Tỷ lệ 5-1 có tác dụng thần kỳ vì nó tạo ra một vùng đệm tích cực giúp các cặp vợ chồng giải quyết xung đột hiệu quả hơn.
Những tương tác tích cực như thể hiện sự trân trọng, tình yêu, chia sẻ tiếng cười và hỗ trợ sẽ hoạt động như khoản tiền gửi trong tài khoản ngân hàng cảm xúc của mối quan hệ. Những khoản tiền gửi này được tích lại theo thời gian và giúp làm giảm tác động của những tương tác tiêu cực (chỉ trích, lườm nguýt...), giúp giải quyết xung đột dễ dàng hơn và giúp hai phía hướng về tương lai mà không còn oán giận.
5 cách để áp dụng tỷ lệ 5-1 vào mối quan hệ hôn nhân.
Bày tỏ lòng biết ơn hằng ngày
Nỗ lực để nhận ra và bày tỏ lòng biết ơn với bạn đời, dù nhỏ đến đâu cũng giống như việc bạn uống "vitamin mối quan hệ" hàng ngày. Một nghiên cứu năm 2012 phát hiện ra những cá nhân cảm thấy được đối tác lãng mạn trân trọng hơn có xu hướng đáp ứng nhu cầu của đối tác tốt hơn. Ngoài ra, những cá nhân biết trân trọng báo cáo mức độ cam kết cao hơn và có nhiều khả năng duy trì mối quan hệ bền vững theo thời gian.
Để bày tỏ lòng biết ơn, hãy ghi nhận những điều nhỏ nhặt. Mọi người có xu hướng coi những hành động hàng ngày là điều hiển nhiên, nhưng việc ghi nhận chúng có thể tạo ra sự khác biệt lớn. Vợ/chồng có pha cà phê cho bạn sáng nay không? Họ có đổ rác hoặc mua đồ tạp hóa trên đường về nhà không? Hãy ghi nhận những nỗ lực này bằng một câu "cảm ơn" hoặc "Em rất cảm kích vì anh luôn nghĩ đến em".
Nên khen ngợi điểm mạnh của họ, dù đó là khiếu hài hước, kỹ năng nấu ăn hay khả năng giữ bình tĩnh dưới áp lực. Hãy cho đối phương biết bạn thấy và trân trọng những đặc điểm này. Ví dụ, bạn có thể nói: "Em thích cách anh luôn biết cách làm em cười, ngay cả trong những ngày khó khăn" hoặc "Anh có con mắt tinh tường về chi tiết - bữa tối anh làm thật tuyệt vời".
Đừng quên cùng nhau ăn mừng các thành tích. Đừng chờ đợi những cột mốc lớn mới ăn mừng thành tích của đối tác. Việc ghi nhận những thành công nhỏ cho thấy bạn đang chú ý và tự hào về đối tác. Bạn có thể nói: "Em rất tự hào về anh. Em biết anh đã phải làm việc rất chăm chỉ" hoặc "Em ngưỡng mộ sức mạnh của anh".
Ưu tiên thời gian chất lượng bên nhau
Thời gian chất lượng có nghĩa là sự kết nối với đối tác ở mức độ sâu sắc hơn. Nghiên cứu cho thấy các tương tác không xung đột hàng ngày thúc đẩy sức khỏe và hoạt động của một mối quan hệ. Các cặp vợ chồng dành nhiều thời gian tương tác hàng ngày để nói chuyện sẽ có mức độ hài lòng cao hơn, coi mối quan hệ của họ tích cực hơn và cảm thấy gần gũi hơn với đối tác.
Bạn có thể bắt đầu bằng việc lên kế hoạch cho những đêm hẹn hò. Đây là cách tuyệt vời để có thời gian chất lượng bên nhau, bao gồm tận hưởng bữa tối tại nhà hàng yêu thích, một đêm xem phim tại nhà hoặc một chuyến đi đường ngẫu hứng. Nỗ lực bạn bỏ ra để lên kế hoạch và tận hưởng những buổi hẹn hò này cho đối tác thấy bạn trân trọng thời gian bên nhau.
Ngoài ra, bạn có thể đơn giản là dành những khoảnh khắc yên tĩnh bên nhau mà không cần trò chuyện hay hoạt động. Ôm ấp trên ghế dài, ngắm hoàng hôn hoặc chỉ cần nắm tay và tận hưởng sự im lặng. Những khoảnh khắc kết nối yên tĩnh này có thể vô cùng mạnh mẽ và thân mật.
Xin lỗi và tha thứ
Xin lỗi và tha thứ là những kỹ năng quan trọng vì chúng giúp bạn xử lý xung đột một cách khéo léo và ngăn chặn sự tiêu cực dai dẳng. Theo tiến sĩ tâm lý Karina Schumann của Đại học Pittsburgh, tha thứ là một quá trình chuyển đổi liên quan đến việc buông bỏ sự tiêu cực đối với người sai.
Khi bạn mắc lỗi hoặc làm tổn thương đối tác, hãy đưa ra lời xin lỗi chân thành. Điều này bao gồm việc thừa nhận lỗi lầm của bạn, bày tỏ sự hối tiếc và chịu trách nhiệm. Tránh đưa ra lời bào chữa hoặc biện minh cho hành động của bạn. Thay vào đó, hãy nói điều gì đó như "Anh thực sự xin lỗi vì những gì anh đã nói trước đó. Anh đã vô tình và anh có thể thấy điều đó làm em tổn thương như thế nào".
Đừng quên đền bù cho lỗi lầm của bạn. Có thể thông qua hành động cho thấy bạn cam kết thay đổi hành vi của mình hoặc thông qua cử chỉ thể hiện sự hối tiếc của bạn. Khi thảo luận về xung đột, nên tập trung vào việc tìm giải pháp thay vì nhắc lại những sai lầm trong quá khứ. Cùng nhau làm việc để hiểu điều gì đã sai và cách ngăn ngừa các vấn đề tương tự trong tương lai.
Chấp nhận quan điểm của đối phương
Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí nghiên cứu tình dục, Mỹ, việc tôn trọng quan điểm của đối tác sẽ chuyển trọng tâm từ những ham muốn ích kỷ, tức thời sang những mối quan tâm rộng hơn về mối quan hệ và hậu quả lâu dài.
Việc tiếp nhận quan điểm này có thể dẫn đến những hành vi đảm bảo hạnh phúc lâu dài cho cả hai đối tác. Những cá nhân xem xét quan điểm của đối tác thường cảm thấy gần gũi, quan tâm hơn và có xu hướng dành thời gian cho nhau nhiều hơn. Những cảm giác quan tâm này cũng có thể giúp giảm leo thang xung đột, hỗ trợ sự khỏe mạnh của mối quan hệ trong những thách thức cả bên trong và bên ngoài mối quan hệ.
Để làm được điều này, cần thực sự lắng nghe những gì đối tác của bạn đang nói mà không ngắt lời hoặc chuẩn bị phản bác. Hãy dành cho họ sự chú ý hoàn toàn, duy trì giao tiếp bằng mắt. Cần nhận ra và thừa nhận cảm xúc của đối tác. Ngay cả khi bạn không đồng ý với quan điểm của họ, cảm xúc của họ vẫn có giá trị.
Hãy cởi mở với sự thỏa hiệp. Chấp nhận quan điểm của đối tác đôi khi có nghĩa là sẵn sàng thỏa hiệp. Điều này không có nghĩa là từ bỏ quan điểm của riêng bạn mà là tìm ra một lập trường chung tôn trọng cảm xúc và nhu cầu của cả hai.
Giữ cho cảm xúc nhẹ nhàng
Nghiên cứu cho thấy sự hài hước là một trong những yếu tố dự báo mạnh nhất về sự hài lòng trong mối quan hệ, khiến nó trở thành một công cụ có giá trị trong bất kỳ mối quan hệ nào. Nó có thể xoa dịu căng thẳng, tạo ra những tương tác tích cực và củng cố kết nối cảm xúc của bạn.
Để bắt đầu, hãy cùng nhau chia sẻ những câu chuyện cười vui hài hước, nho nhỏ, chúng nhắc nhở bạn về những trải nghiệm chung và mang lại cảm giác gần gũi. Bạn có thể trêu chọc điều gì đó khiến đối tác thấy đáng yêu có thể khiến họ mỉm cười, nhưng hãy chắc chắn tránh các chủ đề nhạy cảm có thể làm tổn thương cảm xúc của họ. Đừng quên rằng việc tìm thấy sự hài hước trong những điều bình thường giúp mọi thứ nhẹ nhàng và thú vị.
(Theo Psychology Today)