Nguồn tin của WSJ cho biết những tuần qua, Apple yêu cầu các đối tác nhanh chóng đa dạng hóa chuỗi cung ứng đến các quốc gia châu Á, đặc biệt là Ấn Độ và Việt Nam. Một trong những nguyên nhân là do tình hình căng thẳng trong nhà máy Foxconn Trịnh Châu. Mùa cao điểm, nhà máy lắp ráp iPhone lớn nhất thế giới từng cung ứng 85% sản lượng iPhone Pro cho thị trường toàn cầu nhờ đội ngũ nhân công hùng hậu có lúc lên đến 300.000 người. Tuy nhiên, những bất ổn trong nhà máy khiến vị thế của Foxconn bị ảnh hưởng.
Giới chuyên gia cho rằng ngoài Trung Quốc, nhà máy ở Ấn Độ, Việt Nam cũng đã có thể lắp ráp các thiết bị cao cấp. Tuy nhiên, Apple không dễ thay đổi lập tức khi quan hệ của hãng với các dây chuyền ở Trung Quốc vốn được thiết lập trong nhiều năm. Mỗi năm, hãng đều đặn cho ra mắt iPhone, iPad, MacBook và nhiều sản phẩm khác, vì vậy rất khó "thay ngựa giữa đường".
Kate Whitehead, cựu giám đốc điều hành của Apple, nói: "Việc tìm kiếm đủ các mảnh ghép để đa dạng chuỗi cung ứng như Apple mong muốn không dễ. Nhưng nhà sản xuất iPhone đang tích cực hành động".
Theo Ming-chi Kuo, nhà phân tích tại TF International Securities, mục tiêu dài hạn của Apple là chuyển 40-45% năng lực sản xuất iPhone sang Ấn Độ. Trong khi đó, Việt Nam có thể đảm nhận sản xuất AirPods, Appe Watch và MacBook.
Thống kê cuối tháng 11 của hãng nghiên cứu Couterpoint Research cho thấy khách hàng muốn mua mẫu iPhone 14 cao cấp tại Mỹ phải chờ 37 ngày. Có nghĩa, nếu đặt mua máy hôm nay, người dùng nhiều khả năng không kịp nhận máy vào Giáng sinh mà phải chờ đến tháng 1/2023. Đây là thời gian chờ dài nhất trong suốt 15 năm của iPhone.
Từ lâu, các lãnh đạo Apple đã nhận thức được rủi ro khi quá phụ thuộc nhà máy ở Trung Quốc. Tuy nhiên, những năm qua, họ hành động không dứt khoát. Nguồn lao động ổn định, tay nghề cao và thị trường khổng lồ là những lý do chính khiến Apple chần chừ rời đi. Nhưng những bất ổn ở nhà máy Foxconn Trịnh Châu từ cuối tháng 10, Apple đã phải ra quyết định cứng rắn.
Việc chuyển đến Việt Nam hay Ấn Độ cũng không dễ dàng. Dan Panzica, một cựu giám đốc điều hành khác của Foxconn, cho biết ngành sản xuất của Việt Nam đang phát triển nhanh nhưng không đủ công nhân tay nghề cao. "Việt Nam có 100 triệu dân, các cơ sở sản xuất có thể mở rộng quy mô đến 60.000 người, nhưng con số này không thể so với 'thành phố iPhone" ở Trịnh Châu", ông Panzica nói.
Trong khi đó, Ấn Độ có dân số tương đương Trung Quốc nhưng quy định ở mỗi bang lại khác nhau khiến các công ty đối mặt nhiều thủ tục trước khi lắp đặt dây chuyền sản xuất thiết bị. "Ấn Độ như miền tây hoang dã về luật trong việc xuất, nhập khẩu", Panzica nhận định.
Theo các chuyên gia, trong kế hoạch rời Trung Quốc, Apple có thể sẽ không xây dựng một "thành phố iPhone mới", thay vào đó là các "ngôi làng vệ tinh" để mở rộng chuỗi cung ứng.
(theo WSJ)