Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 14-3, ông Bùi Quang Anh Vũ - tổng giám đốc Công ty cổ phần phát triển bất động sản Phát Đạt - cho biết doanh nghiệp này tham dự hội nghị "Triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô".
Nhiều doanh nghiệp bất động sản đã vượt qua giai đoạn khó khăn
Ông Vũ cho hay doanh nghiệp này đã có những kiến nghị gửi đến hội nghị liên quan đến thị trường bất động sản và tăng trưởng tín dụng.
Theo ông Vũ, trong năm 2023 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt, đưa ra nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản và thị trường vốn. Nhờ vậy, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã được tháo gỡ về thủ tục pháp lý ở các dự án tiềm năng, nhận được sự tài trợ vốn từ các tổ chức tín dụng và các kênh huy động khác. Nhiều công ty đã vượt qua được giai đoạn khó khăn, tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh, tạo thu nhập cho hàng ngàn người lao động.
Trong đó, doanh nghiệp này cũng đối mặt với những thách thức lớn liên quan đến nguồn vốn và thanh khoản. Tuy nhiên, nhờ vào các giải pháp kịp thời của Chính phủ và sự tin tưởng của các nhà đầu tư, Phát Đạt đã huy động vốn thành công thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, thu về số tiền hơn 670 tỉ đồng, đồng thời doanh nghiệp cũng trả xong khoản nợ trái phiếu.
"Việc huy động thêm được vốn góp và trả hết nợ trái phiếu doanh nghiệp đã giúp giai đoạn tái cấu trúc tài chính diễn ra nhanh hơn, giữ cơ cấu nợ an toàn, tạo nền tảng tài chính vững chắc cho doanh nghiệp trong nhiều năm tiếp theo", ông Vũ nói.
Kiến nghị có chính sách ưu đãi về tín dụng
Ông Vũ cho hay để tín dụng trở lại tốc độ tăng trưởng tốt trong thời gian tới, doanh nghiệp này đề xuất một số kiến nghị với Chính phủ và các bộ ngành.
Thứ nhất: Tiếp tục có chính sách về gói tín dụng ưu đãi; hỗ trợ rút ngắn thời gian phê duyệt. Tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng giải ngân và giảm mặt bằng lãi suất cho vay gắn liền với tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng.
Thứ hai: Tiếp tục có các chính sách hỗ trợ tháo gỡ thủ tục pháp lý cho thị trường bất động sản, để các dự án có đủ điều kiện được giao dịch ra thị trường.
Thứ 3: Đề xuất Chính phủ tích cực chỉ đạo và thành lập tổ công tác xử lý liên bộ ngành để hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp, nhằm tháo gỡ khó khăn một cách kịp thời.
"Chúng tôi tin tưởng rằng với sự quan tâm của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành, thị trường vốn sẽ phục hồi và tăng trưởng trở lại, góp phần thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển", ông Vũ nói.
Trong khi đó, lãnh đạo một doanh nghiệp địa ốc phía Nam cho biết khó khăn nhất của thị trường bất động sản hiện nay đó là thanh khoản chậm, số lượng dự án căn hộ có giá phù hợp với thị trường được tung ra thị trường còn ít ỏi. Trong khi đó, thời gian qua các dự án khởi công, giới thiệu ra thị trường ở TP.HCM đều là các dự án cao cấp, phần lớn giá các căn hộ đều nằm ở ngưỡng trên 100 triệu đồng/m².
Do đó, vị này cho biết nếu khơi thông được các thủ tục pháp lý, đẩy nhanh tiến độ phát triển dự án, thị trường sẽ tăng nguồn cung, đa dạng các sản phẩm, giúp cho người mua nhà có nhiều sự lựa chọn, trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực địa ốc.
Kiến nghị tiếp tục ưu đãi cho vay nhà ở xã hội
Ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM - cho biết Ngân hàng Nhà nước đã ban hành chương trình tín dụng 120.000 tỉ đồng (với lãi suất thấp hơn 1,5-2% lãi suất cho vay thương mại để hỗ trợ chủ đầu tư, người mua nhà tại các dự án nhà ở xã hội và đã có một số tác động tích cực. Tuy nhiên, ông Châu cho hay gói tín dụng 120.000 tỉ đồng mới chỉ giải ngân được 680 tỉ đồng là quá thấp.
Do đó, ông Châu cho rằng cần tiếp tục thiết kế gói tín dụng ưu đãi 110.000 tỉ đồng để thực hiện chính sách nhà ở xã hội với lãi suất cho vay ưu đãi 4,8-5%/năm trong thời hạn tối đa 25 năm.