CTCP Xây dựng Sông hồng Bắc Việt vừa công bố giao dịch mua vào 27,05 triệu cổ phiếu OGC của CTCP Tập đoàn Đại Dương, qua đó chính thức trở thành cổ đông lớn với tỷ lệ sở hữu lên đến 9,02% vốn từ ngày 8/12/2023.
Xét theo diễn biến giao dịch tại phiên ngày 08/12, khối lượng khớp lệnh của cổ phiếu OGC là 596.900 cổ phiếu, còn giao dịch thỏa thuận không có cổ phiếu nào.
Do đó, nhiều khả năng Sông Hồng Bắc Việt gia tăng sở hữu không thông qua mua trực tiếp mà thực hiện hoán đổi. Tạm tính theo thị giá kết phiên 08/12, lượng cổ phần này ước tính khoảng 197 tỷ đồng.
Hiện cổ phiếu OGC cũng đang trong diện cảnh báo do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên BCTC tại ngày 30/09/2023 âm 2.595 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu, Xây dựng Sông hồng Bắc Việt là doanh nghiệp non trẻ mới thành lập vào ngày 1/12/2023, trụ sở chính tại Hà Nội. Lĩnh vực chính là tư vấn đầu tư tài chính, kinh doanh bất động sản, tư vấn quản lý.... Người đại diện pháp luật là Tổng Giám đốc bà Đinh Thị Nhi (SN 1994).
Vốn điều lệ công ty hơn 189 tỷ đồng, 3 cổ đông sáng lập là cá nhân gồm: Nguyễn Đức Tâm sở hữu nhiều nhất với 47,7% vốn (tương đương hơn 9 triệu cổ phần); Lê Thanh Hải chiếm 46,46% vốn với gần 8,8 triệu cổ phần và bà Đặng Thị Thuỷ với 5,84% vốn.
Trong số các cổ đông nói trên, ông Lê Thanh Hải (trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) là Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của CTCP Đầu tư hạ tầng Đô thị Thăng Long tại Nghệ An. Doanh nghiệp thành lập tháng 7/2009 trụ sở tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, doanh nghiệp này không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký.
Còn bà Đặng Thị Thủy (sinh năm 1994,trú tại Nghệ An) đang là Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Thương mại Kim Sa. Doanh nghiệp này thành lập tháng 12/2021, trụ sở chính tại: Số 411, đường Nguyễn Tam Trinh - Phường Hoàng Văn Thụ - Quận Hoàng Mai - Hà Nội. Bà Thủy mới gia nhập doanh nghiệp này từ tháng 6/2023.
Về OGC, đây từng là tập đoàn đa ngành hàng đầu với quy mô hàng chục công ty con hoạt động trong đủ mọi lĩnh vực từ bất động sản, du lịch - nghỉ dưỡng, truyền thông, chứng khoán, ngân hàng, thương mại...
Hệ sinh thái Đại Dương gắn với tên tuổi của doanh nhân Hà Văn Thắm. Giai đoạn 2007-2010, trước thềm chào sàn, OGC chứng kiến sự tăng trưởng thần tốc. Với số vốn chỉ 10 tỷ đồng năm 2007, 3 năm sau đó công ty đã nhanh chóng tăng vốn lên 2.500 tỷ và tăng lên 3.000 tỷ đồng năm 2011.
Ở thời kỳ đỉnh cao 2010-2013, lợi nhuận OGC đạt hàng nghìn tỷ mỗi năm, thuộc Top doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất sàn chứng khoán. Năm 2013 trước khi xảy ra biến cố về nhân sự cấp cao, tổng tài sản của OGC đạt hơn 11.400 tỷ với quy mô vốn chủ sở hữu hơn 3.200 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau khi Chủ tịch Hà Văn Thắm vướng vòng lao lý cuối năm 2014, OGC bắt đầu chuỗi ngày suy thoái khi hoạt động chỉ xoay quanh điệp khúc thua lỗ và bán tài sản.
Năm 2018, nhóm cổ đông mới xuất hiện tại OGC nhưng vướng vào những lùm xùm liên quan đến nhóm cổ đông của ông Hà Văn Thắm và những người liên quan. Tại ĐHĐCĐ năm 2022, đại diện của IDS Equity Holdings được bầu làm Chủ tịch OGC.