Có lẽ chúng ta đã quá quen với những case study về đầu tư theo kiểu: Mua đất nền ven đô vài năm tăng giá gấp đôi - gấp 3, mua vàng đợi nó lên đỉnh rồi bán chốt lời... Nhưng cách đây không lâu, hàng loạt những mỹ nhân trong showbiz khiến dân tình há hốc về chuyện mua túi hiệu - đồng hồ hiệu, vài tháng thôi đã lời x2 - x3 giá .
Tất nhiên nếu bạn là một người không am hiểu về thời trang, câu chuyện mua túi đầu tư nghe có vẻ xa lạ. Nhưng với những người chơi hệ giao dịch với các tay buôn đồ hiệu có máu mặt trên thị trường, câu chuyện ôm hàng túi Hermès Birkin hay Kelly rồi đợi nó tăng giá đã âm ỉ trong nhiều năm trở lại đây rồi.
Muốn biết rõ hơn về nó, xin mời gặp Ngọc Thanh Tâm - ái nữ duy nhất của bà Trịnh Thị Bích Hằng - Chủ tịch HĐQT Hải Vương Group, người đang khiêm tốn sở hữu hàng loạt chiếc túi Hermès đắt đỏ và tăng giá vùn vụt trong suốt thời gian qua.
Nếu muốn mua chiếc Hermès cá sấu bạch tạng, thì đi ra ngoài mua miếng đất còn dễ hơn!
Bạn nghĩ mua túi hiệu và mua nhà cái nào dễ hơn?
Cái nào cũng đều cần cái duyên. Đôi khi mình có tiền và rất thích mảnh đất đó, nhưng người bán họ khó chịu, không muốn bán thì chịu thôi. Túi hiệu cũng vậy, đôi khi mình thích chiếc túi đó quá, mình cũng định mua mà mua không kịp, hoặc người bán hàng “hét” giá không chấp nhận được thì “xu” luôn.
Nhưng mà để nói là mua đất, mua túi hiệu cái nào khó hơn thì còn phải tùy thuộc vào miếng đất đó nằm ở đâu và túi hiệu bạn mua là túi gì. Ví dụ như nếu nói mua những chiếc Hermès cá sấu bạch tạng chẳng hạn, thì đi ra ngoài mua miếng đất còn dễ hơn.
Chiếc túi hiệu đầu tiên mà bạn sở hữu, nó “tròn méo” thế nào?
Tôi không thể nhớ nổi cái túi đầu tiên trị giá bao nhiêu tiền, của hiệu gì, màu gì hay mua từ bao giờ, bởi vì đã quá lâu rồi. Nhưng sai lầm “đầu tiên” thì tôi lại nhớ rất kĩ, đó là cái túi Hermès Birkin. Bởi vì tôi mua mà bản thân chưa có kiến thức cơ bản về chất liệu, form… Đơn giản họ đưa giá bao nhiêu tôi trả bấy nhiêu chứ không đủ kiến thức để nhận biết được khi “đầu tư” cái túi này, bản thân có thể mua với giá rẻ hơn.
Thậm chí, bây giờ đó là túi giả hay túi thật với tôi nó vẫn mãi là một bí ẩn. Tôi vẫn không dám đi chứng minh túi này là giả hay thật. Vì không muốn tin là mình bị lừa. Hiện tại tôi cứ sống trong ảo tưởng túi đó là thật, chỉ là mình mua đắt thôi.
Hỏi một câu nghe “vĩ mô” hơn nhé, tại sao phụ nữ - đàn bà lại cần một cái túi?
Tôi nghĩ nó bắt nguồn từ cách marketing của những công ty lớn, không chỉ riêng túi đâu mà kim cương cũng như vậy. Câu “Diamond Are A Girls Best Friend” cũng từ những công ty kim cương mà ra thôi. Ngày xưa kim cương cũng chỉ là 1 loại đá quý bình thường, nhưng họ đã PR nó lên thành 1 thứ để phụ nữ khẳng định đẳng cấp. Kim cương bây giờ thành “văn hoá” mất rồi.
Câu chuyện cái túi hiệu làm nên đẳng cấp của một người phụ nữ cũng vậy. Chẳng hạn như Hermès đi, họ biến dòng túi Birkin và Kelly trở nên đắt đỏ, làm đàn bà phải đi săn lùng nó một cách chật vật nhất. Chứ cái túi với công nghệ bây giờ, làm ra nó đâu có khó?
Lý thuyết bạn nói nghe rất “okela”, nhưng trông dãy túi phía sau lưng thì Ngọc Thanh Tâm cũng không tỉnh táo lắm nhỉ?
Câu này bạn đánh vào tim tôi nhỉ?
Nếu phân tích lý do tại sao lại đam mê túi thì tôi rất tỉnh táo. Nhưng tôi đã lỡ mê rồi nên không còn tỉnh táo nữa. Tôi cũng nằm trong dòng chảy bị các brand lớn “marketing” và khi lớn lên, tôi cũng khát khao muốn sở hữu chúng. Cơn nghiện túi nó lớn lên theo từng ngày. Tôi tin chắc chắn phải đến 80 đến 90% các cô gái đồng ý với quan điểm này của tôi: Chúng ta đều cuồng túi hiệu và không tỉnh táo để vượt qua cám dỗ của nó!
Hãy kể lại hành trình gian nan mà bạn đi săn túi “cục cưng” nghe xem nào!
Gu của tôi hơi khác số đông. Ví dụ với những chiếc túi Hermès, người châu Á sẽ đi tìm size 25 hoặc nhỏ hơn. Đây cũng là size túi được dân buôn săn lùng và có thể “đầu tư” được. Nhưng tôi thích size 30.
Yêu cầu của tôi không có gì phức tạp: Một chiếc túi Hermès size 30, khoá bạc, màu đen và da không dễ bị trầy. Nhưng tìm mãi không ra, được cái này mất cái khác. Mãi cho đến 1 ngày tôi tìm được đúng thứ tôi thích, bất chấp việc tôi đã mua được 1 loại tương tự thì tôi vẫn “chốt đơn” vì bản thân đã tìm nó quá lâu rồi!
Bạn có hối tiếc khi chần chừ mãi rồi cuối cùng lại không mua túi bạch tạng hay không?
Tôi rất tiếc về những quyết định hơi chậm trễ của mình cho những chiếc túi size 25 hoặc những chiếc túi da cá sấu. Mặc dù ngày xưa tôi biết nó rất đắt nhưng, 6 tháng sau, 1 năm sau tôi cứ ngồi suy nghĩ xem mình có nên mua không thì lúc đấy giá đã tăng mà mình không biết rồi. Cho nên, tôi cảm thấy nếu muốn đầu tư vào những chiếc túi đó thì hãy làm ngay chứ suy nghĩ, nó càng tăng lại càng tiếc .
Nhiều người bị lừa đầu tư túi giả, họ im lặng vì mắc cỡ là một phần, nhưng cũng vì danh dự của họ lớn hơn cái túi!
Bạn có cảm thấy sốc khi túi hiệu tăng giá vùn vụt?
Nếu nói am hiểu đồ hiệu để đầu tư thì tôi không rành. Gần đây thấy Chanel bắt đầu tăng giá nên tôi bắt đầu tò mò tự hỏi những chiếc túi cũ mình đã mua nó lên tới ngưỡng nào, bán ra thì lời được bao nhiêu… Tôi hỏi bạn bè và cả những người bán túi cho mình thì phát hiện ra; có những cái túi tôi đã mua, hiện tại giá đã tăng gấp đôi. Tự nhiên tôi nghĩ: Wow, vô tình mình lại thành một nhà đầu tư?
Khi mua túi, thì đúng là tôi mua vì sở thích, xác định khi sử dụng sẽ thành tiêu sản. Nhưng hoá ra có một số món đồ mình mua nó là tài sản. Người ta thậm chí còn nói khi mình mua Hermès, số tiền đầu tư đó nó còn tăng nhiều hơn là vàng nữa.
Chiếc túi nào bạn đang sở hữu đã tăng “khủng khiếp” nhất, và liệu có phải cứ là túi Hermès thì sẽ mang đi đầu tư được không?
Ngày xưa tôi có mua một chiếc túi, vì tôi thích màu hồng, da và màu rất hiếm, giá 16 nghìn đô, bây giờ đã lên tới 33 nghìn đô, tức là tăng gấp đôi. Tôi nghe mà sốc luôn. Tôi nhận ra, nếu muốn mua túi mà thấy nó có khả năng sinh lời thì mọi người nên quyết định nhanh. Vì chỉ cần nửa năm, một năm thì giá đã thay đổi rồi.
Ví dụ như chiếc Birkin Himalayan nổi tiếng, theo tôi biết vào năm 2020 giá khoảng 160 nghìn đô, tới một năm sau nó đã tăng khoảng 70 nghìn đô là lên khoảng hơn 200 nghìn.
Chiếc túi Hermès Birkin da cá sấu bạch tạng trứ danh mà Ngọc Thanh Tâm nhắc tới (Ảnh minh hoạ)
Nhưng bù lại không phải cứ Hermès thì sẽ tăng giá mà nó còn tùy thuộc vào cái size mà bạn có, màu có hiếm hay không. Nếu là size to, màu đại trà thì không tăng giá nhiều vì người ta không thích, không có nhu cầu. Chỉ có những cái gì hiếm, nhu cầu cao thì giá mới tăng thôi. Đó là lý do vì sao những chiếc túi size 25 mà tôi có tăng giá một cách khủng khiếp, còn túi size 30 chỉ tăng ít thôi. Có những chiếc túi còn lỗ nữa.
Thị trường túi hiệu ở Việt Nam hiện nay như thế nào, là người trong ngành bạn thấy nó đang vận hành ra sao?
Tôi không biết cách săn túi như thế nào. Nhưng các bạn đó kiếm được những cái túi rất hiếm. Nếu tự đi mua, chắc phải mua từ vài chục đến cả trăm nghìn đô thì nhân viên store đồ hiệu mới giới thiệu túi cho mình mua mất. Thị trường tôi đánh giá là rất sôi động, quan trọng là bạn phải biết thị trường nó đang nằm ở đâu thôi.
Nếu tôi là một tay lơ ngơ, liệu tôi có nguy cơ lừa đảo trong thị trường không?
Có chứ! Ngay cả tôi chẳng hạn, tôi đâu dám chuyển khoản liền mấy trăm triệu cho người ta nếu như không biết họ là ai. Về bản chất, việc mua sang tay thế này 100% đều dựa vào sự tin tưởng. Trước khi mua, tôi phải tìm hiểu xem họ đã từng bán túi cho ai, gia cảnh của họ thế nào. Chẳng hạn như túi tôi mua cũng từ một bạn rich kid, tôi tin tưởng họ sẽ không lừa tôi. Chứ còn ai đã giao dịch túi hiệu kiểu này cũng biết, làm gì có biên bản hay hợp đồng gì để chứng minh.
Đã có trường hợp nào bị lừa đảo nhưng vì danh tiếng mà không lên tiếng?
Tôi biết một vài trường hợp bị đánh tráo túi trong quá trình giao dịch. Một stylist hay trợ lý không lương thiện đã đánh tráo túi để bán túi hiệu đó. Nhưng chị đó không làm lớn chuyện đó lên, một phần cũng vì muốn cho họ con đường sống, thứ hai là nếu làm to chuyện đó lên thì rất phiền phức. Tôi nghĩ đôi khi có một số người họ bị lừa tiền như vậy, họ cũng không dám lên tiếng, nói nhiều đâu vì họ bị mắc cỡ đấy, danh dự của họ giá trị hơn cái túi gấp nhiều lần.
Người chơi đồ hiệu có một loại khoái cảm "âm ỉ" mà chỉ ai đang cầm túi trên tay mới hiểu
Ở góc nhìn của một người xài túi thật, bạn có nghĩ mang túi giả thật là… xấu hổ?
Theo tôi, thà mang những chiếc túi đồ hiệu bình dân như Zara còn hơn là xài túi giả. Vì Zara thực ra có rất nhiều mẫu đẹp, tôi cũng đeo túi Zara nữa. Thế nên, nếu có thể mua thì hãy mua còn không thì sử dụng những túi hàng hiệu bình dân thì tốt hơn là mình dùng túi giả. Bạn mang một chiếc túi hiệu mà nó không thật, nó sẽ cho người ta cái cảm giác… mình đang đua đòi mà đua không tới vậy.
Đàn ông có xe hơi để họ thể hiện đẳng cấp, với phụ nữ liệu đó có phải là cái túi?
Có một chuyện này mà thật sự chỉ những người chơi túi mới hiểu nhau. Chẳng hạn như khi mang túi hiệu ra đường, những người chơi đồ hiệu hoặc tìm hiểu về đồ hiệu họ sẽ nhìn ra ngay với “ánh mắt săn mồi tinh tế”. Sướng là sướng chỗ đó! Khi mà mình mang 1 cái túi, người khác nhận ra mình đang mang cái gì, bao nhiêu tiền. Tôi gọi đó là sự phấn khích “âm ỉ” mà những người sưu tầm mong muốn được nhận về nữa.
Ngoài cảm giác đã cái nư cho bản thân thì thật sự người chơi túi hiệu cũng mong có được một lời khen tinh tế từ người nhìn.
Cầm chiếc túi mà có giá như bằng cả một căn nhà như Hermès đi, bạn “nâng niu” nó thế nào?
Primmy Trương nói với tôi “cái túi của mày có khi cần cái ghế ngồi riêng”, sự thật nó cũng đúng như vậy. Anh Dương Triệu Vũ có kể tôi nghe về 1 trường hợp rất mắc cười. Người chị đó là một trong những người đầu tiên của showbiz Việt sưu tầm túi hiệu Hermès. Lúc đi sự kiện, chị đó có bỏ túi hiệu bên cạnh mình, vô tình có người hất nước về phía chị thì chị liền quay người qua, lấy thân mình đỡ cho chiếc túi.
Nói chung, để nói về chơi túi hiệu thì có nhiều cái rất mắc cười, kiểu nó hơi kỳ quặc nhưng mà đó mới chính là cái thú của những người sưu tầm đồ hiệu.
Nhưng cũng có người từng phát ngôn về túi hiệu thế này: “Nếu tôi đi trúng trời mưa thì tôi sẽ lấy túi để che”. Đó là vì họ quá giàu nên không yêu túi hay sao?
Người ấy giống mẹ tôi. Mẹ không phải là một người giữ túi giống như tôi. Đối với mẹ, những cái gì mình mua liên quan đến sử dụng thì đó đều là tiêu sản, không phải tài sản nên mẹ tôi không có nhu cầu biết nó đã tăng lên bao nhiêu tiền hoặc mình muốn bán thì như thế nào. Chẳng hạn như mẹ sẽ để túi dưới đất thay vì cần một cái ghế, cầm túi che nắng - che mưa. Nói vậy không có nghĩa là mẹ tôi không quý túi, chỉ là mẹ tôi quý bản thân hơn thôi.
Mẹ tôi cũng hay nói “một đời ta, ba đời nó”; tôi thấy cũng đúng, nhưng thật sự nghĩ đến số tiền mình bỏ ra để mua thì tôi không đành để đối xử với nó như vậy. Thỉnh thoảng tôi nghĩ mình cũng nên học tính cách đó của mẹ mình, đã tốn tiền cho nó mà, sao mình phải cực khổ vậy?
Câu cuối: Mua đồ hiệu thì có được trả giá không nhỉ?
Tôi có một cái đồng hồ Rolex. Đây là cái đồng hồ đầu tiên tôi mua. Trước đó tôi nghe đồn vào Rolex thì có thể trả giá, tôi vào mua và trả giá thử. Lúc đầu họ báo tôi giá là 12-13 nghìn Euro. Tôi cũng ngại nhưng tôi thử trả giá xuống: “Cái này 10 nghìn Euro được không?” thì họ bắt đầu bấm máy tính xong họ ngước lên và trả lời tôi “Ok”.
Tôi tiếc quá, nghĩ hay có khi trả xuống 8 - 9 nghìn đô xem, nhưng mà vì sĩ diện nên không dám trả thấp hơn. Cơ mà bạn thấy đấy, đồ hiệu nhiều khi trả giá còn dễ hơn ở ngoài chợ.
Cám ơn bạn vì cuộc trò chuyện này!