Trong quả nho chứa nhiều kali, một khoáng chất cần thiết để duy trì mức huyết áp khỏe mạnh. Kali trong quả nho giúp giảm huyết áp bằng cách làm giãn động mạch và tĩnh mạch, đồng thời hỗ trợ bài tiết natri, ngăn chặn sự thu hẹp của các động mạch và tĩnh mạch gây tăng huyết áp, theo Healthline.
Viện Y tế quốc gia Mỹ cho biết trong một nghiên cứu kéo dài 8 tuần trên 69 người bị cholesterol cao, họ nhận thấy những người ăn 3 cốc nho đỏ (500 g) mỗi ngày có mức cholesterol toàn phần và LDL (có hại) giảm rõ rệt. Cụ thể, cholesterol toàn phần giảm 6,1% và cholesterol LDL (lipoprotein mật độ thấp) giảm 5,9%. Axit mật - axit steroid có liên quan đến chuyển hóa cholesterol giảm 40,9%. Các hợp chất trong nho có thể giúp cơ thể giảm sự hấp thụ cholesterol.
Theo DailyMail, các nhà nghiên cứu ở California (Mỹ) cho biết những người ăn nho thường xuyên có hệ thống miễn dịch khỏe, vi khuẩn có lợi trong đường ruột đa dạng hơn.
Ngoài ra, trong quả nho chứa chất chống oxy hóa polyphenol giúp giữ cho các mạch máu khỏe mạnh, linh hoạt. Polyphenol và các chất phytochemical khác cũng có thể làm giảm lượng đường trong máu và kiểm soát huyết áp, đồng thời giảm viêm mạn tính.
Trong một nghiên cứu quy mô nhỏ, các nhà nghiên cứu ở Mỹ đã yêu cầu 19 người trưởng thành, khỏe mạnh thực hiện chế độ ăn chất xơ, với hai khẩu phần nho tươi mỗi ngày. Sau 4 tuần liên tiếp, tất cả những người tham gia kiểm tra đều thấy lượng vi khuẩn đường ruột đa dạng hơn, trong đó có một loại liên quan đến điều chỉnh glucose và phân hủy axit béo. So với 4 tuần trước khi ăn nho, mức cholesterol "xấu" ở 19 người này giảm gần 8%.
Theo Eat This, Not That, tác dụng này có thể do nho là nguồn trái cây giàu chất xơ và polyphenol, mang lại lợi ích cho đường ruột và hệ tim mạch. Tiến sĩ, Jieping Yang, làm việc tại Đại học California, Los Angeles (Mỹ), cho biết điều chỉnh ăn uống là cách quản lý cholesterol hiệu quả. Bà khuyên những người có các vấn đề sức khỏe về tim mạch nên tăng cường ăn no mỗi ngày nhằm có lợi cho tim và thúc đẩy sức khỏe đường ruột theo hướng tích cực.