Tài chính

Apple ví một quốc gia ở châu Á như ‘con gà đẻ trứng vàng’, âm thầm đi chiến lược ‘Trung Quốc+1’ dù phải mất cả thập kỷ

Apple ví một quốc gia ở châu Á như ‘con gà đẻ trứng vàng’, âm thầm đi chiến lược ‘Trung Quốc+1’ dù phải mất cả thập kỷ - Ảnh 1.

Trong nhiều năm, Tim Cook luôn lạc quan về Ấn Độ - quốc gia Nam Á đang được đặt niềm tin sau khi Apple dần chuyển trọng tâm ra khỏi Trung Quốc. Dẫu vậy, theo nhiều chuyên gia, sự phụ thuộc của nhà sản xuất iPhone vào đại lục vẫn sẽ còn kéo dài, cụ thể là trong 1 thập kỷ tới, theo Martin Yang, nhà phân tích cấp cao về công nghệ mới nổi tại Oppenheimer & Co.

“Tất cả những thông tin mà bạn đang nghe về Ấn Độ đều rất tuyệt. Theo quan điểm của chúng tôi, đó là một cơ hội lớn trong thập kỷ tới, tuy nhiên, đừng mong đợi mọi thứ thay đổi chỉ sau một đêm”, ông Angelo Zino, nhà phân tích cấp cao của CFRA Research nói.

Theo CNBC, Apple sắp khai trương cửa hàng bán lẻ thứ hai tại Delhi, chỉ 2 ngày sau khi mở cửa hàng đầu tiên tại Mumbai. Tuy nhiên, Nitin Soni, Giám đốc cấp cao của Fitch Ratings cho biết gã khổng lồ công nghệ có trụ sở tại Cupertino này hiện vẫn đang hiện diện mạnh mẽ ở Trung Quốc. Nguyên do là bởi đối tác trong chuỗi cung ứng và năng lực cơ sở hạ tầng tại đây vẫn tốt hơn nhiều so với Ấn Độ.

“Apple sẽ mất nhiều năm để đa dạng hóa ra khỏi Trung Quốc,” Soni nói. “Đất nước này vẫn rất màu mỡ với Apple, không chỉ trong dây chuyền lắp ráp mà cả hệ sinh thái bán dẫn và thử nghiệm”.

Được biết, nỗ lực của Apple nhằm chuyển dây chuyền lắp ráp ra ngoài Trung Quốc đã trở nên cấp bách hơn trong 5 năm trở lại đây, khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung gia tăng còn chuỗi cung ứng gặp nhiều gián đoạn sau COVID-19. Nhà sản xuất iPhone theo đó phải giảm quy mô tại Trung Quốc dù điều này ảnh hưởng phần lớn đến lợi nhuận.

“Ấn Độ có thể lặp lại vai trò của Trung Quốc trong suốt 15 năm qua: Một thị trường rộng lớn với tầng lớp trung lưu mở rộng, qua đó thúc đẩy doanh số bán hàng và hình thành cơ sở sản xuất hàng triệu thiết bị Apple”, tờ CNBC nhận định.

Navkendar Singh, phó chủ tịch của International Data Corporation (IDC) Ấn Độ, cho biết rất khó để Apple loại bỏ hoàn toàn sự phụ thuộc vào Trung Quốc. “Với quy mô chi phí, logistics và một số nhà cung cấp trong hệ sinh thái, Apple không dễ tự rút lui hoàn toàn khỏi đại lục”, Singh nói.

Apple ví một quốc gia ở châu Á như ‘con gà đẻ trứng vàng’, âm thầm đi chiến lược ‘Trung Quốc+1’ dù phải mất cả thập kỷ - Ảnh 2.

Tim Cook luôn lạc quan về Ấn Độ - quốc gia Nam Á đang được đặt niềm tin sau khi Apple dần chuyển trọng tâm ra khỏi Trung Quốc.

Dẫu vậy, việc Apple tiếp cận Ấn Độ chỉ mới đang bắt đầu. Vẫn còn rất nhiều cơ hội đang chờ đợi nhà Táo khuyết nắm bắt, cả về sản xuất chế tạo lẫn doanh số bán lẻ tại quốc gia tỷ dân.

“Khi bạn nhìn vào Ấn Độ ngày nay, nó rất giống với Trung Quốc 15 hoặc 20 năm trước”, Angelo Zino, nhà phân tích cấp cao của CFRA Research, nói. “Hiệu ứng của cải tự nhiên theo thời gian sẽ giúp Apple thâm nhập và nhìn ra tiềm năng doanh thu tại Ấn Độ”.

Theo dữ liệu từ IDC, Ấn Độ là thị trường điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới nếu xét về doanh số hàng năm, chiếm gần 12% thị trường toàn cầu. Apple đã phân phối 6,7 triệu chiếc iPhone vào năm 2022 từ Ấn Độ - quốc gia đang đứng ở vị trí thứ sáu sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh và Đức về số lượng các lô hàng iPhone toàn cầu vào năm 2022.

“Sự gia tăng dân số và cơ hội thuần túy trên khắp Ấn Độ chính là con gà đẻ trứng vàng cho Apple”, Dan Ives, nhà phân tích tại Wedbush Securities, nói. “Thị trường này vốn khó phát triển song giờ đây đang cho thấy những bước tiến của mình”.

Hiện Apple đã sản xuất 5-7% tổng số iPhone tại Ấn Độ - một bước nhảy vọt so với tỷ lệ chỉ 1% vào năm 2021.

“Trung Quốc, Mỹ và châu Âu vẫn là trái tim và lá phổi của Apple, trong khi Ấn Độ trở thành 1 trong 5 thị trường trọng tâm hàng đầu của Apple. Rất hy vọng Ấn Độ có thể là động lực tăng trưởng trong những năm tới,” Ives nói với CNBC qua email.

Hồi tháng 1, Ấn Độ cho biết Apple đang đặt mục tiêu sản xuất 25% tổng số iPhone tại quốc gia này. Ives nhận xét đó là một mục tiêu tham vọng và việc đạt 10% đến 15% sản lượng có vẻ thực tế hơn trong dài hạn.

Theo Singh, Ấn Độ sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất các sản phẩm phức tạp như MacBook. Các sản phẩm nhỏ gọn hơn như đồng hồ thông minh và AirPods cũng sẽ sớm được sản xuất tại Ấn Độ. “Delhi và Mumbai chiếm gần 1/4 thị trường của Apple ở Ấn Độ”, Singh nói, đồng thời cho biết nhiều cửa hàng sẽ có thể được mở vào giữa năm 2024.

Apple ví một quốc gia ở châu Á như ‘con gà đẻ trứng vàng’, âm thầm đi chiến lược ‘Trung Quốc+1’ dù phải mất cả thập kỷ - Ảnh 3.

Nỗ lực của Apple nhằm chuyển dây chuyền lắp ráp ra ngoài Trung Quốc đã trở nên cấp bách hơn trong 5 năm trở lại đây

Dữ liệu của IDC cho thấy Apple chỉ chiếm 5% thị phần tại Ấn Độ do các thiết bị giá rẻ mới là lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc quốc gia này ngày càng áp dụng công nghệ và cải thiện sức mạnh chi tiêu sẽ giúp thúc đẩy doanh số bán iPhone.

“Chúng tôi thấy rằng tầng lớp trung lưu đang trở nên giàu có. Xu hướng khách hàng mua điện thoại thông minh cao cấp vì thế cũng được cải thiện”, Soni nói. “Việc 4G có thể dễ dàng truy cập trên khắp Ấn Độ là một trong những động lực”.

Chi phí lao động rẻ hơn ở Ấn Độ sẽ không làm giảm giá thành iPhone vì khách hàng sẽ sẵn sàng trả giá cao. “Apple vẫn là một thương hiệu cao cấp và họ muốn giữ vững danh xưng này”, Singh nói.

Theo các chuyên gia, Apple là ví dụ điển hình cho việc phụ thuộc quá mức vào dây chuyền sản xuất Trung Quốc. Chính sách Zero-COVID đã khiến sản lượng iPhone của hãng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, từ đó thúc đẩy kế hoạch tìm một quốc gia châu Á mới tiềm năng hơn.

Ấn Độ lúc này trở thành ứng cử viên sáng giá, nhất là sau khi chính quyền Tổng thống Joe Biden áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu. “Ấn Độ có lực lượng lao động lớn, lịch sử sản xuất lâu đời cùng sự hỗ trợ của chính phủ nhằm thúc đẩy công nghiệp và xuất khẩu. Nhiều người đang xem xét xem, liệu Ấn Độ có phải giải pháp thay thế khả thi cho Trung Quốc hay không”, Julie Gerdeman, Giám đốc điều hành rủi ro chuỗi cung ứng nền tảng quản lý Everstream, nói.

Tuy nhiên, nói bao giờ cũng dễ hơn làm. Hi vọng trở thành ‘công xưởng toàn cầu’ của Ấn Độ được nhận định là có phần bất khả thi, bởi Trung Quốc trước nay vẫn là nút thắt quan trọng trong các dây chuyền sản xuất. Tham vọng có thể cung cấp hệ thống cơ sở hạ tầng tích hợp như cảng lớn, đường cao tốc, lao động chất lượng hàng đầu, hay logistics hiện đại, dường như là bài toán mà Ấn Độ rất khó có thể tìm ra lời giải thỏa đáng.

Theo: CNBC, Bloomberg

Cùng chuyên mục

Đọc thêm