Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa khởi tố, bắt tạm giam 8 bị can để điều tra về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm và tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.
Đây là những người bị cáo buộc liên quan đến đường dây sản xuất, phân phối 573 loại sữa bột giả (xem tại đây) dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non và phụ nữ có thai; thu về gần 500 tỉ đồng.

Theo điều tra của công an, 573 loại sữa giả đã được đường dây này sản xuất, bán ra thị trường, thu về gần 500 tỉ đồng
ẢNH: CAND
Một chi tiết đáng chú ý trong vụ án này, là tại cơ quan công an, Hồ Sỹ Ý (cổ đông góp vốn Công ty Rance Pharma và Công ty Hacofood, điều hành nhà máy sản xuất) khai tất cả thông tin, hàm lượng dinh dưỡng để sản xuất sữa bột đều "không được kiểm tra nên dẫn tới sự sai sót".
Đặng Trung Kiên (cổ đông góp vốn, Phó giám đốc Công ty Rance Pharma, Công ty Hacofood) cũng cho biết "khi triển khai đăng ký hồ sơ bên chi cục có hướng dẫn việc kiểm nghiệm", nhưng chỉ kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn vi sinh. "Thực tế về việc kiểm nghiệm toàn bộ dưỡng chất thì gần như không", bị can này khai.
"Lỗ hổng" quản lý kinh doanh thực phẩm?
Thông tin trên VTV, đại tá Nguyễn Minh Tuấn, Phó chánh văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, cho biết tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm nói chung và thực phẩm bổ sung dinh dưỡng, thực phẩm chức năng nói riêng đang diễn ra rất tràn lan.
Một trong những thủ đoạn được các đối tượng sử dụng, đó là lợi dụng quy định về việc doanh nghiệp được tự công bố sản phẩm, tự công bố các chỉ tiêu chất lượng, hàm lượng, thành phần dinh dưỡng, tính năng, tác dụng sản phẩm. Song, việc này không chịu sự quản lý, kiểm tra, kiểm nghiệm, cấp phép trước khi lưu hành.
Do đó, bên cạnh việc làm rõ sai phạm của các bị can, cơ quan điều tra sẽ kiến nghị cơ quan có thẩm quyền bổ sung quy định trong quản lý an toàn, sản xuất, kinh doanh thực phẩm, hạn chế các kẽ hở, không để các đối tượng lợi dụng nhằm thực hiện hành vi vi phạm.
Theo quy định tại Nghị định 15/2018, đối với thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn (ngoại trừ thực phẩm dinh dưỡng y học, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi…), doanh nghiệp được tự công bố sản phẩm thay vì phải đăng ký công bố để cơ quan quản lý thẩm định. Ngay sau khi tự công bố, doanh nghiệp được quyền sản xuất, kinh doanh sản phẩm và chịu trách nhiệm về an toàn của sản phẩm đó.
Một số chuyên gia cho rằng, cơ chế tự công bố được thiết kế nhằm giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhưng ngược lại sẽ dễ bị lợi dụng như "tấm vé thông hành" để tuồn sản phẩm giả, kém chất lượng ra thị trường. Do đó, cần sửa đổi để bịt "kẽ hở" này.
Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan, đoàn TP.HCM, thì nhận định, vấn đề không hoàn toàn nằm ở thủ tục "tự công bố" hay "phải đăng ký công bố", mà mấu chốt là công tác hậu kiểm có thực chất, có hiệu quả hay không.
Bà Lan lấy ví dụ, một trong những thủ tục cần thiết cho cả 2 hình thức công bố nêu trên là phiếu kết quả kiểm nghiệm an toàn thực phẩm (do doanh nghiệp cung cấp). Về lý thuyết, hoàn toàn có khả năng xảy ra tình huống sản phẩm mang đi kiểm nghiệm (để lấy phiếu) không đúng, không tương đồng với sản phẩm sản xuất thực tế, hoặc khi kiểm nghiệm thì tốt nhưng đến khâu sản xuất lại chất lượng khác.
Thực tế, việc kiểm duyệt chủ yếu thực hiện trên hồ sơ. Bà Lan nhận định, "doanh nghiệp làm ăn chân chính không sao, nhưng nếu chỉ làm hồ sơ cho đẹp để được cấp phép rồi khi sản xuất không đảm bảo, thì rõ ràng khâu tiền kiểm có khắt khe đến đâu cũng không mang lại quá nhiều ý nghĩa", nữ đại biểu nói.
Giải pháp tốt nhất như bà Lan đã nêu, đó là hậu kiểm, thông qua cơ chế thanh tra, kiểm tra. "Phải làm tốt việc này chứ không thể trông chờ vào ý thức tự giác của doanh nghiệp, không ít người vì lợi ích mà nhắm mắt làm liều", bà nhấn mạnh.

Các loại sữa bột giả trong đường dây vừa bị Bộ Công an triệt phá
ẢNH: CAND
Có sự ngó lơ, bao che hay không?
Như đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nhận định, khâu hậu kiểm giữ vai trò then chốt trong việc giám sát, quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm của doanh nghiệp.
Trong vụ 573 nhãn hiệu sữa bột giả, cơ quan điều tra Bộ Công an xác định từ năm 2021 đến nay, các bị can thông qua 11 công ty để tiêu thụ sản phẩm, thu về số tiền lên tới gần 500 tỉ đồng. Quy mô đường dây sữa giả rất lớn, hoạt động kéo dài suốt 4 năm mới bị triệt phá, vậy khâu hậu kiểm liệu có vấn đề gì không?
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp, bày tỏ sự lo ngại trước tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng diễn ra ngày càng phức tạp, không chỉ sữa mà còn thực phẩm, thuốc men…, ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe người tiêu dùng.
Ở vụ án trên, ngoài sai phạm của các bị can, cơ quan điều tra cũng cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền về quản lý thị trường, an toàn vệ sinh thực phẩm... Với gần 600 loại sữa giả được quảng cáo rầm rộ, phân phối tới hàng ngàn khách hàng trong thời gian dài, vị đại biểu đặt vấn đề "liệu có sự buông lỏng, thậm chí là ngó lơ, tiếp tay hay không", "phải truy đến cùng, tùy theo mức độ vi phạm (nếu có) mà xử lý".
Còn theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, mỗi khi có vụ việc bê bối xảy ra, việc xác định trách nhiệm quản lý trong lĩnh vực liên quan là đòi hỏi tất yếu. Dựa trên các chứng cứ thu thập được, cơ quan điều tra sẽ làm rõ vấn đề này, trên cơ sở đúng người, đúng trách nhiệm (nếu có).
Nhưng bà Lan cũng chỉ ra thực tế rằng, lĩnh vực kinh doanh thực phẩm rất lớn, cả về quy mô và tính chất. Việc thanh tra, kiểm tra rất quan trọng, nhưng cũng rất khó, không phải "cứ vào kiểm tra là ra được sai phạm".
Trong khi đó, lực lượng thanh tra, kiểm tra lĩnh vực này hiện còn nhiều hạn chế về nhân lực, vật lực, khối lượng công việc ngày càng nhiều hơn. Song song với câu chuyện "địa chỉ trách nhiệm", nữ đại biểu kiến nghị tạo thêm cơ chế, điều kiện để nâng cao chất lượng công tác này.
Quản lý thị trường nói gì?
Ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công thương), dẫn quy định tại Nghị định 15/2018. Theo đó, Bộ Công thương có trách nhiệm quản lý đối với nhóm sản phẩm sữa chế biến thông thường. Còn với các sản phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm chức năng, hay dược phẩm có thành phần dinh dưỡng đặc biệt, Bộ Y tế có trách nhiệm quản lý.
Công ty Rance Pharma và Hacofood Group (2 trong số 11 doanh nghiệp liên quan vụ sản xuất 573 loại sữa giả) là những doanh nghiệp không thuộc thẩm quyền quản lý chuyên ngành của Bộ Công thương.
Bộ Công thương không được thực hiện thanh tra chuyên ngành, kiểm tra định kỳ hay hậu kiểm đối với hoạt động sản xuất và cung ứng sữa của 2 doanh nghiệp này. Việc kiểm tra chỉ được tiến hành khi phát hiện dấu hiệu vi phạm trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.
Sau khi đường dây sản xuất, phân phối 573 loại sữa bột giả bị công an triệt phá, ông Linh cho biết đã chỉ đạo các chi cục quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động lưu thông, phân phối các sản phẩm sữa trên các kênh bán lẻ nhỏ lẻ, đại lý không chính thức, sàn thương mại điện tử, mạng xã hội…