Chiều qua theo giờ địa phương, Indonesia công bố bệnh nhi thứ 5 tử vong do bệnh viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân, nâng tổng số ca tử vong đã được xác nhận vì căn bệnh này trên toàn cầu lên con số 10. Tổ chức Y tế thế giới tiếp tục ghi nhận thêm những ca mắc mới và đang đẩy nhanh các cuộc nghiên cứu về nguyên nhân gây bệnh.
Kể từ khi những ca bệnh nhi mắc viêm gan không rõ nguyên nhân đầu tiên được phát hiện tại Scotland, đến nay Tổ chức Y tế thế giới đã ghi nhận 348 ca mắc tại 20 nước trên thế giới. WHO cũng lưu ý, còn 70 ca nghi nhiễm ở 13 quốc gia và vùng lãnh thổ khác đang chờ kết quả xét nghiệm. Hiện đa phần các ca bệnh nhi này tập trung ở Vương quốc Anh, với 160 ca. Nhìn trên bản đồ thì hầu hết ca bệnh được ghi nhận ở châu Âu, tuy nhiên ở Đông Nam Á, Singapore và Indonesia đã ghi nhận những trường hợp mắc đầu tiên, trong đó Indonesia xác định có tới 15 bệnh nhi mắc bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân.
Các trường hợp bệnh nhi mắc viêm gan nêu trên thường có biểu hiện đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa và men gan tăng cao rõ rệt. Theo Tổ chức Y tế thế giới, bệnh này xảy ra ở trẻ từ 1 tháng tuổi đến 16 tuổi. Tuy nhiên, phần lớn các bệnh nhân được ghi nhận đến thời điểm hiện tại là trẻ em dưới 5 tuổi. Trước bối cảnh thông tin về căn bệnh còn hạn chế khiến người dân, đặc biệt là các phụ huynh rất quan tâm và lo lắng cho sức khỏe con em mình, việc trang bị những thông tin về căn bệnh viêm gan bí ẩn là rất quan trọng.
Viêm gan cấp tính là gì?
Gan là cơ quan thực hiện rất nhiều chức năng quan trọng cho cơ thể như tổng hợp các protein thiết yếu, khử độc. Viêm gan là tình trạng tế bào gan bị viêm và hủy hoại. Viêm gan cấp tính là khi bệnh diễn ra trong thời gian dưới 6 tháng, viêm gan có thể do nhiễm virus hoặc do rượu bia, thuốc hay ảnh hưởng từ hóa chất, hoặc cũng có thể do một số rối loạn chuyển hóa và hệ miễn dịch… Riêng đối với viêm gan virus, các loại virus chính gây bệnh gồm virus viêm gan A, B, C, D và E. Tuy vậy, bệnh viêm gan cấp tính bí ẩn ở trẻ em gần đây lại không phải nằm trong các nguyên nhân trên. Đây là khẳng định của giới chuyên gia nghiên cứu.
Ông Enrique Perez - Giám đốc sự cố, Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) cho biết: "Các nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh Viêm gan - là virus Viêm gan A, B, C và D, E đã được loại trừ sau các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm đối với các mẫu bệnh phẩm viêm gan bí ẩn hiện nay. Chúng tôi đang thực hiện nhiều xét nghiệm khác để tìm hiểu kỹ hơn nguyên nhân của những trường hợp mắc bệnh".
Những giả thuyết về nguyên nhân gây bệnh viêm gan bí ẩn
Hiện nay các nhà khoa cũng chưa tìm được mối liên hệ liên quan đến thức ăn, hóa chất hay rối loạn miễn dịch. Do căn bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ xảy ra cùng lúc tại nhiều quốc gia, giới nghiên cứu nghi ngờ đây là bệnh do virus. Tuy vậy, không loại trừ các giả thuyết khác về nguyên nhân gây bệnh.
Adenovirus thể 41 là virus gây viêm dạ dày ruột ở trẻ em với các triệu chứng như tiêu chảy, nôn mửa và sốt, thường kèm theo các triệu chứng hô hấp, adenovirus được phát hiện trong phần lớn mẫu máu của các trẻ mắc bệnh. Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới hôm 23/4 cho thấy, trong số 169 trẻ mắc viêm gan bí ẩn, gần một nửa trẻ dương tính với adenovirus. Thêm vào đó, tại Anh, nơi có số ca viêm gan bí ẩn được báo cáo nhiều nhất, gần đây cũng ghi nhận sự gia tăng đáng kể các trường hợp nhiễm adenovirus trong cộng đồng. Do vậy, adenovirus hiện là tác nhân được nghi ngờ nhiều nhất gây ra bệnh viêm gan bí ẩn.
Ngoài ra, 70% trẻ em mắc bệnh gan bí ẩn tại Anh sống trong gia đình có nuôi chó hoặc từng tiếp xúc với loài thú cưng này trước khi mắc bệnh.
Theo Giáo sư Francois Balloux - Giám đốc Viện Di truyền Đại học London (Anh): "Những con chó mang adenovirus của chúng, bao gồm cả CAV-1, một tác nhân gây bệnh gan cho chó, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy CAV-1 có thể lây nhiễm sang người".
Giới chức Anh cũng lưu ý thêm rằng, việc nuôi chó là phổ biến ở nước này và có dữ liệu về tỷ lệ sở hữu vật nuôi trong các gia đình có trẻ nhỏ còn hạn chế nên rất khó để đánh giá tầm quan trọng của dữ liệu. Các nhà khoa học nước này đang nghiên cứu thêm xem liệu căn bệnh này có thực sự liên quan đến chó hay không.
Một giả thuyết khác cho rằng, trẻ em có thể đã nhiễm cả adenovirus cùng lúc với COVID-19, hoặc đây cũng có thể là một biểu hiện của hội chứng hậu COVID-19. Thế nhưng, theo báo cáo của WHO, chỉ khoảng 11% số ca mắc viêm gan bí ẩn là mắc COVID-19. Một giả thuyết nữa thì cho rằng, các biện pháp giãn cách xã hội để chống COVID-19 có thể đã làm suy yếu khả năng miễn dịch của trẻ em, vì chúng ít tiếp xúc với các mầm bệnh thông thường trong khi cách ly.
Các ca bệnh diễn biến nhanh và khó lường
Các chuyên gia y tế cho biết, tất cả những yếu tố vừa được nêu ra vừa rồi chỉ là nghi ngờ và nguyên nhân thực sự vẫn đang được điều tra. Trong khi đó, ngày hôm qua, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết, nước này ghi nhận hơn 100 ca bệnh và 5 em tử vong, các ca bệnh tuy hiếm gặp nhưng diễn biến nhanh và khó lường. CDC Mỹ khuyến cáo, các bậc cha mẹ cần theo dõi các dấu hiệu để nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở khi y tế khi có triệu chứng nghi mắc viêm gan cấp tính.
Nghiên cứu của CDC theo dõi 9 trẻ em ở bang Alabama mắc bệnh viêm gan không rõ nguyên nhân đều có kết quả xét nghiệm dương tính với adenovirus 41. Theo CDC Mỹ, độ tuổi trung bình các ca mắc có diễn biến nặng tại nước này là 2 tuổi.
Bác sĩ Ali Raja - Bệnh viện đa khoa Massachusetts, Mỹ nói: "Khi bạn thấy bé có biểu hiện vàng da, mắt ngả vàng, tiểu sậm màu là dấu hiệu cho thấy gan có vấn đề".
Tổ chức Y tế thế giới cho biết, cơ quan này đang theo dõi sát diễn biến tình hình và làm việc với giới chức Mỹ và một số quốc gia khác trong vấn đề này.
Bà Philippa Easterbrook - Nhà khoa học, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết: "Chúng tôi đã gửi bảng câu hỏi điều tra đến các nước có ca bệnh để tìm hiểu về mối liên hệ với thực phẩm nào đó chẳng hạn. Và quan trọng, không có bằng chứng cho thấy có mối liên hệ với vaccine ngừa COVID-19, vì phần lớn trẻ em mắc viêm gan còn nhỏ tuổi và không được tiêm vaccine COVID-19".
Chuyên gia cho biết, biện pháp phòng bệnh cho trẻ bao gồm đeo khẩu trang, vệ sinh hô hấp, rửa tay thường xuyên với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, nhất là trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, trước khi chạm vào mắt, mũi, miệng và ăn chín uống chín. Trẻ nên tránh tiếp xúc với người đang mắc bệnh.