Thời sự

Ba điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam 9 tháng đầu năm

Kết thúc 9 tháng đầu năm 2023, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức từ bên ngoài khiến khu vực sản xuất công nghiệp hay xuất nhập khẩu sụt giảm nặng nề song diễn biến đang dần tích cực. Tăng trưởng kinh tế quý sau tốt hơn quý trước, các ngành sụt giảm phục hồi trở lại tháng sau tốt hơn tháng trước,....

Phát biểu tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra ngày 30/9, bên cạnh những hạn chế, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương cũng chỉ ra 3 điểm sáng của nền kinh tế trong 9 tháng đầu năm.

Tăng trưởng quý III cao hơn nhiều nước

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương. (Ảnh: VGP).

Trong quý III, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5,33%, tính chung 9 tháng đầu năm tăng trưởng 4,24%. Con số này mặc dù chưa đạt được như mục tiêu mà Chính phủ đề ra song theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương đã "vượt khỏi những mong đợi trước đây của chúng tôi".

So với bối cảnh kinh tế thế giới đang rất khó khăn, mức tăng trưởng của Việt Nam hiện cao hơn các nước trong khu vực nhưMalaysia, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc. So với các nước lớn như khu vực châu Âu hay Mỹ, Việt Nam cũng đạt mức tăng trưởng tốt hơn.

Theo dự báo từ Trading Economics, GDP Quý III/2023 của các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đều nằm trong khoảng tăng từ 0,6% đến 1,4% so với cùng kỳ năm trước. Với Trung Quốc, Trading Economics, dự báo tăng trưởng GDP của nước này đạt 4,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Đơn vị này cũng dự báo tăng trưởng quý III/2023 của Indonesia sẽ đạt khoảng 5,1%; Malaysia 3,9%; Phillipines 6%; Thái Lan 2,4%, Singapore đạt 1,8% so với cùng kỳ năm trước.

"Nhiều chỉ số vĩ mô quan trọng tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước. Mặc dù số không phải quá nhiều, đột phá nhưng như vậy đã là rất tốt", Thứ trưởng nhìn nhận.

Khu vực dịch vụ và bán lẻ tăng trên 9%

Khi thị trường xuất khẩu khó khăn, đơn hàng bị thiếu hụt thì việc thị trường trong nước giữ được đà tăng trưởng là rất quan trọng. Mặc dù phát triển chưa như mong đợi nhưng khu vực dịch vụ và tiêu dùng có đóng góp khá tốt,  tăng trên 9% so với cùng kỳ.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng các năm 2019-2023. (Nguồn: Tổng cục Thống kê).

Tính chung 9 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4.567,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 20,9%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,3% (cùng kỳ năm 2022 tăng 16,6%).

Trong đó, doanh thu du lịch lữ hành 9 tháng năm 2023 tăng trưởng tốt nhất lên tới 47,7% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 26.500 tỷ đồng do nhu cầu du lịch của người dân tăng cao sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 9 tháng năm 2023 ước đạt 500,1 nghìn tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng năm 2023 ước đạt 3.572,1 nghìn tỷ đồng, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 7,0%).  

Đầu tư công lần đầu vượt 50% trong 9 tháng

Tốc độ tăng/giảm vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành 9 tháng các năm giai đoạn 2019-2023 (%). (Nguồn: Tổng cục Thống kê).

Điểm sáng cuối cùng là về đầu tư công, một động lực hết sức quan trọng của nền kinh tế. Trong 9 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công đạt 363.000 tỷ đồng, đạt 51,38% kế hoạch,cao hơn cùng kỳ (46,7%).

"Đây là lần đầu tiên giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng vượt qua 50%. Đặc biệt, không giống các năm khác, vốn kế hoạch năm nay cũng là cao chưa từng có. Số vốn giải ngân tuyệt đối năm nay cao hơn năm ngoái là hơn 110.000 tỷ đồng, đây là con số rất lớn", Thứ trưởng đánh giá.

Vì vậy, Thứ trưởng cho rằng "giải ngân vốn đầu tư công năm nay không hề thấp".

Cùng chuyên mục

Đọc thêm