Sáng 2/7, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường để bầu bổ sung nhân sự.
Theo đó, FLC bầu bổ sung ông Lê Bá Nguyên, ông Doãn Hữu Đoàn và ông Lê Thái Sâm và Hội đồng quản trị; bầu bổ sung ông Nguyễn Xuân Hoà, ông Nguyễn Quang Thái, ông Nguyễn Tri Thống vào Ban Kiểm soát.
Đáng chú ý, Hội đồng quản trị FLC đã họp và thống nhất bầu ông Lê Bá Nguyên là Chủ tịch thay cho ông Đặng Tất Thắng. Ông Thắng sẽ đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị và bà Bùi Hải Huyền giữ chức vụ Phó Chủ tịch thường trực.
Ông Lê Bá Nguyên sinh năm 1977, có trình độ thạc sĩ chuyên ngành quản lý y tế. Ông Nguyên là anh ruột của bà Lê Thị Ngọc Diệp - vợ của cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết.
Được biết, ông Lê Bá Nguyên từng là thành viên HĐQT của Tập đoàn FLC từ 2013 đến 10/2017 và từ tháng 6/2018 đến tháng 6/2020, đồng thời đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT tại các doanh nghiệp như Công ty Cổ phần Dịch vụ Y tế Hà Thành, Công ty Cổ phần Tập đoàn Dược phẩm ATS…
Về phía 2 thành viên còn lại mới được bầu bổ sung vào Hội đồng quản trị, ông Doãn Hữu Đoàn, sinh năm 1982, trình độ cử nhân kinh tế - luật và thạc sĩ kế toán. Ông Đoàn có nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính. Trước khi được bầu vào Hội đồng quản trị FLC, ông Đoàn làm việc tại MBS, giữ chức Chủ tịch Công ty An Khang Phú Thịnh.
Ông Lê Thái Sâm, sinh năm 1964 và hiện không có nhiều thông tin. Ông Sâm được FLC giới thiệu là người am hiểu sâu sắc về môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam và có nhiều quan hệ hợp tác với các quỹ đầu tư, các tổ chức, tập đoàn kinh tế lớn.
Tại đại hội, Ban lãnh đạo Tập đoàn FLC cho biết doanh nghiệp sẽ bắt đầu quá trình tái cấu trúc mạnh trong năm 2022, thông qua nhóm giải pháp trọng tâm, cùng với đó sẽ rà soát, đánh giá lại hiệu quả các ngành nghề kinh doanh cốt lõi cũng như các dự án, lĩnh vực kinh doanh tại các công ty thành viên và công ty liên kết – trên nguyên tắc tập trung ưu tiên các lĩnh vực/dự án khả thi, có hiệu suất kinh doanh tốt hoặc tiềm năng phát triển tích cực trong dài hạn.
Cụ thể, trong lĩnh vực bất động sản, doanh nghiệp sẽ tiếp tục hoàn thiện về pháp lý và xây dựng với các dự án đang triển khai, đảm bảo thực hiện đúng cam kết với nhà đầu tư và địa phương, đặc biệt tại các thị trường trọng điểm như Quảng Bình, Quy Nhơn, Sầm Sơn, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh… Quá trình này cũng được tiến hành song song với việc xúc tiến đầu tư dự án mới tại những thị trường mới.
Với lĩnh vực hàng không, theo lãnh đạo FLC, giá nhiên liệu tăng cao đang tạo sức ép rất lớn lên chi phí hoạt động cũng như lợi nhuận của Bamboo Airways. Bên cạnh đó, các tác động tiêu cực đến từ suy thoái, lạm phát cũng như chính sách chậm mở cửa tại một số thị trường quốc tế…cũng tiếp tục đặt ngành hàng không trước nhiều thách thức, FLC đang tích cực tìm kiếm thêm những nhà đầu tư, những đối tác chiến lược mới để cùng phát triển hơn nữa Bamboo Airways theo đúng các mục tiêu đã đề ra.
Đối với mảng du lịch, FLC cho biết sẽ chú trọng công tác bảo trì định kỳ và nâng cấp cơ sở lưu trú, cơ sở hạ tầng tiện ích hiện có, song song với việc phát triển các quần thể du lịch mới để hoàn thiện hệ thống quần thể nghỉ dưỡng liên kết trên khắp Việt Nam. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh những sản phẩm, dịch vụ có chi phí linh hoạt và tiện ích vượt trội, để đón đầu sự phục hồi của thị trường du lịch hậu đại dịch.