Ajeya Cotra, chuyên gia nghiên cứu các rủi ro AI của Open Philanthropy, cho rằng AI đã bắt đầu vào thời kỳ hoàng kim. Hai năm trước, bà ước tính 15% khả năng có một AI xuất hiện và khiến xã hội thay đổi trên quy mô lớn năm 2036. Nhưng trong bài viết trên blog tuần trước, sau khi nghiên cứu về GPT-3, bà đã tăng cơ hội này lên 35%.
"AI có thể phát triển như một món đồ chơi đáng yêu và vô dụng thành sản phẩm có công năng mạnh mẽ trong thời gian ngắn. Đã đến lúc mọi người nghiêm túc với AI, bởi nó có thể sớm thay đổi mọi thứ theo cách đáng sợ", Cotra nhận định.
Đồng quan điểm, Kevin Roose, tác giả cuốn Futureproof: 9 quy tắc cho con người trong thời đại tự động hóa, nói: "Trong vài ngày qua, tôi đã vui đùa với Dall-E 2, phần mềm do OpenAI ở San Francisco phát triển, có thể biến văn bản thành hình ảnh. Tôi nhanh chóng bị ám ảnh".
Roose cho biết, ông dành hàng giờ để nghĩ ra những câu lệnh kỳ cục, hài hước và trừu tượng để thách thức Dall-E 2, chẳng hạn "bản vẽ 3D của một ngôi nhà ngoại ô có dáng giống chiếc bánh sừng bò" hay "bản phác thảo bằng than của hai con chim cánh cụt uống rượu trong một quán rượu kiểu Paris". Trong vài giây, AI tạo ra hình ảnh mô tả yêu cầu mà ông nhận xét là "mang tính hiện thực đáng kinh ngạc".
"Điều ấn tượng không chỉ là nghệ thuật nó tạo ra, mà là cách nó tạo ra nghệ thuật", Roose nói. "AI này không dùng ảnh tìm được hoặc tổng hợp từ Internet. Thay vào đó, chúng là những sáng tạo hoàn toàn mới". Sự sáng tạo của Dall-E 2 được thực hiện qua một quá trình phức tạp được gọi là Diffusion. Ban đầu, AI tập hợp một loạt pixel ngẫu nhiên, rồi tinh chỉnh nhiều lần cho đến khi khớp với mô tả văn bản mà người dùng đưa ra.
AI của OpenAI thu hút nhiều sự chú ý trong năm nay. Theo các chuyên gia đầu ngành, đây là công nghệ ấn tượng và có ý nghĩa lớn đối với bất kỳ ai, nhất là người làm việc trong lĩnh vực đồ họa như họa sĩ, nhà thiết kế, nhiếp ảnh gia... Tuy vậy, nó cũng đặt ra những câu hỏi quan trọng, rằng nghệ thuật được tạo từ AI có thể bị sử dụng cho các mục đích xấu hay không.
Thung lũng Silicon cũng bắt đầu thay đổi cách nhìn về AI. Trước đây, không ít chuyên gia nói công nghệ này sẽ mất cả thập kỷ hoặc hơn mới có thể đạt được tiến bộ. Nhưng hiện tại, không ít người tin thay đổi lớn đang ở ngay trước mắt, dù tốt hơn hay xấu hơn.
Đến nay, AI đã có nhiều ứng dụng thay vì chỉ nằm trong phòng thí nghiệm như thập kỷ trước. Chúng có mặt trên các công cụ kiểm duyệt và đề xuất nội dung của Facebook, TikTok hay YouTube, hoặc phần mềm trong lớp học, ngân hàng hay được cảnh sát dùng để phân tích tội phạm.
Sự biến đổi của AI
Trong 10 năm qua, giai đoạn được một số nhà nghiên cứu gọi là "thập kỷ vàng", AI phát triển với tốc độ chóng mặt. Điều đó được thúc đẩy bởi sự tiến bộ của hàng loạt công nghệ liên quan như học sâu, cũng như sự ra đời của phần cứng chuyên dụng để chạy mô hình mô phỏng khổng lồ và chuyên sâu về tính toán.
Chỉ 5 năm trước, câu chuyện gây chú ý nhất trong thế giới AI là AlphaGo - một mô hình deep learning do DeepMind của Google xây dựng - gây bất ngờ bằng việc đánh bại người chơi cờ vây giỏi nhất thế giới. Việc huấn luyện AI để giành chiến thắng trong trận cờ vây chưa hẳn là điều quá lớn lao, nhưng là tiến bộ của nhân loại về nghiên cứu trí tuệ nhân tạo.
Năm ngoái, AlphaFold của DeepMind cũng thu hút chú ý khi dùng mạng lưới thần kinh sâu nhân tạo để dự đoán cấu trúc ba chiều của protein từ trình tự axit amin. Tạp chí Science sau đó gọi AlphaFold là bước đột phá khoa học lớn nhất 2021.
Một "siêu AI" nổi tiếng khác là GPT-3 của OpenAI cũng được đánh giá là thông minh không kém. Nó được sử dụng để viết kịch bản phim, soạn email tiếp thị, thậm chí viết code để hỗ trợ lập trình viên.
Gần đây nhất là LaMDA của Google. AI này gây tranh cãi thời gian qua khi kỹ sư Blake Lemoine, người dành nhiều thời gian tiếp xúc với AI này, cho rằng nó "có khả năng nhận thức của một đứa trẻ".
Những người hoài nghi cho rằng các tuyên bố về tiến bộ của AI đang bị thổi phồng quá mức. Theo họ, AI chưa thể có tri giác hoặc thay thế con người trong nhiều loại công việc. Các mô hình như GPT-3 và LaMDA chỉ là "những con vẹt được tôn vinh" bằng cách "sử dụng dữ liệu huấn luyện một cách mù quáng". Phải nhiều thập kỷ nữa, con người mới có thể tạo AI với khả năng tự suy nghĩ.
Ngược lại, nhiều chuyên gia tin AI có nhận thức đang bắt đầu hình thành. Jack Clark, người phụ trách Báo cáo Chỉ số AI của Đại học Stanford, cho rằng ngày nay AI đang tiến bộ hơn rất nhiều, kể cả ở các lĩnh vực mà con người vượt trội trước đây.
"Cảm giác chúng ta đang đi từ mùa xuân sang mùa hè. Vào mùa xuân, bạn trồng cây và mơ màng về tương lai từ những chồi non xanh tươi khắp mọi nơi. Bây giờ, những bông hoa đang nở rộ", Clark ví von.
Dù có nhiều tiến bộ, thực tế AI vẫn có những thứ tồi tệ, từ việc phân biệt chủng tộc trên các phần mềm chatbot, cho đến các hệ thống lái xe tự động gặp lỗi và khiến xe gây tai nạn. Kể cả khi cải thiện, con người cũng phải mất một thời gian để khắc phục.
Làm gì để kiểm soát AI?
Theo Roose, có ba vấn đề để AI có thể phục vụ con người trong tương lai. Đầu tiên, các cơ quan quản lý và chính trị gia cần bắt kịp tốc độ phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo.
"Do có rất nhiều hệ thống AI mới, cơ quan quản lý cần nắm băt nhanh chóng về tốc độ của nó. Chỉ kiểm soát, AI mới có thể phát huy vai trò và đi đúng hướng", Roose nói.
Thứ hai, các công ty đầu tư hàng tỷ USD vào phát triển AI như Google, Meta hay OpenAI cần minh bạch hơn về những gì họ đang làm. Theo Roose, không ít mô hình AI quy mô lớn "được phát triển sau những cánh cửa đóng kín", sử dụng các tập dữ liệu riêng tư và chỉ được thử nghiệm bởi các nhóm nội bộ.
"Khi thông tin bị công khai, chúng thường bị hạ thấp giá trị thực tế hoặc bị chôn vùi trong các bài báo khoa học khó hiểu", Roose cho biết. Ngoài ra, Roose cũng cho rằng các phương tiện truyền thông cần làm tốt hơn nữa trong việc giải thích sự tiến bộ của AI cho những người không chuyên.
(theo New York Times)