Thời sự

"Áp lực tỷ giá chưa quá căng thẳng để NHNN phải có những hành động mạnh tay hơn"

NHNN trở lại hút ròng trên thị trường mở

Cuối năm 2022, lãi suất quỹ liên bang của Mỹ nằm trong khoảng 4,25 – 4,5%. Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến lãi suất sẽ tăng ba lần trong năm 2023, mỗi lần thêm 25 điểm cơ bản và đạt mức đỉnh 4,75 – 5%.

Sau cuộc họp ngày 31/1 – 1/2, lãi suất này được nâng lên khoảng 4,5 – 4,75% và được dự báo sẽ còn tăng thêm hai lần nữa. Tuy nhiên, các dữ liệu kinh tế mới được công bố đang làm thay đổi toan tính của thị trường tài chính cũng như một số nhà hoạch định chính sách.

Các nhà đầu tư hiện kỳ vọng Fed sẽ nâng lãi thêm 25 điểm cơ bản trong ba cuộc họp sắp tới, chứ không phải hai. Điều này sẽ kéo lãi suất quỹ liên bang lên mức 5,4% giữa năm nay. 

Mặc dù đà tăng lãi suất của Fed đã có dấu hiệu chậm lại nhưng khi lãi suất đồng USD vẫn đang trong xu hướng tăng, việc chuẩn bị trước những biến động của thị trường là điều cần thiết trong điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Điều đó cũng được thể hiện trong những động thái mới đây của nhà điều hành trên thị trường liên ngân hàng.

 

NHNN đang từng bước quay lại xu hướng hút ròng trên thị trường mở. Mục đích của các giao dịch này là để đẩy mặt bằng lãi suất VND thị trường 2 (ngân hàng với ngân hàng) lên cao hơn so với lãi suất USD, tạo khoảng cách an toàn, chuẩn bị cho cuộc họp của Fed vào tháng 3 tới, theo SSI Research.

Tính từ đầu tháng 2 đến ngày 3/3, NHNN đã hút ròng khoảng hơn 370.000 tỷ đồng trên thị trường mở, đây là quy mô rút ròng lớn nhất theo tháng kể từ khi NHNN kích hoạt lại kênh bơm/hút vốn trên thị trường mở từ tháng 6/2022. 

Điểm đáng chú ý là NHNN đã phát hành tín phiếu kỳ hạn 91 ngày (vào ngày 15/2) lần đầu tiên kể từ đầu năm 2020 cho tới nay, động thái này đồng nghĩa với việc sẽ kéo dài thời gian rút lượng tiền đồng khỏi thị trường.  

 

Nhờ các động thái này của nhà điều hành, hiện lãi suất cho vay qua đêm giữa các ngân hàng đã trở lại mốc trên 6%/năm, tạo khoảng cách tương đối an toàn so với lãi suất vay USD cùng kỳ hạn, phổ biến ở mức hơn 4,4%/năm.

Theo SSI Research, tình trạng thanh khoản dư thừa trên hệ thống là do tăng trưởng tín dụng đầu năm thấp và một phần do lượng lớn tiền đồng đã chảy ra thị trường thông qua hoạt động mua USD để tăng dự trữ ngoại hối của nhà điều hành. 

Bài toán lựa chọn: Tỷ giá tăng hay lãi suất tăng

Theo quan điểm của ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân của Chứng Khoán Yuanta Việt Nam, trước cuộc hộp tháng 3 của Fed, chúng ta đang gặp một số áp lực như USD tăng góp phần làm tỷ giá cũng tăng trở lại. 

Ông nhắc lại NHNN có hai mục tiêu để điều hành chính sách tiền tệ là kiểm soát lạm phát và tỷ giá. Lạm phát hiện không đáng lo, tỷ giá mới là vấn đề. Vì thế hiện NHNN sẽ tập trung nhiều vào điều hành tỷ giá.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân của Chứng Khoán Yuanta Việt Nam. (Ảnh: NVCC)

Đại diện Yuanta Việt Nam nhìn nhận nhà điều hành không thể tiếp tục bán USD như thời điểm trước do dự trữ không còn quá dồi dào, vì thế sẽ có sự can thiệp về lãi suất. Tuy nhiên hiện tại Việt Nam đang hướng tới mục tiêu giảm lãi suất, hỗ trợ cho thị trường. Vì thế tăng lãi suất lại là bài toán rất khó hiện nay.

"Chúng ta chỉ còn một cách giảm cung tiền đồng trên thị trường, động thái này gián tiếp sẽ đẩy lãi suất tăng lên, như vậy có thể đạt được mục tiêu về tỷ giá nhưng lại không đạt được mục tiêu về lãi suất", ông nói.

Theo nhận định của ông, NHNN triển khai mọi phương án để kiềm chế tỷ giá là chính. "Trong bối cảnh hiện tại, việc kiềm chế cả tỷ giá và lãi suất là điều rất khó. Chúng ta buộc phải chấp nhận một trong hai, tỷ giá tăng hoặc lãi suất tăng, rất khó hài hòa được cả hai", ông nói thêm.

Ông cũng đồng quan điểm với nhiều chuyên gia về khả năng cao Fed sẽ có ba lần tăng suất 0,25 điểm phần trăm. Theo ông dự báo, đến tháng 6, lãi suất quỹ liên bang mới đạt đỉnh 5,5-5,6%. Đồng nghĩa với việc áp lực lãi suất từ nay đến giữa năm vẫn cao.

"Chúng ta vẫn phải chấp nhận lãi suất neo cao, đồng thời đặt mục tiêu tỷ giá không tăng nóng quá. Vấn đề tỷ giá vẫn phải theo thị trường, tăng theo chỉ số USD nhưng mức tăng không cao hơn những đồng tiền khác.

Ngoài ra, lãi suất không một sớm một chiều hạ ngay trong bối cảnh cả thế giới đều tăng. Tôi dự báo nhiều khả năng Việt Nam giữ lãi suất ở mức đi ngang hoặc giảm rất nhẹ, bên cạnh đó kiềm chế đà tăng nóng của tỷ giá", ông Nguyễn Thế Minh nhấn mạnh.

Áp lực tỷ giá chưa quá căng thẳng để NHNN phải có những hành động mạnh tay hơn

Nhận định thêm về việc Việt Nam đang có những sự chuẩn bị gì cho cuộc họp sắp tới của Fed, ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup, nhắc lại việc Fed tăng lãi suất là điều khó tránh khỏi trong kỳ họp vào 3 tuần tới tới sau khi những số liệu về lạm phát và sức cầu trong nền kinh tế tháng 1 được công bố cao hơn dự báo.

Phản ứng của thị trường trái phiếu Mỹ và biến động của USD đã thể hiện khá rõ sự kỳ vọng rằng Fed sẽ cứng rắn hơn trong điều hành lãi suất, điều này cũng nhanh chóng gây áp lực lên tỷ giá USD/VND trong nước.  

Tuy nhiên, theo ông Báu, nếu nhìn nhận một cách chi tiết hơn về diễn biến lạm phát tại Mỹ thì vấn đề cũng không quá đáng lo ngại.

 

Ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup. (Ảnh: DNVV).

Theo ông Báu, tháng 1 là tháng lễ tết nên yếu tố mùa vụ đã đẩy chỉ số giá tiêu dùng tăng mạnh và nhiều khả năng xung lực tăng của tháng 2 và 3 sẽ chậm lại, mặt khác 6 tháng đầu năm 2022 là thời điểm chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ có xung lực tăng rất mạnh nên lạm phát sẽ tự giảm rõ nét trong các tháng tới khi chỉ số lạm phát được tính theo tăng trưởng so với cùng kỳ.

"Với mô hình tính toán của tôi, tôi cho rằng đỉnh của lãi suất quỹ liên bang sẽ khoảng 5,5- 5,75%. Đây cũng là con số mà nhiều đơn vị trong và ngoài nước đã đưa ra dự báo trong thời gian gần đây. Mức lãi suất này đang thấp hơn mức lãi suất tín phiếu 6% mà NHNN Việt Nam duy trì làm 'sàn' của lãi suất liên ngân hàng. Với diễn biến như hiện tại thì áp lực tỷ giá là chưa quá căng thẳng để NHNN phải có những hành động mạnh tay hơn lúc này", CEO WiGroup nói thêm.  

Cùng chuyên mục

Đọc thêm