Công nghệ

Apple và "cuộc chiến ngầm" chống biến đổi khí hậu

Đặt mục tiêu trung hòa carbon (Carbon Neutral) đang trở thành trào lưu rõ nét của các công ty trên toàn cầu, đặc biệt là những gã khổng lồ công nghệ lớn như Apple, Google, Microsoft, Meta và Amazon. Để giải "bài toán" này, các công ty cần xóa bỏ mọi tác hại đối với môi trường (dấu chân carbon) do hoạt động kinh doanh, sản xuất gây ra. Ngoài đầu tư vào các dự án hấp thụ CO2, điện sạch, bản thân việc vận hành, chế tạo sản phẩm, nguyên liệu cũng cần đạt tỷ lệ tái chế cao, sử dụng năng lượng tái tạo...

Cuộc đua trung hòa carbon trong giới Big Tech không chỉ đơn thuần là cạnh tranh về môi trường mà còn là một cuộc đua về công nghệ, uy tín và lợi thế kinh doanh. Những công ty có chỉ số tốt luôn được đánh giá phát triển bền vững hơn, sự ưu ái từ chính quyền, được lòng người tiêu dùng cũng như thể hiện trách nhiệm với xã hội của doanh nghiệp.

Theo báo cáo năm 2023 của Stand.earth, lượng khí thải tạo ra bởi nhóm Big Tech chiếm 4% toàn cầu, cao hơn cả toàn bộ ngành hàng không gộp lại. Lượng khí thải từ các công ty công nghệ lớn từ 2019 cũng lớn hơn tổng lượng khí thải từ tất cả các hoạt động khai thác Bitcoin kể từ khi được biết đến năm 2009. Phần nhiều lượng khí thải đến từ điện năng vận hành các trung tâm dữ liệu, theo Finshots.

Yêu cầu giảm lượng khí phát thải của các công ty công nghệ vì vậy chưa bao giờ khẩn thiết hơn thế.

Trang trại gió Montague ở Oregon (Mỹ) là một trong những dự án lớn nhất của Apple với công suất 200 megawatt, cung cấp điện cho trung tâm dữ liệu Prineville của Apple.

Trang trại điện gió Montague ở Oregon (Mỹ) công suất 200 megawatt cung cấp điện cho trung tâm dữ liệu Prineville của Apple.

Microsoft từ lâu đã có các dự án mua điện sạch, tối ưu sử dụng điện tái tạo cho các trung tâm dữ liệu, Amazon đầu tư cho hệ thống xe tải chạy bằng điện và đặt mục tiêu trung hòa carbon trong hoạt động kinh doanh năm 2040. Google là công ty sớm đạt được mục tiêu trung hòa carbon trong hoạt động kinh doanh vào năm 2007 nhưng mục tiêu của Apple đặt ra gần đây còn tham vọng hơn khi muốn có Carbon Neutral trong toàn bộ hoạt động kinh doanh, chuỗi cung ứng và vòng đời sản phẩm vào năm 2030.

Cũng theo báo cáo của Stand.earth, Apple chưa hoàn hảo nhưng đến nay, là công ty dẫn đầu khi so sánh về sáng kiến chống biến đổi khí hậu với Dell, Google, HP, Microsoft và Nvidia. Nhà sản xuất iPhone đang là công ty duy nhất trong sáu "gã khồng lồ" công nghệ đặt mục tiêu cho các nhà cung cấp của mình chuyển sang sử dụng hoàn toàn năng lượng tái tạo. Điều này cho thấy cam kết phát triển bền vừng không chỉ là lời nói suông của CEO Tim Cook.

Mac mini 2024 là sản phẩm đánh dấu mốc quan trọng nhất gần đây trong cam kết bảo vệ môi trường của Apple khi là máy tính Mac đầu tiên đạt chuẩn trung hòa carbon. Sản phẩm được sản xuất với hơn 50% vật liệu tái chế trên tổng thể, bao gồm 100% nhôm tái chế trong vỏ máy, 100% vàng tái chế ở lớp mạ trên tất cả bảng mạch in do Apple thiết kế và 100% nguyên tố đất hiếm tái chế trong tất cả nam châm. Lượng điện dùng để sản xuất Mac mini 100% đến từ các nguồn điện tái tạo.

Mac mini 2024, máy tính Mac đầu tiên đạt chuẩn trung hòa carbon của Apple. Ảnh: Tuấn Hưng

Mac mini 2024, máy tính Mac đầu tiên đạt chuẩn trung hòa carbon của Apple. Ảnh: Tuấn Hưng

Trước đó, năm 2023 cũng đánh dấu lần đầu tiên Apple có sản phẩm trung hòa carbon là Apple Watch. Những mẫu đồng hồ của hãng được dán nhãn xanh lá nhờ đáp ứng các tiêu chí trung hòa carbon như 100% điện sạch trong quá trình sản xuất và sử dụng sản phẩm, 30% trọng lượng là vật liệu tái tạo, 50% quá trình vận chuyển không sử dụng vận tải hàng không

Apple là công ty có doanh số thiết bị cao hàng đầu thế giới trong nhiều mảng như điện thoại, máy tính, đồng hồ thông minh. Việc đẩy nhanh chuyển sang sử dụng các vật liệu tái chế có ý nghĩa lớn trong việc giảm phát thải ra môi trường. Nhôm là vật liệu đang được dùng nhiều nhất trong các sản phẩm của hãng và hiện hầu hết đều đã là nhôm tái chế.

Về vận chuyển, Apple đánh giá quá trình di chuyển của các thiết bị chiếm 9% lượng phát thải carbon. Do đó, công ty hướng tới vận tải hàng hóa số lượng lớn bằng đường biển hoặc đường sắt thay vì hàng không. Theo nghiên cứu, tàu biển ít tạo ra khí nhà kính hơn 95% so với máy bay.

Không chỉ Apple, khó khăn với hầu hết các công ty công nghệ lớn là kiểm soát việc sử dụng năng lượng sạch. Ngày nay điều này càng là thách thức hơn khi phần lớn đều có các trung tâm dữ liệu lớn cho các nhiệm vụ khác nhau. Thay vì giảm phát thải trực tiếp trong điện sử dụng, một số công ty lớn như Microsoft, Amazon, Google đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo để "bù trừ" với chỉ số tín chỉ carbon. Apple có cách làm trực diện hơn khi có lộ trình yêu cầu các công ty đối tác, chuỗi cung ứng chuyển 100% sang sử dụng điện sạch vào năm 2030.

Mục tiêu trung hòa carbon trong toàn bộ hoạt động của công ty vào năm 2030 cũng đang sớm hơn từ 10-20 năm so với các công ty lớn khác cũng như nhanh hơn 20 năm so với Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC).

Cùng chuyên mục

Đọc thêm