Tuy nhiên, một số thói quen được cho là tiết kiệm đôi khi lại có tác dụng ngược và về lâu về dài còn khiến bạn tốn nhiều tiền hơn.
1. Đi mãi chiếc xe cũ
Mua một chiếc xe mới sẽ khiến bạn phải bỏ ra một khoản tiền lớn, vì thế bạn nghĩ rằng cứ đi mãi chiếc xe cà tàng càng lâu càng tốt là một giải pháp tốt? Trên thực tế, đi một chiếc xe cũ có thể khiến bạn phải tốn nhiều chi phí hơn cho việc sửa chữa, đảm bảo an toàn và đôi khi là tiền bảo hiểm – đó là chưa nói đến những tác hại đối với môi trường mà chiếc xe gây ra. Vì thế sẽ tốt hơn nếu đầu tư vào một chiếc xe tử tế, mặc dù bạn phải trả một khoản tiền không nhỏ ngay lập tức cho việc này.
2. Mua hàng giảm giá
Khi một món đồ được giảm giá, bạn sẽ bị thôi thúc phải mua cho bằng được. Sự thật là nhiều cửa hàng đưa ra các mức chiết khấu giả để tăng doanh số. Họ có thể đưa ra mức giảm giá sâu, nhưng mức giá sau chiết khấu vẫn gần với mức giá bán lẻ, và cửa hàng vẫn có lợi nhuận biên không đổi. Hàng giảm giá hay khuyến mãi trông có vẻ hấp dẫn nhưng thực tế có thể bạn sẽ chẳng tiết kiệm được đồng nào.
3. Mua quần áo rẻ tiền
Quần áo có thể đắt đỏ, nhưng nhìn chung thì tiền nào của ấy. Các nhãn hàng cao cấp có thể đắt vì phong cách và thẩm mỹ, nhưng hầu hết các nhãn hàng dưới mức hàng hiệu đều có mức giá tương đối bởi chất lượng vải và quy trình sản xuất chặt chẽ. Mua quần áo rẻ có thể giúp bạn tiết kiệm trong ngắn hạn, nhưng chúng sẽ xuống cấp hoặc phai màu nhanh hơn nhiều so với những thứ "đắt xắt ra miếng".
4. Để tiền trong tài khoản tiết kiệm
Với nhiều người, tài khoản tiết kiệm là nơi tốt nhất để giữ tiền. Tuy nhiên, một tài khoản trung bình chỉ mang lại mức lãi suất 0,06, nghĩa là thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ lạm phát. Sẽ tốt hơn nếu bạn đầu tư vào cổ phiếu hoặc trái phiếu, hoặc tìm kiếm một loại tài khoản khác mang lại nhiều lợi nhuận hơn cho số tiền mình có.
5. Mua thêm để được miễn phí giao hàng
Chắc hẳn bạn đã ở vào tình huống đang mua hàng online và giỏ hàng đã ở mức 420.000 đồng trong khi từ 500.000 đồng trở lên là được giao hàng miễn phí. Ngay lúc đó, bạn sẽ nghĩ việc tìm một sản phẩm khoảng 80.000 – 100.000 để được hưởng lợi ích này là một lựa chọn tốt. Tuy nhiên nếu tiền ship chỉ mất khoảng 40.000 thì rốt cuộc bạn đã tốn tiền hơn so với mức bạn muốn. Đôi khi, lựa chọn trả tiền ship hoặc chờ cho đến lúc có đủ mọi thứ mình muốn ở trong giỏ hàng lại là một quyết định sáng suốt hơn.
6. Không đi khám sức khỏe định kỳ
Có thể bạn không buồn đi khám định kỳ hàng năm, hoặc chẳng cần đi lấy cao răng thường xuyên vì bạn không muốn tốn tiền cho những thứ đó (kể cả khi có bảo hiểm). Tuy nhiên, những lần kiểm tra định kỳ ấy có một mục đích quan trọng, chúng được tạo ra để phát hiện sớm các loại bệnh và nguy cơ với sức khỏe, nghĩa là bạn không chỉ có cơ hội xử lý sớm mà còn giảm được nhiều tiền nếu phải điều trị. Hơn nữa, quyết định này không chỉ là về tài chính, mà còn là vì sức khỏe của chính bạn.
7. Bỏ tiền mua thêm thời hạn bảo hành
Các chương trình bảo hành kéo dài có vẻ hấp dẫn và có lợi cho người dùng, vì với chi phí chỉ bằng một phần nhỏ so với giá sản phẩm mà bạn có thể bảo vệ thiết bị của mình khỏi hỏng hóc, hư hại trong một khoảng thời gian xác định. Nhưng nhìn chung, các chương trình này không đáng đồng tiền bát gạo. Vì thế đó là lý do các nhân viên kinh doanh luôn chào mời bạn mua thêm thời hạn bảo hành cho sản phẩm của mình.
Xem xét kỹ lưỡng các lựa chọn mà bạn có
Đối với mọi quyết định tiết kiệm tiền và tiêu tiền, hãy dành thời gian dự tính chi phí cuối cùng, các khoản tiết kiệm được và cả thiệt hại nữa; bạn sẽ rất ngạc nhiên với kết quả mà mình thu được và hầu hết các quyết định về tài chính đều có vẻ không đơn giản như mới nhìn thoáng qua.
Không một ai là người đưa ra quyết định hoàn hảo về tài chính. Nhưng với kinh nghiệm, các quyết định của bạn rốt cuộc sẽ ngày một sáng suốt hơn.
(Theo Inc.)