Có người nói, người hạnh phúc đều giống nhau, nhưng người bất hạnh lại có nỗi bất hạnh riêng. Trong cuộc sống, không khó để chúng ta nhận thấy những người có cuộc sống cũng như hôn nhân hoặc gia đình hạnh phúc thường có một điểm chung, đó là trên người họ toát ra cảm giác hạnh phúc rất mạnh mẽ. Hầu hết mọi người có cảm giác hạnh phúc mạnh mẽ phần lớn là do cha mẹ họ đã dành cho họ đủ tình yêu thương và sự chăm sóc trong suốt thời thơ ấu.
Là cha mẹ, nếu muốn con mình có một cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc thì phải vun đắp cho trẻ cảm giác hạnh phúc ngay từ khi còn nhỏ để tâm hồn trẻ được trọn vẹn. Chỉ khi tâm hồn trẻ được thỏa mãn thì trẻ mới có sự tự tin và tự chủ, có thể chấp nhận tốt những khuyết điểm và thiếu sót của mình. Có như vậy, khi lớn lên, trẻ mới không kiêu ngạo và bốc đồng, thay vào đó là biết cảm nhận và trân trọng những gì mình có. Khi những thăng trầm của cuộc đời ập đến, trẻ có dũng khí chiến đấu, đối mặt và vượt qua mọi trở ngại, khó khăn.
Vì vậy, làm thế nào để nuôi dưỡng cảm giác hạnh phúc của trẻ em? Câu trả lời thực ra rất đơn giản, chỉ cần cha mẹ đồng hành và yêu thương nhiều hơn, con cái tự nhiên sẽ cảm thấy hạnh phúc.
Nói chung, nếu cha mẹ thường xuyên nói những câu sau đây, con cái sẽ trở nên vui vẻ và hạnh phúc hơn rất hơn.
01. "Bố mẹ sẽ luôn yêu con"
Dù ở bất kỳ thời điểm nào, tình yêu thương của cha mẹ dành cho con cái luôn là dũng khí và niềm tin lớn nhất trong trái tim đứa trẻ. Nếu một đứa trẻ thường xuyên nghe cha mẹ nói "Bố mẹ yêu con" thì trong lòng sẽ tràn đầy cảm giác an toàn và tự tin.
Ảnh minh họa
Trong cuộc sống, nhiều bậc cha mẹ cảm thấy ngại khi thể hiện cảm xúc yêu thương của mình. Thậm chí, một số bậc cha mẹ thường dọa dẫm, đe dọa con cái vì lỗi lầm của con mình, luôn nói với trẻ: "Nếu con còn làm thế nữa, bố mẹ sẽ không yêu con nữa", "Nhìn anh/ chị/ em của con ngoan thế kia, bố mẹ không yêu con nữa"...
Như mọi người đều biết, kiểu giáo dục này sẽ chỉ khiến trẻ em cảm thấy thấp kém và cảm giác hạnh phúc bên trong của chúng sẽ ngày càng thấp hơn. Điều này gây ra những tác động tiêu cực, có thể gây hại đến tương lai phát triển của trẻ.
Cha mẹ tốt biết cách thể hiện tình yêu của mình một cách đúng đắn và tích cực. Hãy nói với trẻ "Bố/ mẹ sẽ luôn yêu con" để trẻ biết dù trẻ thế nào, dù trẻ làm gì, cha mẹ sẽ luôn là chỗ dựa, là hậu phương yêu thương và tin tưởng trẻ.
02. "Con hãy cứ là chính mình"
Trong hoàn cảnh nào con người cảm thấy thoải mái và hạnh phúc nhất? Tôi nghĩ rằng đó là thời điểm mà một người được cởi bỏ lớp ngụy trang, loại bỏ tất cả phòng ngự và trở về với con người thật của mình. Nói một cách đơn giản, một người chỉ hạnh phúc nhất khi được là chính mình.
Có rất nhiều bậc cha mẹ trong cuộc sống luôn có thói quen so sánh con mình với người khác, luôn thủ thỉ bên tai trẻ bằng những câu như: "Con không thể cố gắng hơn được à, con nhìn con nhà người ta xem", "Suốt ngày chỉ biết chơi, bạn A/ bạn B học giỏi thế, con thì sao?"...
Khi phải nghe những câu nói như vậy trong một thời gian dài, sự tự ti sẽ vô thức nảy sinh trong lòng trẻ. Và một người có lòng tự trọng thấp đương nhiên sẽ khó cảm nhận được hạnh phúc.
Làm cha mẹ, xin hãy nhớ rằng một người nếu muốn có cảm giác hạnh phúc thì điều đầu tiên là phải học được cách làm chính mình. Trong quá trình trưởng thành của trẻ, chúng ta phải khám phá thêm những điểm sáng của trẻ, khuyến khích trẻ, khen ngợi trẻ, động viên trẻ "hãy là chính mình". Có như vậy, trong cuộc sống sau này, trẻ sẽ mạnh mẽ mà không kiêu căng và sẽ luôn bình yên, hạnh phúc.
Ảnh minh họa
03. "Bố mẹ biết con đã cố gắng hết sức rồi, không sao đâu"
Thông thường khi con cái làm bài kiểm tra không tốt hoặc thi trượt, cha mẹ hay tỏ ra tức giận, buộc tội hoặc la mắng chúng và hoàn toàn bỏ qua sự nỗ lực bao lâu nay của trẻ.
Là người có kinh nghiệm sống phong phú, cha mẹ nên hiểu rằng không phải mọi nỗ lực đều dẫn đến thành công, không phải cứ cố gắng là sẽ thu lại được kết quả, bởi trong cuộc sống mọi thứ là không thể đoán trước.
Thành công suy cho cùng là một quá trình cần sự tích lũy lâu dài. Nếu trẻ luôn chậm chạp, bạn cần kiên nhẫn hướng dẫn cho trẻ. Nếu trẻ vẫn chưa thay đổi nhiều, đừng giục lấy giục để, điều này chỉ gây áp lực khiến trẻ càng làm càng loạn. Thay vào đó, hãy nói với trẻ: "Bố mẹ biết con đã cố gắng hết sức rồi, không sao đâu con, cứ bình tĩnh", theo thời gian trôi, trẻ sẽ ngày càng tiến bộ hơn. Nếu lần này trẻ làm bài thi không tốt, hãy nói với trẻ: "Bố mẹ biết con đã rất chăm chỉ, tiếp tục cố gắng nhé", lần sau, có lẽ trẻ sẽ bắt kịp các bạn.
Ngược lại, nếu bạn hoàn toàn bỏ qua sự cống hiến và những nỗ lực chăm chỉ của trẻ mà chỉ chú ý đến kết quả, trẻ sẽ bị đả kích, sẽ thấy ấm ức và không được công nhận. Khi lớn lên, trẻ cũng sẽ chỉ biết theo đuổi kết quả mà không thể trải nghiệm được sự tốt đẹp của quá trình, từ đó khiến trẻ trở thành một người thiếu hạnh phúc.
04. "Bố mẹ nghĩ con có thể"
Tiểu Quân là một cậu bé rất ngoan ngoãn. Mấy hôm trước, mẹ Tiểu Quân dẫn Tiểu Quân xuống khu vui chơi ở sân chung cư thì vô tình gặp một nhóm trẻ con đang chơi đuổi bắt ở đó. Một trong những đứa trẻ lớn nhất của nhóm đến và rủ Tiểu Quân chơi cùng nhưng Tiểu Quân từ chối.
Mẹ Tiểu Quân thắc mắc hỏi tại sao cậu bé không chơi cùng các bạn, Tiểu Quân rụt rè trả lời: "Vì con không cao bằng các bạn, con không chạy nhanh được, con sợ không đuổi kịp".
Ảnh minh họa
Thấy vậy, mẹ Tiểu Quân đã lập tức động viên: "Mẹ nghĩ con có thể làm được, con cứ thử chơi với các bạn đi, được không?".
Sau đó, Tiểu Quân đã tham gia cùng tụi trẻ và có một thời gian tuyệt vời với rất nhiều tiếng cười đùa. Về đến nhà, Tiểu Quân hạnh phúc khoe với mẹ: "Mẹ ơi, hôm nay con rất vui".
Nhiều lúc trẻ sẽ không tránh khỏi sự rụt rè, nhút nhát trong lòng. Lúc này, cha mẹ có trách nhiệm động viên, cổ vũ trẻ và nói với trẻ rằng: "Con có thể làm được mà", "Bố mẹ nghĩ con có thể"... Có như vậy, trẻ mới ngày càng dũng cảm hơn, tràn đầy sức mạnh để đương đầu với những thử thách của cuộc đời. Thông qua những lần thử thách này, trẻ sẽ tự nhiên đạt được rất nhiều niềm vui và cảm giác hạnh phúc.
05. "Con xứng đáng"
Tôi có một người bạn, bố mẹ cậu ấy làm kinh doanh, gia đình tương đối khá giả. Thế nhưng bố mẹ cậu ấy rất nghiêm khắc, luôn bắt cậu ấy phải tiết kiệm vì kiếm tiền rất khó. Khi cậu ấy lên cấp 2, bố mẹ cậu ấy chỉ cho cậu ấy 10 nghìn tiêu vặt một tuần, trong khi các bạn cùng lớp khác được tận 20 nghìn.
Sau khi vào đại học, trong khi các bạn cùng lớp đều có điện thoại thông minh thì cậu ấy phải năn nỉ ỉ ôi mãi, bố cậu ấy mới mua cho cậu ấy một cái điện thoại cục gạch. Kết quả là cậu ấy càng ngày càng trở nên tự ti và tiết kiệm đến mức tằn tiện, nghĩ rằng mình chẳng là gì cả, làm gì cũng thấy mình không xứng đáng.
Gặp cô gái mà mình thích, cậu ấy không dám theo đuổi. Đến khi bạn bè xung quanh đều đã có đôi có cặp, lục tục lập gia đình, mỗi cậu ấy vẫn lủi thủi một mình. Mãi đến năm ngoái, cậu ấy cuối cùng cũng kết hôn thông qua sự mai mối của họ hàng nhưng vì quá keo kiệt và hà khắc với chính vợ mình nên sau đó không lâu, người vợ đã đệ đơn ly hôn.
Biết tiết kiệm là một đức tính tốt nhưng nếu trẻ quá tằn tiện sẽ khiến trẻ cảm thấy tự ti, thấp kém và có nhân cách méo méo, từ đó cản trở hạnh phúc của chúng. Ở vị trí của mình, cha mẹ cần giúp xây dựng thái độ sống đúng đắn, cố gắng tạo môi trường sống ổn định, an toàn, tươi đẹp cho trẻ. Hãy cho trẻ biết rằng trẻ rất tốt và trẻ xứng đáng với mọi thứ mà trẻ muốn.
Ảnh minh họa
06. Tình thương của cha mẹ là niềm tin lớn nhất trong đời con
Nuôi dạy một đứa trẻ hạnh phúc không thể tách rời khỏi sự quan tâm và yêu thương của cha mẹ. Đối với con cái, mỗi hành động, lời nói và việc làm của cha mẹ sẽ tác động quyết định đến tâm hồn chúng.
Cha mẹ phải cho con cái hiểu rằng dù trẻ thế nào, cha mẹ sẽ luôn yêu thương trẻ, luôn ở đó để cổ vũ trẻ, biết và công nhận những nỗ lực của trẻ. Dù khó khăn đến đâu, cha mẹ sẽ cùng trẻ đối diện với tất cả.
Hãy để trẻ cảm thấy hạnh phúc từ tận tâm hồn, đó là sự giáo dục tốt nhất mà cha mẹ có thể dành cho con cái, và cũng là món quà lớn nhất cho sự trưởng thành của chúng.