Xây năng lực thích ứng linh hoạt
"Permacrisis" có nghĩa là "khủng hoảng vĩnh cửu", được từ điển Collins chọn lựa để phản ánh toàn bộ tình hình khủng hoảng của năm 2022. Và với một năm 2023 được dự báo còn nhiều thách thức, chiến lược đầu tiên trong quản trị doanh nghiệp cần được bàn tới là năng lực thích ứng linh hoạt (Agility).
Theo các chuyên gia tư vấn quản trị, đã đến lúc doanh nghiệp cần nhìn nhận nó như một năng lực nền tảng chứ không đơn thuần là kỹ năng phát sinh để ứng phó với những biến động.
Bà Nguyễn Trịnh Khánh Linh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Dale Carnegie Việt Nam, chuyên gia tư vấn chiến lược và cố vấn thực tiễn về quản trị kinh doanh, cho biết có 5 nền tảng cốt lõi để doanh nghiệp thích ứng linh hoạt và duy trì vị thế cạnh tranh trong thời đại số.
Chúng bao gồm: mục đích/sứ mệnh của tổ chức; sự bền bỉ và sức bật (resilience); trí tuệ xã hội (social intelligence; công cụ và quy trình; năng lực hành động để thích ứng (capacity to act).
Đơn cử, để tìm kiếm khách hàng tốt hơn trong một thế giới sức mua được dự đoán có thể giảm, tại sự kiện Trends Summit gần đây, ông Andy Vũ, Nhà sáng lập kiêm CEO DigiMind Group gợi ý chiến lược tiếp thị linh hoạt (Agile Marketing) bên cạnh 4 chiến lược khác dựa trên dữ liệu, dự đoán, ngữ cảnh và tiếp thị tăng cường.
Theo chuyên gia, sự tăng trưởng chóng mặt của các kênh truyền thông xã hội, sự phát triển vượt bậc của thế hệ công nghệ tiếp nối cùng xu hướng thương mại điện tử đang thay đổi toàn diện thói quen của người tiêu dùng.
Vì thế, doanh nghiệp cần nhanh chóng tìm hiểu và linh hoạt thích ứng để đa dạng hóa cách tiếp cận nhằm đáp ứng xu hướng mua sắm của các nhóm người dùng tiếp theo, đặc biệt là thế hệ Alpha (những người sinh sau 2010).
Ngoài ra, khách hàng là công cụ tiếp thị mạnh mẽ nhất. "Bằng cách tạo ra các quy trình thuyết phục họ trung thành với bạn, bạn tiết kiệm được khoản chi phí khổng lồ cần thiết để tiếp cận và thu hút khách hàng mới", ông Andy Vũ nói trong bối cảnh doanh nghiệp có thể đối diện sức ép thắt chặt chi tiêu.
Tìm ra 'vùng xu hướng' phù hợp
Bà Tracy Vũ, Giám đốc chiến lược DigiMind Group, cho rằng doanh nghiệp cần đào sâu phân tích để tìm ra "vùng xu hướng" phù hợp cho mình, thay vì chạy theo hàng loạt xu hướng mới nổi mà không đạt hiệu quả.
"Vùng xu hướng" theo bà là nơi giao thoa giữa mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng với khả năng đáp ứng của nội lực doanh nghiệp và sự phù hợp với môi trường bên ngoài.
Một ví dụ là những doanh nghiệp tiên phong đầu tư sản phẩm xanh sẽ có dư địa phát triển. Theo khảo sát của Nielsen, 73% người tiêu dùng thế hệ millennials (sinh năm 1980-2000) tại Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều tiền hơn cho những thương hiệu bền vững.
"Các xu hướng biến đổi khí hậu, phát triển bền vững được toàn thế giới quan tâm và đang lan đến Việt Nam rất nhanh. Các doanh nghiệp lớn đã xúc tiến triển khai. Với doanh nghiệp nhỏ, có thể hiện tại chưa chú trọng nhưng là những việc chắc chắn phải làm nên cần có lộ trình, kế hoạch để thích ứng với xu hướng này", bà khuyến nghị.
Ngoài ra, cũng theo bà Tracy Vũ, doanh nghiệp nên "khám bệnh" tổng quát mỗi năm để xác định chỉ số sức mạnh hiện có. Mục đích là đào sâu nghiên cứu, khám phá các cơ hội dù nhỏ nhất và khai thác mọi nguồn lực để tạo ra nhiều lợi thế cạnh tranh, giành chiến thắng trong mọi cuộc chơi.
Xác định rõ 'lý tưởng tồn tại'
Báo cáo "Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở Việt Nam" của BambuUP chỉ ra 3 trọng tâm của đổi mới sáng tạo, trong đó có sáng tạo dựa trên "lý tưởng tồn tại". Theo Raj Sisodia, Đồng sáng lập kiêm Đồng chủ tịch Conscious Capitalism, "lý tưởng tồn tại" (Purpose) không chỉ là câu chuyện của tiếp thị hay định vị thương hiệu. Nó chính là giá trị cốt lõi tác động đến mọi khía cạnh của doanh nghiệp.
Harvard Business Review trong năm 2022 cũng từng lấy chủ đề "lý tưởng tồn tại" cho một chuyên đề. Có ba trục để hình thành và phát triển lý tưởng cho doanh nghiệp, gồm: năng lực lõi, văn hóa doanh nghiệp và lý do để tồn tại.
Nếu doanh nghiệp có thể giải quyết các vấn đề xã hội và đóng góp nhiều cho cộng đồng, họ không chỉ có được các giá trị về kinh doanh mà còn có khả năng tác động và lan toả nhiều giá trị nhân văn khác tới con người và xã hội.
"Lý tưởng tồn tại" chính là câu hỏi "Tại sao chúng tôi có mặt trên thế giới này?" của tổ chức, doanh nghiệp, thương hiệu. Nó xuất phát từ cái xã hội cần, cái doanh nghiệp muốn làm từ đam mê và năng lực. Nó cũng giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và tạo giá trị, bao gồm giá trị về tài chính lẫn xã hội.
Bà Tracy Vũ cho rằng những thay đổi như khủng hoảng do đại dịch, biến đổi khí hậu đã khiến các cá nhân và tổ chức trên toàn cầu phải định nghĩa lại các giá trị mới. Điều này cũng tác động mạnh mẽ tới doanh nghiệp, từ đó định hình và tái định nghĩa các mục tiêu, sứ mệnh trong kinh doanh.
"Điều này lý giải gần đây xu hướng tái định vị (rebranding) diễn ra mạnh mẽ không chỉ với các doanh nghiệp lớn mà thậm chí là với các startup", bà Tracy Vũ nói.