Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, Đơn vị Điều trị Ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cơ sở 3 cho biết, trong y học cổ truyền thận được xem là "gốc rễ của sự sống", điều khiển sự phát triển, sinh sản, điều hòa nội tiết và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe toàn diện của con người.
"Thận có chức năng chủ thủy, tức là điều hòa, phân bố và bài tiết nước. Khi chức năng này rối loạn, có thể dẫn đến phù nề, tiểu ít, tiểu nhiều lần hoặc tiểu đêm, rối loạn chuyển hóa nước. Thận yếu cũng sẽ dẫn đến đau lưng, mỏi gối, răng lung lay, chóng quên, sa sút trí tuệ sớm. Người thận khí đầy đủ thường có tinh thần vững vàng, bền bỉ. Người thận hư thường hay sợ hãi, thiếu tự tin, dễ quên, mất phương hướng", bác sĩ Vũ chia sẻ.
Vậy làm sao để dưỡng thận mỗi ngày một cách hiệu quả? Dưới đây là chia sẻ của bác sĩ Vũ về 3 món ăn bổ thận dễ nấu tại nhà, vừa ngon vừa giúp cơ thể thêm khỏe mạnh theo đúng nguyên lý đông y.
Cháo hạt kê - ý dĩ - hạt sen
Đây là món cháo nhẹ bụng, dễ tiêu, cực kỳ phù hợp với những ai hay mệt mỏi, mất ngủ, tiểu đêm hoặc mới ốm dậy.

Cháo hạt kê - ý dĩ - hạt sen
Ảnh minh họa: AI
Nguyên liệu: Hạt kê 50 g, ý dĩ 30 g, hạt sen 30 g, đường phèn (nếu muốn ngọt).
Cách làm: Ngâm ý dĩ và hạt sen khoảng 1-2 tiếng cho mềm. Nấu với hạt kê và khoảng 1 lít nước, hầm nhỏ lửa 45 phút - 1 tiếng. Khi cháo nhừ, bạn có thể thêm chút đường phèn nếu thích vị ngọt thanh.
Cách ăn: Dùng ấm nóng vào buổi sáng hoặc tối. Một tuần ăn 2–3 lần sẽ thấy giấc ngủ cải thiện rõ rệt.
Món này phù hợp cho người mất ngủ, người lớn tuổi, trẻ em chậm lớn, người mới hồi phục sau bệnh.
Canh đuôi bò hầm kỷ tử - hoài sơn - đỗ trọng
Món canh này dành cho ai hay đau lưng, mỏi gối, yếu sinh lý, chân tay lạnh, đặc biệt là người lao động nặng hoặc dân văn phòng ngồi nhiều.
Nguyên liệu: Đuôi bò 500 g, kỷ tử 20 g, hoài sơn 30 g, đỗ trọng 20 g, hành, gừng, gia vị.
Cách làm: Đuôi bò rửa sạch, trụng sơ, cắt khúc. Hầm với đỗ trọng và hoài sơn trong 1,5 - 2 giờ. Sau đó cho kỷ tử vào, hầm thêm 15 phút rồi nêm nếm vừa ăn.
Cách ăn: Dùng nóng cùng cơm trắng. Một tuần ăn 1-2 lần để duy trì hiệu quả.
Món ăn này sẽ dành cho nam giới yếu sinh lý, người bị đau lưng kinh niên, phụ nữ sau sinh, người cao tuổi.
Bác sĩ Vũ lưu ý không dùng khi đang sốt hoặc có triệu chứng viêm nhiễm cấp tính.

Canh đuôi bò hầm kỷ tử, hoài sơn, đỗ trọng
ẢNH MINH HỌA: AI
Trứng gà chưng hà thủ ô - táo đỏ
Món ăn này có tác dụng bổ huyết, dưỡng tóc, làm đẹp da vừa giúp bổ thận âm, đen tóc, mịn da, ngủ sâu giấc.
Nguyên liệu: Trứng gà ta 2 quả, hà thủ ô 20 g, táo đỏ 5 quả, mật ong (tùy chọn).
Cách làm: Sắc hà thủ ô với 300 ml nước trong 30 phút. Lấy phần nước sắc, đập trứng vào chén cùng táo đỏ và nước sắc. Chưng cách thủy 15-20 phút. Thêm mật ong nếu muốn vị ngọt.
Cách ăn: Dùng buổi sáng hoặc chiều, cách bữa ăn chính 1–2 tiếng. Ăn mỗi tuần 2-3 lần là lý tưởng.
Món ăn này phù hợp cho người tóc bạc sớm, thiếu máu, da khô, phụ nữ sau sinh hoặc người lao động trí óc nhiều.
"Để món ăn phát huy tác dụng bổ thận thì việc ăn đúng món, đúng lúc rất quan trọng. Mỗi món chỉ nên dùng 1-3 lần mỗi tuần, không nên lạm dụng. Kết hợp nghỉ ngơi hợp lý, thể dục nhẹ nhàng và giữ tâm trạng ổn định. Với người có bệnh nền, nên hỏi ý kiến thầy thuốc trước khi áp dụng", bác sĩ Vũ chia sẻ.
Tiểu mục "ĂN NGON - ĂN KHỎE" đăng tải các bài viết liên quan đến:
Dinh dưỡng và sức khỏe: Cung cấp thông tin về chế độ ăn uống lành mạnh, lợi ích của thực phẩm đối với cơ thể.
Thực phẩm và công dụng: Giới thiệu các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, cách kết hợp thực phẩm để tối ưu sức khỏe.
Công thức nấu ăn: Hướng dẫn chế biến món ăn ngon, tốt cho sức khỏe, phù hợp với từng nhu cầu như giảm cân, tăng cường miễn dịch, tốt cho tim mạch...
Xu hướng ăn uống: Các phong cách ăn uống phổ biến như keto, Địa Trung Hải, thực dưỡng...