Có một sự thật không thể phủ nhận đó chính là thị trường lao động càng ngày càng trở nên cạnh tranh và nhiều thách thức hơn. Các nhà tuyển dụng không chỉ xem xét bằng cấp hay kinh nghiệm làm việc của ứng viên mà còn muốn đánh giá khả năng tư duy và phản ứng linh hoạt của họ. Điều này đã tạo ra một xu hướng mới trong các cuộc phỏng vấn, nơi mà ứng viên cần phải vượt qua không chỉ những câu hỏi mang tính chuyên môn mà còn phải đối diện với những tình huống bất ngờ và khó khăn để chứng minh năng lực và sự thông minh của mình.
Tiểu Ngô (25 tuổi, Trung Quốc) mới đây vừa trải qua một cuộc phỏng vấn đầy đặc biệt như vậy tại một tập đoàn tài chính lớn ở thành phố nơi cô sinh sống. Trải qua nhiều vòng sàng lọc, chỉ còn Tiểu Ngô và 2 ứng viên trụ lại.
Tại buổi phỏng vấn cuối cùng, người phỏng vấn đã hỏi cả 3 một câu hỏi rất lạ: "Trên xe bus, nếu gặp một bà bầu 7 tháng và một cụ ông 70 tuổi cùng lên xe mà khi đó trên xe đã hết ghế trống, bạn sẽ nhường ghế cho ai?" . Câu hỏi khiến 3 ứng viên không khỏi đơ người.
Sau một hồi suy nghĩ, ứng viên đầu tiên trả lời: "Tôi sẽ nhường ghế cho cụ ông. Suy cho cùng, ai trong chúng ta rồi cũng sẽ có một ngày già đi mà. Khi một người già đi, không những họ trở nên chậm chạp hơn mà cơ thể cũng yếu ớt hơn, chỉ ngã thôi cũng có thể xảy ra chuyện lớn. Nếu xe bus không may phanh gấp, cụ ông kia có thể sẽ bị mất thăng bằng và ngã mất. So ra thì phụ nữ mang thai vẫn khỏe mạnh hơn. Mang bầu mà đứng một lúc cũng không sao cả, bác sĩ chẳng khuyên phụ nữ mang thai nên vận động nhiều hơn đó thôi. Nói chung, tôi chọn nhường chỗ cho cụ già 70 tuổi".
Trái ngược với ứng viên đầu tiên, ứng viên thứ hai lại chọn nhường ghế cho bà bầu. Lý giải của ứng viên này đưa ra là: "Bà bầu tức là một người hai mạng đó, nên phải ưu tiên bà bầu hơn chứ. Người già mà vẫn ngồi được xe bus không được xem là người đâu. Mà nhìn người già hiện tại, nhiều người còn khỏe và nhiều sức sống hơn cả thanh niên trai tráng ấy chứ. Nếu là tôi, tôi sẽ nhường ghế cho bà bầu".
Tiểu Ngô là người cuối cùng đứng lên trả lời.
Tiểu Ngũ nói: "Tôi sẽ không nói cụ thể là nhường ghế cho ai cả. Nhưng tôi sẽ đứng dậy khỏi chỗ ngồi của mình, để bà bầu và cụ già tự chọn. Chúng ta chỉ phán đoán mọi thứ qua vẻ bề ngoài nhưng là người trong cuộc, họ sẽ tự đưa ra được lựa chọn có ngồi hay không dựa trên thể lực của mình. Hoặc may mắn hơn, những người xung quanh khi nhìn thấy cảnh tượng đó cũng sẽ có người đứng dậy nhường ghế như tôi. Trong trường hợp này, cả hai đều sẽ có chỗ ngồi. Tôi sẽ không cần đau đầu khó xử vì việc lựa chọn ai với ai nữa."
Sau khi nghe câu trả lời của 3 ứng viên, nhà tuyển dụng cuối cùng đã quyết định thuê Tiểu Ngô. Theo người này, khi gặp vấn đề, Tiểu Ngô đã biết xem xét tình hình tổng thể thay vì sử dụng phán đoán chủ quan của mình để tác động đến ý tưởng của người khác, yếu tố này sẽ giúp ích rất nhiều cho cô trong quá trình làm việc sắp tới.
Có thể thấy phỏng vấn cũng giống như một "cuộc chiến", cuộc chiến này không chỉ giúp làm lộ diện những ứng viên xuất sắc nhất mà còn đẩy cao giá trị của sự sáng tạo và khả năng thích nghi. Những buổi phỏng vấn ngày nay không chỉ là một quy trình đánh giá đơn thuần mà còn là một sân chơi đầy tính nhân văn, nơi ứng viên và nhà tuyển dụng cùng nhau tìm ra tiếng nói chung và phương hướng phát triển trong tương lai. Dù ứng viên có trải qua bất kỳ thử thách nào đi nữa, khả năng tự làm chủ và vững vàng trước những tình huống phức tạp chính là chìa khóa giúp họ mở cánh cửa vào những cơ hội nghề nghiệp mới, đồng thời góp phần vào sự thành công chung của tổ chức mà họ sẽ gia nhập.
Nguồn: Setn