Khi hãng gọi xe lớn nhất Đông Nam Á - Grab, công bố lợi nhuận ròng quý đầu tiên vào tháng trước, điều này được cho là báo hiệu sự hồi sinh của công ty, theo Nikkei Asia.
Lợi nhuận 11 triệu USD trong ba tháng cuối năm ngoái của Grab là một cột mốc quan trọng. Đây là lần đầu tiên công ty có lãi kể từ khi thành lập cách đây hơn một thập kỷ. Con số này trái ngược khoản lỗ 391 triệu USD cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh đó, công ty cũng công bố chương trình mua lại cổ phiếu đầu tiên trị giá 500 triệu USD.
Nhà sáng lập Anthony Tan cho biết năm 2023 là một năm "then chốt" đối với công ty. "Chúng tôi đặt mục tiêu đạt được một số cột mốc quan trọng và chúng tôi đã đạt làm được", vị CEO nói trong cuộc họp cổ đông hồi tháng 2.
Nhưng các nhà đầu tư vẫn thờ ơ với tin tốt này và bán tháo cổ phiếu Grab. Cổ phiếu Grab giảm hơn 8% vào cuối ngày, trở thành nạn nhân của "mùa đông khởi nghiệp" khó khăn - khi niềm tin vào thị trường đầu tư công nghệ cao của khu vực Đông Nam Á giảm sút.
Kể từ khi niêm yết cổ phiếu cách đây hơn hai năm, giá cổ phiếu của Grab đã giảm 70%. Tuy vậy, công ty này không hề đơn độc. Đối thủ Indonesia của Grab, GoTo và một công ty thương mại điện tử khác là Bukalapak, đều giảm khoảng 80% kể từ khi niêm yết.
Không có hồi kết cho sự sụt giảm giá cổ phiếu trong khi những nỗi lo vẫn còn đó. "Phải mất 10 năm, thậm chí có thể lâu hơn, để chứng kiến giá cổ phiếu của các công ty khởi nghiệp đã được niêm yết của Đông Nam Á, trở lại mức cao nhất", Takeshi Ebihara, nhà sáng lập của Rebright Partners có trụ sở tại Singapore, cho biết.
"Các nhà đầu tư cùng nhiều công ty công nghệ phải chấp nhận rằng họ đang phát triển trong một bong bóng hiếm có, thứ mà chúng ta sẽ không thấy trong vài thập kỷ tới", vị này nói thêm.
Lãi suất cao hơn ở Mỹ được cho là nguyên nhân chính dẫn đến sự suy thoái toàn cầu của các công ty khởi nghiệp công nghệ. Ở Đông Nam Á, "làng khởi nghiệp" đặc biệt gắn liền với cái tên SoftBank Group - nhà đồng hành của nhiều công ty công nghệ hàng đầu khu vực từ đầu, chẳng hạn như Grab và Tokopedia - đơn vị thương mại điện tử của GoTo.
Hai năm trước, quỹ đầu tư Vision Fund của SoftBank Group sụp đổ, nhiều công ty khởi nghiệp của khu vực đã bị bỏ lại mà không có tương lai rõ ràng. Vision Fund là đơn vị đầu tư mạo hiểm với số vốn ban đầu vào khoảng 100 tỷ USD.
Theo nhà cung cấp dữ liệu đầu tư Preqin, khoản đầu tư khởi nghiệp của Đông Nam Á trong quý đầu năm nay giảm xuống khoảng 800 triệu USD, tính đến ngày 18/3. Mức giảm này tương đương với gía trị đầu tư khởi nghiệp của năm 2017.
Với việc huy động thêm vốn trở nên ngày càng khó khăn, các công ty khởi nghiệp trong khu vực sẽ phải trải qua những tình cảnh như đóng cửa, sáp nhập và giảm định giá (các vòng gọi vốn có mức định giá thấp hơn so với trước đây). Đây là cảnh báo của Prantik Mazumdar, một nhà đầu tư thiên thần kiêm Chủ tịch của TiE Singapore.
Trong suốt thập kỷ qua, nhờ các công ty khởi nghiệp này, nhiều lĩnh vực của xã hội đã được chuyển đổi kỹ thuật số. Từ mua sắm trực tuyến đến vận tải hay chuyển tiền ở một khu vực mà khả năng tiếp cận ngân hàng bị hạn chế.
Những năm qua, các công ty này đã ưu tiên tăng trưởng hơn lợi nhuận. Họ tích cực đốt tiền để thu hút thêm người dùng thông qua các chương trình giảm giá và khuyến mãi cho dịch vụ gọi xe và giao đồ ăn.
Nhưng ở hiện tại, khi các công ty này cạn kiệt tiền và thị trường bắt đầu trưởng thành, nhiều người dùng đã bắt đầu cảm thấy khó khăn hơn với các dịch vụ gọi xe và giao đồ ăn, thứ vốn đã trở nên không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của họ.
Mức giá và phí trên nền tảng đã tăng đều đặn trong những năm gần đây. Với viễn cảnh ngành công nghiệp này tiếp tục tối ưu với số ít tên tuổi còn lại trên thị trường, người tiêu dùng sẽ có ít lựa chọn hơn.