"Nửa đêm 9/3, tôi nhận được tin nhắn của người đồng sáng lập công ty về rủi ro của Silicon Valley Bank (SVB). Ban lãnh đạo mở một cuộc họp bất thường ngay trong đêm để đánh giá về tình hình xấu nhất có thể ập đến", Phương Thanh kể.
Sau cuộc họp, các thành viên thống nhất tìm cách rút hết tiền mặt về. Tuy nhiên, mọi thứ tồi tệ hơn dự đoán khi toàn bộ lệnh giao dịch không thể thực hiện. Ngày 10/3, Thanh đến chi nhánh ngân hàng nhưng cửa đóng then cài, nhiều chủ doanh nghiệp khác cũng đang đứng chờ.
"Khi tin tức SVB bị đóng cửa được công bố, tôi như bị rút cạn oxy. Toàn bộ tài sản công ty, vốn liếng khởi nghiệp của chúng tôi đều ở đó. Hơn 50 con người đang chờ lương vài ngày nữa. Startup có nguy cơ sụp đổ ngay trước mắt", Thanh nói.
Cô và ban lãnh đạo tính đến những phương án như bỏ tiền túi để trả nhân viên tháng này, đi mượn tiền để thanh toán lương, thông báo tình hình với toàn nhân viên, thậm chí cắt giảm nhân sự. Trường hợp xấu nhất là phải xin phá sản, đóng cửa công ty. Thanh cho biết 48 giờ qua là thời gian tồi tệ nhất của cô kể từ khi bắt đầu đặt chân đến nước Mỹ, theo đuổi giấc mơ khởi nghiệp cách đây vài năm.
Trong khi đó, Tú Trần, kỹ sư công nghệ làm việc tại một startup về AI, nói anh "sốc mạnh, như sấm đánh ngang tai" khi nghe tin về SVB. "Tôi gần như đã cạn kiệt sức lực mới tìm được công việc này sau khi bị cuốn vào làn sóng sa thải lịch sử. Nếu công ty gặp vấn đề, những nhân sự mới như tôi sẽ bị cắt giảm đầu tiên".
Tú kể, khi bị cho thôi việc ở công ty trước, anh như bị "ném tõm xuống hồ nước rồi may mắn vớ được tấm ván bấu víu". Tuy nhiên, hai ngày cuối tuần, anh cảm thấy tấm ván - startup mới nhận anh vào làm - như đang chìm dần. Anh gần như rơi vào hoảng loạn vì cú sập SVB có thể sẽ quét sạch thành trì cuối cùng của các kỹ sư đến Mỹ theo diện visa H-1B như anh.
"Mọi người trong gia đình đều hiểu, nếu ngay cả công ty này cũng không trụ lại được, chúng tôi phải rời Mỹ. Gần như không còn cơ hội nào", Tú Trần kể. Anh đã tính đến tình huống xấu nhất là từ bỏ "giấc mơ Mỹ", quay về quê nhà vì mệt mỏi trước những cú sốc của Thung lũng Silicon trong thời gian ngắn.
"Có thể thở phào được rồi!"
Rạng sáng 13/3 (giờ Hà Nội), Tú Trần cho biết anh và gia đình đã có thể thở phào khi nghe tin chính phủ sẽ đảm bảo khoản tiền gửi tại SVB cho các khách hàng. Điều này đồng nghĩa startup anh mới gia nhập sẽ có thể hoạt động bình thường.
"Ổn cả rồi. Chúng ta đã được cứu. Mọi người hãy đi làm bình thường", Tú nhận được tin nhắn từ sếp gửi trong nhóm chat của công ty sau hai ngày dài im lặng.
Còn Phương Thanh nói cô như "sống lại lần nữa" khi biết tin khoản tiền gửi của công ty đã an toàn. "48 giờ đáng nhớ. Cảm giác như đang đứng bên bờ vực, có thể trắng tay rồi lại được hoàn trả", nữ CFO kể. Cô cho biết ngay trong sáng thứ Hai, cô sẽ tiếp tục tìm cách rút khoản tiền đang gửi và phân bổ ở nhiều nơi.
Trước đó trên Twitter, Garry Tan, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành công ty hỗ trợ khởi nghiệp Y Combinator (YC), cảnh báo: "Nếu chính phủ không can thiệp, tôi nghĩ cả một thế hệ startup có thể bị xóa sổ".
Còn theo Lê Văn Thành, kiến trúc sư giải pháp tại Google, trong các đợt sa thải trước, mọi người thường tìm kiếm sự hỗ trợ của cộng đồng để nhanh chóng tìm được việc mới. Trong khi đó, ở lần này, hầu hết startup không dám nói ra vì lo ngại ảnh hưởng nhiều hơn nữa đến hoạt động của công ty.
"Nếu không được hỗ trợ kịp thời, các startup nhỏ, nhân sự dưới 100 người sẽ là những nạn nhân lớn nhất của cuộc khủng hoảng SVB. Thảm họa này có thể sẽ khiến các công ty startup bị kéo lùi 10 năm", ông Thành nói về trường hợp xấu nhất có thể xảy ra.
Thành lập năm 1983, Silicon Valley Bank trở thành ngân hàng lý tưởng cho các startup, nhất là lĩnh vực công nghệ - vốn được đánh giá là quá rủi ro trong mắt những ngân hàng lớn và lâu đời. Trên website, SVB tự giới thiệu là ngân hàng được lựa chọn bởi gần một nửa các công ty khởi nghiệp được hỗ trợ bởi các quỹ tại Mỹ. Tuy nhiên, ngày 10/3, SVB bị giới chức California đóng cửa và được coi là vụ sụp đổ ngân hàng lớn nhất ở Mỹ kể từ sau khủng hoảng tài chính hơn một thập kỷ trước.