lần đầu tư thua lỗ. Trước đó, Trung Hoà học chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng tại trường ĐH Công Đoàn. Và hiện Trung Hoà đang làm chuyên viên tư vấn đầu tư (môi giới chứng khoán) tại công ty CPCK VPS.
Quá trình nhập môn và thất bại mất khoảng 400 triệu đồng năm 22 tuổi
Trung Hoà bắt đầu tìm hiểu thị trường chứng khoán sau khi đi thực tập tại ngân hàng vào cuối năm 2 Đại học. Lúc đó, cô bắt đầu nghe mọi người xung quanh bàn tán về “bộ môn" này, cộng thêm mong muốn đạt điểm cao trong môn chuyên ngành, do đó Trung Hòa bước chân vào con đường tìm hiểu chứng khoán là gì, cách đọc bảng điện tử xanh đỏ ra sao. Sau đó, từ tháng 5/2020, Trung Hòa chuyển sang thực tập tại công ty VPS như một cách thức để học hỏi nhanh nhất.
Bên cạnh tự tìm tòi và học hỏi từ đồng nghiệp, Trung Hoà cũng chịu chi khi bỏ số vốn là 10 triệu đồng để tham gia thực hành đầu tư cổ phiếu.
“Lúc đấy, thị trường dễ lắm. Mua con nào con đấy chạy ‘mù mắt’. Đoạn đấy mình có mua cổ phiếu HSG. Thời gian đầu mình bị lỗ ngắn hạn 7% xong sau đó là cổ phiếu tăng triền miên tới tháng 6/2021. Lúc đó, mình hình thành tư duy nếu cổ phiếu giảm thì là cơ hội mua. Sau đó, cổ phiếu sẽ tăng mà thôi, đỉnh sau cao hơn đỉnh trước, nó là như vậy”, Trung Hoà nhớ lại.
Vừa mới tham gia thị trường chứng khoán đã liên tiếp có lãi, nên Trung Hoà cũng mong cưỡi được sóng, rồi “ôm mộng" giàu sang mua được nhà và xe sau khi đầu tư giống như bao người xung quanh đồn thổi. Thế rồi năm 22 tuổi, cô mang 400 triệu đồng tất tay hết vào cổ phiếu. Đó là toàn bộ số tiền Trung Hòa tích lũy được, cộng thêm bán vài chỉ vàng mẹ mua cho và vay mượn tiền từ gia đình.
Tuy nhiên, đời không như mơ. Chỉ sau một thời gian, cô mất gần hết số vốn bỏ ra này.
Lúc đó, Trung Hoà đầu tư 3 mã cổ phiếu là ITA, GEX và NLG vào thời điểm đu đỉnh, với niềm hy vọng “cổ phiếu sẽ tăng mà thôi, đỉnh sau cao hơn đỉnh trước". Những mã cổ phiếu này được Trung Hoà mua do đã tìm hiểu thị trường từ trước, đồng thời lắng nghe lời mách bảo từ người xung quanh rằng đầu tư tiền vào đây sẽ sinh lãi lớn.
Khi có cơ hội “về bờ", Trung Hoà vẫn không chịu bán cắt lỗ mà tiếp tục mua thêm cổ phiếu. Khi danh mục đầu tư giảm còn 100 triệu đồng, cô nàng vẫn kiên quyết gồng lỗ vì còn giữ niềm tin một ngày nào có thể kiếm lại lời. Cho đến khi danh mục đầu tư giảm còn 35 triệu đồng, Trung Hoà mới bừng tỉnh, quyết định rời thị trường để đi học hỏi thêm rồi mới quay lại.
Trung Hoà tâm sự: “Sai lầm của mình là nghĩ cổ phiếu sẽ tăng, nên không biết đến trường hợp nào cổ phiếu sẽ thoái trào. Thị trường sẽ downtrend và mọi hành động mua vào lúc đó là đi ngược với xu hướng. Mình làm vậy chẳng khác gì lấy trứng ngáng đường một con xe đang lao dốc xuống vậy".
Sau lần đầu tư thua lỗ này, Trung Hoà mất tự tin vào bản thân và cảm thấy có lỗi với bố mẹ. Cô tự trách tại sao lúc đó không chấp nhận bán cắt lỗ sớm hơn rồi đến khi cổ phiếu giảm 70-80% trong tài khoản rồi mới nhận ra.
“Thời điểm đó, 400 triệu đồng là số tiền lớn nhất mình dành để đầu tư chứng khoán. Mình khuyên các bạn đừng vay tiền mua cổ phiếu khi kiến thức chưa dày dặn và trải nghiệm chưa có nhiều. Bởi chúng sẽ ảnh hưởng tới tâm lý và dẫn đến các hành động không chính xác", Trung Hoà tâm sự.
Đi qua thời gian dài trách cứ bản thân, cuối cùng Trung Hoà đã vực dậy và coi số tiền mất đi như “học phí” cho những kinh nghiệm có được khi thực chiến trên mặt trận đầu tư chứng khoán.
3 bài học rút ra
Đến thời điểm hiện tại, sau cơn “say sóng” thì Trung Hoà đã bình tĩnh hơn và xác định cần tìm hiểu kỹ trước khi đầu tư vào bất kỳ mã cổ phiếu nào.
Là một người từng trải, giờ đây nguyên tắc đầu tư chứng khoán của Trung Hoà đã thay đổi. Theo đó cô quan niệm: “Thứ nhất, điều chắc chắn nhất không có gì là chắc chắn cả. Thứ hai, kiếm được tiền thì phải giữ được tiền. Thứ ba, giữ tiền và quản trị rủi ro mới là điều quan trọng nhất mà mình phải làm trên thị trường. Cuối cùng, mỗi lần giải ngân sai mã chứng khoán thì mình sẵn sàng cắt lỗ ngay, đồng thời luôn bình ổn lại tâm lý và tìm một cơ hội đầu tư mới”.
Và đây là 3 bài học của Trung Hoà dành cho những F0 trên thị trường chứng khoán.
1/ Đừng tin tưởng ai quá nhiều
Trung Hoà nhớ lại: “Khi mới vào thị trường, mình tìm phương pháp ở mọi nơi, của nhiều người. Mình gặp được một chuyên gia, phím mình mã HPG. Anh bảo: ‘Mua đi, nó lên 30 ngàn đấy'. Ban đầu mình chưa mua, mình mới theo dõi thôi, thế mà nó lên giá 30 ngàn thật. Sau đó, mình bắt đầu quan tâm anh nhiều hơn.
Rồi lần sau anh mới khuyến nghị mình mã VPBank. Mình cũng mua vào một ít, sau đó nó chạy gấp đôi. Mình chứng kiến anh nói đúng liên tục. Và mình chưa thể tưởng tượng được là một nơi nào kiếm tiền nhanh như ở trong thị trường chứng khoán. Nhưng mà đợt đó hối tiếc vì anh chỉ mà mình chỉ bỏ một ít tiền thôi. Mình nghĩ: ‘Những cơ hội lần sau mà anh nói thì mình phải bắt tay, không thăm dò nữa'.
Cái cuối cùng, anh khuyến nghị mình đầu tư vào mã GEX, giá 40 ngàn đồng. Mình đã nghĩ nó còn lên tiếp, chạm mốc 80 ngàn rồi 120 ngàn đồng. Thế mà sau 2 năm rồi, giá cổ phiếu chỉ loanh quanh 19 - 20 ngàn đồng. Sau đấy, mình nhận thấy là không ai đúng mãi cả. Sau bài học này thì mình sợ và không còn tin tưởng ai nhiều nữa”.
Cũng vì thế, Trung Hoà quay về tự học và mày mò thêm kiến thức chứng khoán. Kỳ lạ là nếu hồi đầu cô đọc sách về thị trường này thì buồn ngủ lắm nhưng sau khi mất tiền thì thấy càng tìm hiểu càng hay.
Cô cũng rút ra bài học là khi đầu tư chứng khoán không nên tham khảo ai quá nhiều mả bản thân phải là người ra quyết định đầu tư. Bởi vì bản thân là người hiểu tính cách và vị thế mình đang ở đâu, từ đó tìm được mã cổ phiếu và phương pháp đầu tư phù hợp với mình.
2/ 3 loại cổ phiếu “chân ái”
Trong năm 2023, lợi nhuận đầu tư chứng khoán của cô nàng là 18%. Với Trung Hoà, đây là một thành tựu nho nhỏ ở tuổi đôi mươi, sau cú vấp ngã mất gần 400 triệu đồng cách đây không lâu và thực tế thị trường chứng khoán năm vừa qua cũng biến động không ngừng.
“Hiện giờ, có những cổ phiếu mà mình đánh giá tiềm năng và mua vào là:
- Thứ nhất, cổ phiếu có dòng tiền lan toả. Tức trong cả dòng ngành, có tất cả cổ phiếu cùng nhau kéo lên thì mình sẽ chọn mã cổ phiếu xuất phát đầu tiên để mua (hay cổ phiếu leader). Hiện tại là mình đang mua cổ phiếu từ nhóm ngân hàng là mã ACB, MBB, CTG, MSB…
- Thứ hai, cổ phiếu riêng lẻ không có dòng tiền lan tỏa nhưng nó có mẫu hình Wyckoff chuẩn bị bước vào pha đẩy giá. Ví dụ thời gian này mình chọn cổ phiếu DBC.
- Thứ ba, cổ phiếu có tỷ lệ cổ đông khác (hay tỷ lệ free float thấp), thường là dưới 50%, còn lại là tổ chức và ban lãnh đạo nắm giữ thì sẽ rất dễ đẩy giá cổ phiếu đi lên. Ví dụ thời điểm này là cổ phiếu HAH…”, Trung Hoà nói.
3/ Không để tất cả trứng vào cùng một giỏ
Sau khi bị sóng đánh mất gần 400 triệu đồng, Trung Hoà nhận thấy tầm quan trọng của đa dạng danh mục đầu tư. Tức là cô sẽ không bao giờ để hết tiền vào chứng khoán nữa. Thay vào đó, cô chỉ dành 40-50% số tiền kiếm được vào cổ phiếu, 30% vào gửi tiết kiệm, 20% còn lại đầu tư vào bản thân như mua sách, học thêm các khóa học về tài chính và chứng chỉ CFA,....
Thêm nữa, một nguyên tắc đầu tư chứng khoán cần nhớ là không được FOMO, chạy theo đám đông. “Sau này, mình đầu tư chứng khoán vẫn mua cổ phiếu theo các đầu cơ. Nhưng mà vì mình trải qua nhiều chu kỳ với thị trường rồi nên tâm lý vững hơn. Mỗi lần mình muốn phá vỡ kỷ luật, chạy mua cổ phiếu vì quá FOMO thì mình lại nhớ bài học đã mất tiền trước đó”, Trung Hoà chia sẻ.
Sau cùng, cô có những lời khuyên cho các F0 mới hoặc đang dự định bước chân vào thị trường: “Thực sự chứng khoán là một kênh đầu tư tốt, tiện lợi và thụ động. Có người nói nó là cờ bạc nhưng quan điểm của mình nếu không có kiến thức thì làm gì, ở lĩnh vực nào cũng là cờ bạc. Chẳng hạn nếu bạn không có kiến thức kinh doanh mà vội vàng mở cửa hàng, thuê nhân viên, mua nguyên vật liệu, gặp Covid không kinh doanh được thì cũng phải sớm đóng cửa tiệm.
Cũng vì thế khi bắt đầu 1 lĩnh vực nào, nhất thiết bạn cần có kiến thức, nên học trước khi tham gia đầu tư chứng khoán nhé. Thống kê người giàu trên thế giới thì ai cũng đều có phần phân bổ tài sản vào mục cổ phiếu, học tập theo cách họ làm đó là bắt đầu tư chứng khoán từ sớm. Khi bạn chưa thất bại nghĩa là bạn chưa làm gì cả".
Ảnh: NVCC