Theo BV Nhân dân Gia Định TP Hồ Chí Minh, BV khám khoảng 200 bệnh nhân cấp cứu mỗi ngày, thời điểm bệnh nhân đông thì nhiều người nhà của bệnh nhân cũng đi cùng. BV đã có quy định tại khoa cấp cứu và các y, bác sĩ ở đây cũng thực hiện đúng, tuy nhiên có một số người manh động tấn công nhân viên y tế.
Người nhà bệnh nhân hành hung BS BV Nhân dân Gia Định (Ảnh cắt từ clip)
BS Đinh Hữu Hào, Phó Giám đốc BV Nhân dân Gia Định cho biết, cách đây mấy năm cũng xảy ra tình trạng tấn công nhân viên y tế của BV và đánh nhau trong BV. Nhưng từ khi thực hiện quy trình báo động "Code grey" về an ninh trật tự bệnh viện, tình hình đã được đảm bảo hơn. Khi xảy ra vụ việc, BV báo ngay Công an phường và tùy tình hình, Công an phường báo Công an quận hỗ trợ.
Về việc tình trạng hành hung nhân viên y tế, BS. CKII Trần Văn Khanh, Giám đốc BV Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) cho biết, mới đây nhân viên y tế của BV cũng bị hành hung. Mỗi ngày BV Lê Văn Thịnh khám khoảng 3.000 bệnh nhân ngoại trú, tại khoa Cấp cứu tiếp nhận từ 90 - 110 bệnh nhân mỗi ngày. Trong đó hầu hết là tai nạn giao thông, tai nạn lao động, đánh nhau, đột quỵ… Khoa Cấp cứu luôn trong tình trạng sẵn sàng cấp cứu người bệnh.
Hiện nay BV phân công trực 3 ca 4 kíp, tức là mỗi ca hơn 8 tiếng đồng hồ, trong đó gồm 3 BS và 6 điều dưỡng. Ngoài ra, còn cấp cứu ngoại viện, do đó áp lực đối với nhân viên y tế là rất lớn.
Hiện có tình trạng khi đưa người bệnh tới BV, thường có nhiều người nhà đi cùng và có những ý kiến khác nhau. Người thì yêu cầu giải quyết nhanh, người thì gây áp lực yêu cầu nhân viên y tế phải làm theo ý của họ, người đòi chuyển viện… Trong khi chỉ BS mới biết phải điều trị như thế nào, cần chuyển viện hay không và chuyển bệnh nhân đến BV nào. Điều này phải thực hiện theo quy định của Sở Y tế, nhưng người thân bệnh nhân can thiệp rất nhiều vào chuyên môn của nhân viên y tế, làm cho nhân viên y tế bị phân tâm trong quá trình điều trị cho bệnh nhân.
Về giải pháp để không xảy tình trạng hành hung nhân viên y tế, BS Giám đốc BV Lê Văn Thịnh cho rằng, tại khoa cấp cứu nên có khu sàng lọc riêng để sàng lọc bệnh nhân rồi mới đưa vào khu cấp cứu, sau đó đưa vào các phòng, khoa tiếp theo. Đưa bệnh nhân đến đây thì người nhà bệnh nhân ra khu vực chờ, khi nào hỏi thêm thông tin về người bệnh, nhân viên y tế sẽ mời người nhà vào.
Để làm được điều này thì khoa cấp cứu cần có diện tích đủ rộng, còn tại BV các quận, huyện hầu như diện tích không đủ rộng để xây dựng khu sàng lọc bệnh nhân, do đó gặp nhiều khó khăn để thực hiện. Từ đó mà người nhà đi vào luôn khu vực cấp cứu và nơi người bệnh nằm điều trị, làm cho nhân viên y tế không tập trung. Trong khi nhân viên y tế tập trung điều trị bệnh không chú ý, trường hợp bị hành hung thì không trở tay kịp.
Theo BS Khanh, nhân viên y tế cũng cần tăng cường giao tiếp ứng xử đúng mực, nhanh gọn, chuyên nghiệp, xử trí nhanh các trường hợp cấp cứu, giải thích rõ ràng tình trạng của bệnh nhân. Ở khoa cấp cứu phải có bảng phân loại nhóm bệnh.
Giám đốc BV Lê Văn Thịnh cũng cho biết, BV đã đề xuất với Công an phường nghiên cứu xem có thể cung cấp chiếc khiên để tại khoa cấp cứu của BV để khi có trường hợp tấn công nhân viên y tế, nhất là người tấn công bằng dao… còn có cái để đỡ. Cơ quan Công an có thể cấp mũ có mặt nạ và 1 - 2 bộ áo giáp để bộ phận bảo vệ mặc tiếp cận khống chế người dùng hung khí tấn công nhân viên y tế, trong khi chờ Công an tới.
Hiện nay, tại BV Lê Văn Thịnh, Ban giám đốc đã chỉ đạo đoàn thanh niên tổ chức dạy võ cho nhân viên y tế để nâng cao sức khỏe và biết cách bảo vệ bản thân khi bị tấn công, thậm chí có thể khống chế được người hành hung.