Dư luận bức xúc với hiện tượng "xe vua" - tức là có nhà xe được hưởng đặc quyền, dẫn thái độ coi thường pháp luật của chủ xe, của lái xe, nhà xe lập "xe dù, bến cóc", có dấu hiệu trốn thuế số tiền lớn, sai phạm ngang nhiên, tái diễn nhiều lần từ nhiều năm nay, ở nhiều địa phương.
Vì có ai đó chống lưng, vì sự nhờn luật dẫn đến việc các cơ quan chức năng cũng ngại động chạm đến họ, thiếu kiểm tra giám sát, mặc nhiên cho sai phạm cứ thế lấn tới và hậu quả cuối cùng là tai nạn xảy ra làm chết nhiều người, ngân sách nhà nước bị thất thu, kỷ cương phép nước bị một số kẻ coi thường, an toàn và trật tự giao thông bị đảo lộn…
Chúng ta cương quyết bảo vệ cho doanh nghiệp kinh doanh, làm ăn đúng theo quy định của pháp luật, có trách nhiệm với xã hội và cộng đồng. Chúng ta không thể làm ngơ với các doanh nghiệp vi phạm pháp luật trắng trợn, coi thường tính mạng của người dân. Cái xấu cần được ngăn chặn từ sớm, từ xa, đừng để nó ăn sâu, bám rễ vào xã hội rồi lúc đó chính chúng ta lại lung túng trong xử lý. Nếu không xử lý được những hành vi vi phạm pháp luật trăng trợn, người dân sẽ đánh giá, nhìn nhận thế nào về tính nghiêm minh của pháp luật, niềm tin trong xã hội có còn hay không?
Đại biểu Quốc hội, đại diện Hiệp hội vận tải và các luật sư đều cho rằng cần kiên quyết xử lý nghiêm minh; quy trách nhiệm rõ ràng; áp dụng chế tài đủ sức răn đe; chấn chỉnh cả về kỷ luật, kỷ cương và thể chế.
"Lỗ hổng" lớn ảnh hưởng tới an nguy của người dân
Bàn về những vấn đề cũng như hệ lụy xung quanh tai nạn thảm khốc do nhà xe Thành Bưởi gây ra làm chết 5 người, nhiều người bị thương cuối thàng 9 vừa qua, ông Lê Thanh Vân, đại biểu Quốc hội khóa XV nhận định vụ việc cho thấy công tác kiểm soát, kiểm tra giao thông trên bình diện bảo đảm thông số kỹ thuật, hành trình, kỷ luật, trật tự giao thông đã có "lỗ hổng".
"Nếu như không chấn chỉnh và kiểm soát tốt thì tình trạng này sẽ ngày càng phổ biến hơn và ảnh hưởng đến an nguy, an toàn giao thông của người dân. Vì vậy, cần phải điều tra, xác minh kỹ càng và tìm ra nguyên nhân tại sao những hành vi như lập bến trái phép, kinh doanh trái pháp luật, trốn thuế và trốn phí của nhà xe Thành Bưởi diễn ra liên tục trong suốt nhiều năm? Từ đó, chấn chỉnh cả về thể chế, chính sách và kỷ luật, kỷ cương để xử lý nghiêm các sai phạm của nhà xe", ông Lê Thanh Vân nhấn mạnh.
Cũng theo vị đại biểu Quốc hội, có thể phân loại vi phạm pháp luật trong lưu thông, vận tải hành khách thành 2 loại. Thứ nhất, vi phạm hành chính là vi phạm về điểm đỗ, dừng, vi phạm bến bãi. Trong đó, các nhà xe cố ý không cho phương tiện của mình vào bến bãi chịu sự quản lý của Nhà nước và đỗ tại bến bãi do nhà xe tự lập, né tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Đây là vi phạm hành chính, nhưng vi phạm hành chính một cách có hệ thống, lặp lại nhiều lần, có thể trở thành vi phạm về hình sự.
Điều đáng nói nữa, có điểm đỗ của nhà nhà Thành Bưởi ngay gần trụ sở Thanh tra giao thông TPHCM nhưng lực lượng tuần tra, kiểm soát mà cụ thể ở đây là thanh tra giao thông TPHCM và các cơ quan chức năng rất nhiều năm không phát hiện ra. Câu hỏi lớn đặt ra là vì sao có sự vi phạm ngang nhiên như vậy?
Thứ hai, nhà xe có dấu hiệu vi phạm hình sự là trốn thuế. Đây là tội được quy định trong pháp luật hình sự và dấu hiệu vi phạm ở đây là lẩn trốn bằng việc bán vé trá hình, cung cấp thông tin cho hành khách rồi lên xe mới thanh toán tiền để trốn thuế.
Theo đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, cần phải điều tra, xác minh để xác định tính chất, mức độ, hậu quả gây ra của hành vi này. Tội trốn thuế có thể khởi tố thể nhân là cá nhân hoặc pháp nhân là doanh nghiệp. Tìm cho bằng được người chủ mưu và các cá nhân liên quan. Nhất là có dấu hiệu trốn thuế với số lượng lớn, hàng chục tỷ hoặc có thể hơn thế nữa. Chúng ta đã xử lý nhiều về hành vi trốn thuế và pháp luật với tội danh này rất rõ ràng.
Đồng thời, ông Lê Thanh Vân cũng cho rằng nhân dịp này, các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương cần rà soát cẩn trọng từ quy trình, quy phạm được ban hành trong các văn bản pháp luật, cho đến việc thực hiện quy định từ phía cơ quan chức năng.
"Có hay không sự dung túng, bao che, thậm chí là bảo kê, đứng sau cho những hành vi lộng hành của chủ hãng xe diễn ra trong một thời gian dài? Một mặt là vi phạm quản lý trật tự hành chính Nhà nước của các địa phương, mặt khác là tội trốn thuế. Tôi nghĩ rằng phải điều tra, xác minh kỹ càng, xử lý nghiêm minh, đủ tính răn đe để hạn chế những vi phạm khác có thể xảy ra trong tương lai", ông Vân nêu quan điểm.
Trong Nghị định số 10/2020/NĐ-CP có quy định rõ, với những vi phạm thường xuyên và nghiêm trọng như của nhà xe Thành Bưởi, cơ quan quản lý là Sở Giao thông vận tải TPHCM phải xem xét xử lý và câu chuyện rút giấy phép hoạt động từ 1 đến 3 tháng là việc cần làm.
Không thể coi là tai nạn, mà phải xem là hành vi xâm phạm trực tiếp đến tính mạng con người
Dưới góc nhìn của luật sư trên cơ sở các quy định, thành tố pháp luật, ông Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật Thiên Thanh, Đoàn Luật sư Hà Nội cũng đặt vấn đề liệu có sự buông lỏng quản lý của các cấp chính quyền, của các cơ quan quản lý tại địa phương trong trường hợp này?
Cụ thể, ông Truyền cho rằng để xảy ra tình trạng xe dù, bến cóc là trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải. Việc có đúng tuyến, bến bãi hay không là trách nhiệm của thanh tra giao thông. Trong quá trình vận tải, kiểm tra, kiểm soát tốc độ, hành vi của lái xe là trách nhiệm của cảnh sát giao thông.
Tuy nhiên, cần khẳng định trách nhiệm của nhà xe Thành Bưởi là lớn nhất, bởi họ là người đầu tư, hưởng lợi lớn nhất.
"Để quản lý được các lái xe, tránh trường hợp chạy quá tốc độ, vi phạm để xảy ra tình trạng thương tâm như vừa rồi thì quản lý con người không có cơ quan chức năng nào sát bằng chính nhà xe - người sử dụng lao động", ông Nguyễn Thế Truyền khẳng định.
Phân tích kỹ hơn, Giám đốc công ty Luật Thiên Thanh nêu: Lái xe chạy ẩu hay không? Nhà xe biết. Lái xe chạy đúng giờ, đúng tuyến hay không? Nhà xe biết. Tất cả những việc liên quan đến hành vi lái xe thì nhà xe có thể quản lý được hiệu quả nhất.
Đồng thời, theo ông Truyền, việc buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng, dẫn đến một hiện tượng gọi là "xe vua" - tức là nhà xe được hưởng đặc quyền, dẫn đến thái độ coi thường pháp luật của chính chủ xe, của lái xe trong nhà xe này.
Đối với việc lái xe vi phạm thì tước giấy phép lái xe nhưng nhà xe không phải chịu trách nhiệm gì, luật sự cho rằng đây là điều bất cập. Nhà xe cùng lắm chỉ bị trách nhiệm liên đới về dân sự trong việc bồi thường. Còn vi phạm lặp đi lặp lại thì chưa có chế tài cụ thể đối với nhà xe hay chủ nhà xe.
Rõ ràng, việc sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ (tức là một xe ô tô đi trên đường chở nhiều hành khách) là việc đặc biệt thì phải tuân thủ, chấp nhận quy định ngặt nghèo hơn. Theo thông tin dư luận phản ánh, dù lên tới hàng nghìn lần vi phạm trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh, nhưng nhà xe Thành Bưởi vẫn không bị xử lý.
Do đó, luật sư Nguyễn Thế Truyền cho rằng cần nghiên cứu, xây dựng quy định phù hợp với thực tế hơn. Ở nhiều địa phương khác với các nhà xe khác, khi có vi phạm, tùy mức độ sẽ xem xét xử lý và thậm chí thu hồi giấy phép hoạt động của nhà xe nếu có vi phạm nghiêm trọng.
Về việc khách đi xe không được phát vé theo đúng quy định của Bộ Tài chính, luật sư Nguyễn Thế Truyền cũng nhận định, nhà xe đang có dấu hiệu của hành vi trốn thuế được quy định trong Bộ luật Hình sự cũng như quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế.
Nếu như đủ yếu tố cấu thành, hoàn toàn có thể xem xét khởi tố hình sự theo Điều 200 của Bộ luật Hình sự năm 2015; được sửa đổi, bổ sung năm 2017; có hiệu lực từ năm 2018.
Dấu hiệu của việc trốn thuế là hành vi cung cấp dịch vụ bán hàng mà không cung cấp dịch vụ hóa đơn, phiếu thu theo đúng quy định của pháp luật. Việc làm này làm thất thu ngân sách nhà nước, làm méo mó thị trường, cạnh tranh không lành mạnh…
Bên cạnh đó, "xe dù, bến cóc" diễn ra ở nhiều nơi trên cả nước đang xâm phạm đến hoạt động quản lý đúng đắn của cơ quan Nhà nước trong điều hành, điều tiết giao thông; tạo những điểm ùn nghẽn trong nội đô, tắc nghẽn trên toàn thành phố, ảnh hưởng đến hoạt động điều hòa giao thông, hạ tầng của thành phố, lợi ích công cộng và nhất là an toàn giao thông. Thành phố Hồ Chính Minh là một minh chứng điển hình.
Để chấm dứt được tình trạng này, ông Truyền cho rằng, trước tiên, người thực thi trong các cơ quan chức năng phải gương mẫu, kiên quyết, quyết liệt thì mới mong quy định pháp luật có tác động tốt, đi vào cuộc sống. Đồng thời, tăng cường sử dụng công nghệ, hạn chế tiếp xúc giữa người quản lý, người của cơ quan chức năng với người vi phạm để tránh tình trạng xin - cho, hạn chế hành vi tham nhũng trong quá trình làm nhiệm vụ.
Đặc biệt, cần xem xét hình thức chế tài mạnh hơn nữa với những trường hợp tái phạm, liên tục vi phạm, đồng thời quy định các nhà xe, các chủ xe phải chịu liên đới trách nhiệm cao hơn, nhất là khi xảy ra tai nạn.
Luật sư cho rằng: Khi liên tục tái phạm thì không thể coi đó tai nạn mà phải xem là hành vi xâm phạm trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người.
"Soi" các dấu hiệu trốn thuế theo quy định hiện hành
Trao đổi với Phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, Luật sư Lê Trung Phát, Giám đốc Hãng Luật Lê Trung Phát, Đoàn Luật sư TPHCM cũng nêu quan điểm về các dấu hiệu trốn thuế của nhà xe Thành Bưởi.
Luật sư Lê Trung Phát nhận định: "Hiện nay, với thông tin bước đầu đã xác định rõ các hành vi vi phạm của Công ty TNHH Thành Bưởi - nhà xe Thành Bưởi. Việc này cũng đã được Sở GTVT TPHCM chỉ rõ trong "thông cáo báo chí" chiều ngày 26/10/2023. Đáng lưu ý nhất trong các vi phạm này, có các vi phạm liên quan đến "hợp đồng vận chuyển hàng hóa" và "hợp đồng vận chuyển, danh sách hành khách theo loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, kinh doanh dịch vận tải khách du lịch bằng xe ôtô".
Về điểm này, Luật sư Lê Trung Phát cho rằng: Các vấn đề này trước đây được quy định tại các Điều 7, Điều 8, Điều 9 của Nghị định 86/2014, Thông tư 63/2014, hiện nay được quy định tại các Điều 7, Điều 8, Điều 15 của Nghị định 10/2020 và Thông tư 12/2020.
"Theo đó khi xác lập mối quan hệ vận tải, bên kinh doanh vận tải hành khách phải ký hợp đồng trước khi thực hiện vận chuyển với người thuê vận tải. Và đây là cơ sở không chỉ nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của các bên.
Nó còn là cơ sở để doanh nghiệp kinh doanh vận tải thực hiện việc báo cáo thuế với cơ quan thuế; xác định được doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp nhằm thực hiện việc đóng thuế theo quy định.
Nếu trong quá trình thực hiện việc vận chuyển, các bên không xác lập các hợp đồng, bản thân đơn vị kinh doanh vận tải cũng có thể sẽ không thực hiện việc báo cáo thuế hoặc báo cáo không đúng với số lượng hành khách, giá trị của hợp đồng vận tải với các cơ quan thuế. Từ đó có thể dẫn đến việc khai báo và nộp thuế sẽ không đúng với hoạt động thực tế của doanh nghiệp.
Như vậy trong việc này, có dấu hiệu của hoạt động trốn thuế. Với quy mô hoạt động, thời gian hoạt động của nhà xe này đã kéo dài. Thì để xác định được có hay không có hành vi trốn thuế, theo tôi cần chuyển hồ sơ qua cơ quan Công an để tiến hành điều tra và làm rõ", Luật sư Phát nêu quan điểm.
Cũng theo luật sư Lê Trung Phát: Trường hợp nếu đủ yếu tố cấu thành "tội trốn thuế" theo Điều 200 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017, thì căn cứ vào Điều 76 Bộ luật Hình sự, pháp nhân là Công ty TNHH Thành Bưởi sẽ bị khởi tố vụ án hình sự.
Lúc này, tùy thuộc vào số tiền trốn thuế mà công ty này có thể phải bị phạt tiền với số tiền lên đến 10 tỷ đồng, ngoài hình phạt tiền nêu trên, tòa án có thể áp dụng hình phạt bằng việc cấm kinh doanh từ 1 đến 3 năm.
"Trường hợp điều tra cho thấy công ty đã phạm tội thuộc trường hợp được quy định tại Điều 79 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả) thì lúc này công ty có thể phải đối mặt với hình phạt " bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn" theo quy định tại Điểm D khoản 5 Điều 200"- Luật sư Lê Trung Phát nhận định.
Về dấu hiệu trốn thuế như thế nào thì ngày 19/10, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TPHCM cho biết, hiện Cục Thuế TPHCM và Sở Giao thông vận tải TPHCM đang làm rõ các thông tin phản ánh theo chức năng nhiệm vụ của ngành thuế và giao thông vận tải.
Nếu có dấu hiệu tội phạm liên quan đến các hành vi như trốn thuế; in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước; cấp phép sai quy định..., thì Cục Thuế và Sở Giao thông vận tải chuyển hồ sơ, tài liệu đến Công an TPHCM để điều tra, xử lý theo quy định.
Hiện Công an TPHCM đã ghi nhận thông tin vụ việc và giao đơn vị nghiệp vụ có liên quan chủ động nắm tình hình, phối hợp xử lý. Trong diễn biến liên quan, như Báo Điện tử Chính phủ đã thông tin, chiều ngày 26/10 Công an TPHCM đã kiểm tra đồng loạt các trụ sở của nhà xe Thành Bưởi.
Các địa phương cần có trách nhiệm hơn
Xung quanh câu chuyện lùm xùm của nhà xe Thành Bưởi thời gian qua, Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội chia sẻ với Báo Điện tử Chính phủ: Thời gian qua, Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã có nhiều văn bản về việc siết chặt quản lý đối với xe kinh doanh vận tải, nhưng trên thực tế, các địa phương cần có trách nhiệm hơn về vấn đề này.
Ông cho rằng cần đi sâu phân tích trách nhiệm của cơ quan quản lý ngành, trước hết, chính quyền địa phương, Sở Giao thông vận tải TPHCM đã triển khai được những giải pháp gì? Nhìn lại vụ tai nạn đau thương xảy ra cuối tháng 9, mỗi người dân, mỗi cơ quan cần tự kiểm điểm lại trách nhiệm của mình.
"Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành phải một lần nữa "soi" lại vấn đề quản lý giao thông vận tải. Đây là việc phải làm, đáng làm và cần làm đến nơi đến chốn, nghiêm khắc. Nếu chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý để xử lý thì cần bổ sung, hoàn thiện luật", ông Bùi Danh Liên nhấn mạnh.
Khẳng định cần kiên quyết dẹp xe dù, bến cóc để đảm bảo trật tự an toàn giao thông và tránh thất thoát ngân sách trong hoạt động kinh doanh vận tải khách, nguyên phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cũng kiến nghị một số nội dung, như xem xét thu thuế khoán đối với xe vận tải hành khách của các nhà xe; tăng cường sự phối hợp của lực lượng công an và ngành giao thông vận tải theo hướng giảm bớt thủ tục hành chính, tiên lượng được các tình huống bất cập để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân làm ăn chân chính; các địa phương mà cụ thể là các Sở Giao thông vận tải tăng cường quản lý vận tải minh bạch hơn.
Mặt khác, các chuyên gia pháp lý cũng cho rằng, các quy định hiện hành liên quan tới hoạt động của xe khách có thể có những bất cập và hạn chế, cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi và khuyến khích sáng tạo, cạnh tranh lành mạnh của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong khi chờ các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi thì nguyên tắc thượng tôn pháp luật trong một nhà nươc pháp quyền yêu cầu tất cả các chủ thể dứt khoát phải chấp hành nghiêm các quy định hiện hành, nhất là những quy định có liên quan tới tính mạng, sức khỏe người dân.